Dạy thêm trái pháp luật bị xử phạt như thế nào?

Dạy thêm, học thêm là một dịch vụ giáo dục khá phổ biến trong môi trường học đường. Dù là một hình thức giúp bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh, việc dạy thêm, học thêm cũng mang lại một số hệ quả không mấy tốt đẹp như hành vi tiết lộ đề kiểm tra thông qua lớp dạy thêm, chèn ép học sinh trong lớp khi các em không đi học thêm,… Do đó, pháp luật đã đưa ra một số mức phạt nhất định mang tính chất răn đe cho những hành vi không đảm bảo việc dạy thêm, học thêm đúng pháp luật. Tại bài viết này, Luật Kiến Việt sẽ giới thiệu về các mức phạt đối với hành vi dạy thêm trái pháp luật.

Dạy thêm trái pháp luật bị xử phạt như thế nào?

Dạy thêm trái pháp luật

Dạy thêm là gì?

Theo Điều 2 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT: “Dạy thêm, học thêm trong quy định này là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông (gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông) nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành”. Căn cứ vào nơi dạy thêm, ta có 2 nhóm:

– Dạy thêm, học thêm trong nhà trường: là dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục công lập (gồm: cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học, sau đây gọi chung là nhà trường) tổ chức.

– Dạy thêm học thêm ngoài nhà trường: là dạy thêm, học thêm không do các cơ sở giáo dục quy định tại khoản 2 điều này tổ chức.

Nguyên tắc dạy thêm, học thêm

Điều 3 thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định các nguyên tắc khi dạy thêm, học thêm như sau:

– Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.

– Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.

– Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.

– Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.

– Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.

>> Xem thêm: Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính

Các trường hợp không được dạy thêm

Căn cứ vào Điều 4 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, cá nhân, tổ chức không được dạy thêm trong các trường hợp sau:

– Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

– Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

– Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

– Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Các quy định này nhằm đảm bảo thời gian, thể chất cũng như tinh thần của người học bởi con người không chỉ được khuyến khích học tập tại trường lớp, mà còn cần được học tập từ ngoài xã hội, học tập kỹ năng mềm nhiều hơn. Ngoài ra, việc giới hạn phạm vi địa điểm, đối tượng của giáo viên dạy thêm cũng góp phần giúp môi trường giáo dục công bằng, minh bạch hơn.

Như thế nào là dạy thêm trái pháp luật?

Dạy thêm trái pháp luật được hiểu là việc cá nhân, tổ chức thực hiện việc dạy học phù hợp với khái niệm dạy thêm, học thêm như luật định nhưng vi phạm nguyên tắc dạy thêm, học thêm; rơi vào các trường hợp không được dạy thêm hay có hành vi vi phạm với quy định của pháp luật về dạy thêm, học thêm.

Dạy thêm trái pháp luật bị xử phạt như thế nào?

Dạy thêm trái pháp luật bị xử phạt thế nào?

Dạy thêm trái pháp luật sẽ bị xử phạt thế nào?

Về việc xử lý vi phạm trong dạy thêm, học thêm, Điều 22 thông tư 17/2012/TT-BGDĐT có quy định: Cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Cụ thể, mức phạt như sau:

Hành vi vi phạm quy định về thành lập, cho phép thành lập hoặc tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục (dạy thêm, học thêm)

Giấy phép, quyết định cho phép thực hiện hành vi dạy thêm của tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền công nhận để thông qua đó, có thể thực hiện công tác giám sát, thanh tra việc dạy thêm, học thêm đảm bảo đúng pháp luật. Nếu các giấy tờ trên có vấn đề hoặc thậm chí không có giấy tờ, các cơ quan chức năng sẽ khó trong việc xác định cũng như thành tra hành vi dạy thêm, học thêm, từ đó khó đảm bảo môi trường giáo dục được công bằng, minh bạch. 

Theo Điều 05 Nghị định 04/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền cho một số hành vi vi phạm quy định về thành lập, cho phép thành lập hoặc tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục trong lĩnh vực dạy thêm, học thêm như sau:

– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung một trong các loại văn bản sau: Quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục thực hiện dịch vụ giáo dục;

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. 

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thành lập hoặc cho phép thành lập; chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên thực hiện dạy thêm, học thêm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. 

Hình thức xử phạt bổ sung cho các hành vi trên:

– Tịch thu tang vật là quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục; quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập, quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

– Trục xuất người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Hành vi vi phạm quy định về tổ chức quản lý cơ sở giáo dục

Nhằm đảm bảo hành vi dạy thêm, học thêm diễn ra đúng pháp luật, không có sự gian lận hay đe doạ nào, pháp luật đã đề ra một số mức phạt dành cho các hành vi vi phạm trong việc quản lý tại  Điều 07 Nghị định 04/2021/NĐ-CP. Theo đó, mức phạt tiền cho một số hành vi vi phạm quy định về tổ chức quản lý cơ sở giáo dục trong lĩnh vực dạy thêm, học thêm như sau:

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Công khai không đầy đủ các nội dung theo quy định tại quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (trong bài viết này nói đến cơ sở giáo dục phổ thông) và các văn bản pháp luật khác có liên quan;

b) Thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng chế độ thông tin báo cáo theo quy định của pháp luật hiện hành;

c) Lập báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất có nội dung không chính xác;

d) Sử dụng tên hoặc đặt trụ sở không đúng địa điểm theo quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập;

đ) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật hiện hành.

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Ban hành không đầy đủ văn bản thuộc trách nhiệm của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật hiện hành;

b) Công khai không chính xác các nội dung theo quy định của pháp luật hiện hành;

c) Không thực hiện công khai theo quy định của pháp luật hiện hành;

d) Không thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định của pháp luật hiện hành;

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi ban hành văn bản trái thẩm quyền hoặc văn bản có nội dung trái pháp luật hiện hành.

Giáo viên thực hiện dạy thêm trái pháp luật là viên chức sẽ bị xử lý theo Điều 52 Luật Viên chức 2010, cụ thể:

– Viên chức vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Cách chức;

d) Buộc thôi việc.

– Viên chức bị kỷ luật bằng một trong các hình thức quy định tại khoản 1 Điều này còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.

– Hình thức kỷ luật cách chức chỉ áp dụng đối với viên chức quản lý.

– Quyết định kỷ luật được lưu vào hồ sơ viên chức.

>> Có thể bạn quan tâm: Tư vấn luật hành chính

Dịch vụ tư vấn pháp lý các vấn đề liên quan trình tự, thủ tục mở lớp dạy thêm

Trên đây là nội dung giới thiệu về các mức phạt khi thực hiện dạy thêm trái pháp luật. Mọi nhu cầu dịch vụ pháp lý hoặc thắc mắc về nội dung tư vấn trên, vui lòng liên hệ với công ty luật Kiến Việt để được cung cấp.

Thông tin liên hệ Công ty Luật Kiến Việt:

Liên hệ qua Website: https://luatkienviet.com/ 

Liên hệ qua điện thoại: 0386 579 303 

Liên hệ qua Email: contact@luatkienviet.com 

Liên hệ qua Facebook: https://www.facebook.com/luatkienviet 

Liên hệ trực tiếp tại địa chỉ công ty

 

Scores: 4.1 (14 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Chức vụ: Giám Đốc Điều Hành

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Bất Động Sản, Dự Án Đầu Tư, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Dân sự, HNGĐ, Lao Động, Hợp Đồng, Hình Sự, Hành Chính và tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp, tranh tụng...

Trình độ đào tạo: Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 526 bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *