Hiện nay, khởi kiện yêu cầu di dời mồ mả ra khỏi phần đất thường phức tạp do hiện trạng trên đất đã có mồ mả, các bên thường không chịu hợp tác và chưa có các văn bản pháp luật điều chỉnh hay hướng dẫn trực tiếp đối với những vấn đề này. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hãy cùng tìm hiểu các vấn đề liên quan đến quyền yêu cầu di dời mồ mả ra khỏi phần diện tích đất cũng như hồ sơ, quy trình khởi kiện qua bài viết sau đây.
Yêu cầu di dời mồ mả ra khỏi phần đất
Quyền yêu cầu di dời mồ mả ra khỏi phần diện tích đất của mình
Theo Điều 166 Luật Đất đai năm 2013 quy định như sau:
- Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình (khoản 5 Điều 166 Luật Đất đai năm 2013);
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai (khoản 7 Điều 166 Luật Đất đai năm 2013);
Như vậy, căn cứ vào quy định pháp luật, người sử dụng đất được quyền bảo hộ, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình. Có thể thấy, khi phần đất bị sử dụng cho việc chôn lấp, xây dựng mồ mả thì người sử dụng đất có quyền khởi kiện yêu cầu di dời mồ mả ra khỏi phần diện tích đất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thủ tục khởi kiện yêu cầu di dời mồ mả ra khỏi phần đất của mình
Khi tiến hành hòa giải không thành, các chủ thể là chủ sở hữu đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết có trình tự thủ tục như giải quyết tranh chấp dân sự căn cứ vào quy định tại Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, cụ thể:
Hồ sơ khởi kiện
Thứ nhất, đơn khởi kiện (Mẫu đơn khởi kiện theo mẫu số 23 – Danh sách ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ- HĐTP do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành ngày 13/01/2017);
Thứ hai, kèm theo đơn khởi kiện là danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo, căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, cụ thể:
- Giấy tờ chứng thực cá nhân của người khởi kiện: Chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu…
- Biên bản hòa giải (Nếu có);
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013;
- Các giấy tờ khác liên quan tới việc khởi kiện hoặc thương lượng, hòa giải trước đó;
Trình tự, thủ tục khởi kiện
- Bước 1, tranh chấp về việc di dời mồ mả ra khỏi phần diện tích đất là tranh chấp liên quan đến việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất. Vì vậy, căn cứ khoản 24 Điều 3, Điều 202 Luật Đất đai 2013 thì tranh chấp này phải được hòa giải tại cơ sở trước khi khởi kiện tại Tòa án. Theo đó, người sử dụng đất nếu không tự hòa giải thì phải gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải trước khi khởi kiện;
- Bước 2, cá nhân, tổ chức nộp đơn khởi kiện kèm theo đó là các tài liệu chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện;
- Bước 3, cơ quan Tòa án thông báo kết quả giải quyết đơn khởi kiện. Nếu đơn khởi kiện đủ điều kiện thụ lý thì cơ quan Tòa án ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí đối với đơn khởi kiện. Căn cứ thông báo, cá nhân, tổ chức đến Cơ quan Thi hành án nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí tòa án. Nếu không đủ điều kiện để giải quyết thì Tòa án sẽ có thông báo cho người nộp đơn (Căn cứ theo quy định tại Điều 191, Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015);
- Bước 4, cá nhân, tổ chức nộp biên lai thu tiền tạm ứng đến Cơ quan Tòa án. Cơ quan Tòa án tiến hành thụ lý vụ án.
- Bước 5, trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án (trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn)
- Bước 6, đưa vụ án ra xét xử ở phiên tòa sơ thẩm và có bản án sơ thẩm;
Nếu không đồng ý với bản án sơ thẩm, thì một trong hai bên tranh chấp có quyền làm đơn kháng cáo để được Tòa án giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
Một số lưu ý khi khởi kiện yêu cầu di dời mồ mả
Lưu ý khi khởi kiện di dời mồ mả
Hiện nay, hướng dẫn khởi kiện yêu cầu di dời mồ mả ra khỏi phần diện tích đất vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi chưa có các văn bản điều chỉnh hay hướng dẫn trực tiếp đối với những vấn đề này. Do đó, người khởi kiện cần phải lưu ý một số quy định và kiến thức thực tiễn sau khi khởi kiện yêu cầu di dời mồ mả, cụ thể:
- Mồ mả là vấn đề tâm linh, tín ngưỡng của người Việt Nam. Do đó, không được tự ý di dời mồ mả của người khác ra khỏi phần diện tích của đất mình khi chưa bàn bạc, trao đổi với gia đình của người có mồ mả, nếu không phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả;
- Trước khi khởi kiện yêu cầu di dời mồ mả ra khỏi phần đất của mình, bạn cần kiểm tra các giấy tờ sử dụng đất hợp pháp đối với phần đất khởi kiện;
- Kiểm tra xem việc bị phần mồ mả xâm phạm quyền sử dụng đất phải xảy ra trước hay sau khi đã được công nhận, xác lập quyền sử dụng đất;
- Cần lưu ý về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Cụ thể, người khởi kiện cần căn cứ vào việc mình có hay không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai mà yêu cầu Tòa án hoặc Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp giải quyết tranh chấp.
Luật sư hướng dẫn khởi kiện yêu cầu di dời mồ mả
Luật sư khởi kiện yêu cầu di dời mồ mả
Luật sư sẽ tiếp nhận thông tin từ khách hàng và tư vấn chi tiết cho khách hàng về quyền yêu cầu di dời mồ mả ra khỏi phần diện tích của mình, cụ thể:
- Luật sư xem xét các thông tin mà khách hàng cung cấp, sau đó hướng dẫn cụ thể các trình tự, thủ tục khởi kiện giải quyết yêu cầu di dời mồ mả ra khỏi phần diện tích của mình đến Tòa án;
- Luật sư giúp khách hàng soạn thảo các văn bản, chuẩn bị hồ sơ cũng như các giấy tờ pháp lý cần thiết phục vụ giải quyết tranh chấp như đơn khởi kiện và các văn bản pháp lý liên quan khác;
- Luật sư sẽ đại diện theo ủy quyền thay mặt khách hàng tham gia tố tụng hoặc giải quyết tranh chấp bằng cách thương lượng với đối phương;
- Ngoài ra, luật sư sẽ tư vấn các vấn đề pháp lý khác liên quan đến yêu cầu di dời mồ mả ra khỏi phần đất của mình theo yêu cầu của khách hàng.
Như vậy, mồ mả là vấn đề tâm linh, tín ngưỡng của người Việt Nam. Do đó, không được tự ý di dời mồ mả của người khác ra khỏi phần diện tích của đất mình khi chưa bàn bạc, trao đổi với gia đình của người có mồ mả. Trường hợp, xét thấy mồ mả xâm phạm đến diện tích của mình tham khảo ý kiến của luật sư hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vụ việc một các hợp tình, hợp lý nhất.
Tranh chấp liên quan đến việc yêu cầu di dời mồ mả ra khỏi diện tích đất của mình rất phổ biến hiện nay. Đến với Luật Kiến Việt các bạn sẽ được tư vấn chuyên sâu về phương thức, hồ sơ cũng như quy trình để giải quyết tranh chấp. Nếu bạn cần luật sư đất đai tư vấn hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 0386.579.303 để được tư vấn chi tiết.