Doanh nghiệp trong nước được sử dụng những loại đất nào?

Theo Điều 10 Luật Đất đai năm 2013, căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân thành 03 nhóm: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Vậy Doanh nghiệp trong nước được sử dụng những loại đất cụ thể nào?

Hình thức sử dụng đất của Doanh nghiệp trong nước

Các hình thức sử dụng đất của Doanh nghiệp trong nước bao gồm:

  • Nhận quyền sử dụng đất từ Nhà nước : bao gồm được giao đất có thu tiền sử dụng đất và được cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm/thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
  • Nhận quyền sử dụng đất từ người sử dụng đất khác: cụ thể là nhận chuyển quyền sử dụng đất, nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, tặng cho, nhận góp vốn hoặc thuê lại quyền sử dụng đất từ chủ thể sử dụng đất khác.

Để thúc đẩy sự phát triển Doanh nghiệp nội địa, các Doanh nghiệp trong nước không bị hạn chế hình thức sử dụng đất như các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Không những vậy, Doanh nghiệp trong nước cũng có thể sử dụng cả 3 nhóm đất thay vì 2 nhóm như Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Sau đây là hình thức sử dụng đất tương ứng với các loại đất cụ thể.

Doanh nghiệp trong nước được sử dụng những loại đất nào?

Các loại đất nông nghiệp doanh nghiệp trong nước được sử dụng

Đất nông nghiệp: Doanh nghiệp trong nước có nhu cầu sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối thì được Nhà nước xem xét cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư (khoản 2 điều 133 Luật Đất đai 2013).

Đất rừng sản xuất: Đối với diện tích đất chưa có rừng để trồng rừng hoặc trồng cây lâu năm, Doanh nghiệp trong nước sẽ được Nhà nước cho thuê để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng, hoặc sử dụng rừng đồng thời kết hợp kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái – môi trường dưới tán rừng (điểm b, c khoản 2 và khoản 3 điều 135 Luật Đất đai 2013)

Đất rừng phòng hộ: Doanh nghiệp trong nước trong nước sẽ được Nhà nước giao đất và sử dụng với mục đích để bảo vệ, phát triển rừng và được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái – môi trường dưới tán rừng (khoản 3,4 điều 136 Luật Đất đai 2013).

Đất rừng đặc dụng: trường hợp sử dụng vào mục đích sản xuất, nghiên cứu, thí nghiệm về lâm nghiệp hoặc kết hợp quốc phòng, an ninh theo quy hoạch phát triển rừng của vùng đệm và được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, Doanh nghiệp sẽ được sử dụng thông qua hình thức cho thuê, hoặc giao đất tuỳ vào quyết định của UBND cấp có thẩm quyền. Đặc biệt đối với Doanh nghiệp sử dụng rừng đặc dụng thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái – môi trường dưới tán rừng sẽ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho thuê (khoản 4,5 điều 137 Luật Đất đai 2013)

Đất làm muối: Được Nhà nước  cho thuê để thực hiện dự án đầu tư sản xuất muối (khoản 1 điều 138 Luật Đất đai 2013)

Đất có mặt nước nội địa: Doanh nghiệp sử dụng để thực hiện dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp hoặc nông nghiệp kết hợp với mục đích phi nông nghiệp được Nhà nước cho thuê căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 139

Đất có mặt nước ven biển: Đất có mặt nước ven biển được Nhà nước  cho thuê để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, phi nông nghiệp theo khoản 1 điều 140 Luật Đất đai 2013 và Doanh nghiệp phải tuân theo các quy định khi sử dụng đất.

Đất bãi bồi ven sông, ven biển: Nhà nước  khuyến khích Doanh nghiệp đưa đất bãi bồi ven sông, ven biển vào sử dụng bằng cách cho thuê để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, phi nông nghiệp (khoản 3 điều 141 Luật Đất đai 2013)

Các loại đất phi nông nghiệp doanh nghiệp trong nước được sử dụng

Đất sử dụng để chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc lập và giao đất cho Doanh nghiệp thực hiện dự án để chỉnh trang hoặc xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, bao gồm đất sử dụng để xây dựng kết cấu hạ tầng, đất ở, đất xây dựng các công trình công cộng, công trình sự nghiệp, đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (khoản 3 điều 146 Luật Đất đai 2013)

Đất khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, làng nghề: Theo quy định của Luật đất đai 2013, Nhà nước sẽ trao đất dưới 2 hình thức là cho thuê đối với đối tượng là tổ chức kinh tế bao gồm Doanh nghiệp trong nước. Trừ trường hợp Doanh nghiệp được giao đất trước khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực thì được tiếp tục sử dụng đất dưới hình thức đó đến hết thời hạn, sau đó phải chuyển sang hình thức thuê đất (khoản 3, 5 điều 149 Luật Đất đai 2013).

Đất sử dụng cho khu công nghệ cao: Ban quản lý khu công nghệ cao được cho thuê đất đối với Doanh nghiệp trong nước để phục vụ sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao (khoản 1, 2 điều 150 Luật Đất đai 2013)

Đất sử dụng cho khu kinh tế: Tổ chức kinh tế đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong khu kinh tế đã được Nhà nước  giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử thì tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn, sau đó phải chuyển qua hình thức sử dụng thuê đất. Điều này đồng nghĩa, hiện tại tại Nhà nước chỉ muốn Doanh nghiệp trong nước sử dụng đất này dưới hình thức thuê đất (khoản 7 điều 151 Luật Đất đai 2013)

Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản: có chế độ sử dụng như Đất thương mại dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp. Do đó, Doanh nghiệp sẽ sử dụng đất thông qua hình thức cho thuê đất hoặc nhận chuyền quyền sử dụng hoặc thuê đất từ chủ thể sử dụng đất khác (khoản 2 điều 152 Luật Đất đai 2013).

Doanh nghiệp trong nước được sử dụng những loại đất nào?

 

Đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp: thông qua hình thức Nhà nước cho thuê đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất, thuê lại đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. (khoản 3 điều 153 Luật Đất đai 2013).

Việc sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các quy định về bảo vệ môi trường.

Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm: được Nhà nước  cho thuê nhằm thực hiện dự án đầu tư khai thác nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm (khoản 2 điều 154 Luật Đất đai 2013).

Đất xây dựng công trình ngầm: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất để xây dựng công trình ngầm theo quy định của NĐ 45/2013/QH13 với 2 hình thức. Trường hợp 1, đối với Doanh nghiệp sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm nhằm mục đích kinh doanh, tại Nhà nước sẽ cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Trường hợp sử dụng đất không nhằm mục đích thương mại sẽ được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất (khoản 1, khoản 2 điều 57 NĐ 45/2013/QH13)

 Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng: Nhà nước  cho thuê đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối thu tiền thuê đất hàng năm đối với Doanh nghiệp trong nước để nuôi trồng thủy sản (khoản 1 điều 163 Luật Đất đai 2013)

 

Scores: 4.9 (10 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Chức vụ: Giám Đốc Điều Hành

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Bất Động Sản, Dự Án Đầu Tư, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Dân sự, HNGĐ, Lao Động, Hợp Đồng, Hình Sự, Hành Chính và tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp, tranh tụng...

Trình độ đào tạo: Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 559 bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *