Khi ly hôn, ngoài việc phân chia tài sản chung, các khoản nợ chung như nợ ngân hàng hoặc các nghĩa vụ chung về tài sản khác cũng cần được xử lý thỏa đáng. Giải quyết tranh chấp nợ chung vợ chồng khi vợ chồng ly hôn không chỉ phụ thuộc vào quy định pháp luật mà còn dựa trên các thỏa thuận giữa vợ chồng và mức độ trách nhiệm của mỗi bên trong việc phát sinh nợ. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những quy định về nợ chung, nợ cá nhân cũng như trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp nợ chung vợ chồng khi ly hôn.
Giải quyết tranh chấp nợ chung vợ chồng khi vợ chồng ly hôn
Quy định pháp luật về nợ chung của vợ chồng
Nợ chung của vợ chồng theo pháp luật hôn nhân và gia đình là nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng. Theo Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình có quy định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng, ta có thể xác định nợ chung của vợ chồng là những khoản nợ sau đây:
- Khoản nợ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, khoản nợ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm
- Khoản nợ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình
- Khoản nợ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung
- Khoản nợ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình
- Khoản nợ do bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường
- Những khoản nợ khác theo quy định của các luật có liên quan
Vợ chồng ngoài việc phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các khoản nợ trên, còn phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các giao dịch do một bên thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các Điều 24, 25 và 26 của Luật Hôn nhân và gia đình.
Sau khi ly hôn, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực, tức là dù có ly hôn thì vợ chồng vẫn phải có nghĩa vụ trả nợ chung cho người thứ ba, trừ trường hợp giữa vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.
Lưu ý khi xác định nợ chung và nợ cá nhân trong giải quyết tranh chấp
Cần phải xác định rõ khoản nợ chung, khoản nợ cá nhân của vợ hoặc chồng để đảm bảo việc phân chia trách nhiệm trả nợ một cách công bằng và hợp lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cả hai bên. Theo Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình, khoản nợ cá nhân của vợ chồng có thể hiểu là những khoản nợ sau:
- Khoản nợ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn
- Khoản nợ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp khoản nợ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình hoặc khoản nợ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình
- Khoản nợ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình
- Khoản nợ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng
Khi ly hôn, các khoản nợ cá nhân này sẽ không thuộc trách nhiệm liên đới của cả hai bên. Điều này có nghĩa là mỗi người chỉ phải chịu trách nhiệm trả nợ cá nhân của mình mà không phải gánh vác cả nợ của người kia.
Quy trình giải quyết tranh chấp nợ chung khi ly hôn
Quy trình giải quyết tranh chấp nợ chung khi ly hôn
Để tiến hành quy trình giải quyết tranh chấp nợ chung khi ly hôn, các bên cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và nắm bắt được trình tự thủ tục của quy trình này để tiết kiệm thời gian, chi phí.
Hồ sơ chuẩn bị
- Chứng minh nhân dân/căn cước công dân (bản sao có công chứng) của hai vợ chồng
- Đơn ly hôn và có nêu rõ yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề nợ chung
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
- Giấy tờ chứng minh nợ chung như hợp đồng vay nợ,…
- Giấy tờ về tài sản chung và riêng như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản giá trị khác,… (nếu có)
- Các tài liệu liên quan khác
Các bước thực hiện
Bước 1: Nộp hồ sơ tại Tòa án có thẩm quyền
Vợ chồng hoặc một bên sẽ nộp đơn ly hôn có yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề nợ chung kèm theo giấy tờ, tài liệu chứng minh cần thiết tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú.
Bước 2: Tòa án nhận hồ sơ và ra quyết định
Sau khi nhận được đơn, Tòa án sẽ ra một trong những quyết định sau:
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác
- Trả lại đơn nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền của Tòa án
Bước 3: Hòa giải tại Tòa án
Nếu Tòa đã thụ lý vụ án thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vấn đề nợ chung
- Nếu các bên thương lượng được với nhau và cảm thấy không cần phải xét xử thì Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
- Nếu không hòa giải thành thì Tòa đưa vụ việc ra xét xử
Bước 4: Tòa án ra bản án, quyết định
Trong phiên tòa, tòa sẽ xem xét các chứng cứ liên quan và phân chia nghĩa vụ nợ chung dựa trên quy định pháp luật và các tình tiết, tài liệu chứng minh của hồ sơ. Sau khi xét xử, Tòa án sẽ ra bản án, quyết định về ly hôn và phân chia nợ chung. Bản án này sẽ có hiệu lực pháp luật nếu không có kháng cáo. Cả hai bên phải thực hiện các nghĩa vụ trả nợ theo nội dung bản án.
Nợ chung khi ly hôn có thể được phân chia như thế nào?
Theo Khoản 1 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn có đề cập: “Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64”.
Như vậy, ta có thể hiểu nợ chung của vợ chồng khi ly hôn có thể được phân chia như sau:
- Một là do các bên tự thỏa thuận với nhau
- Hai là khi nộp đơn ly hôn thì nội dung đơn sẽ có yêu cầu giải quyết vấn đề nợ chung của vợ chồng, lúc này thì Tòa án sẽ phân chia nghĩa vụ trả nợ theo những tài liệu mà các bên đã cung cấp và ra bản án, quyết định cuối cùng
Dịch vụ tư vấn xử lý tranh chấp nợ chung vợ chồng khi ly hôn
Luật sư tư vấn xử lý tranh chấp nợ chung vợ chồng khi ly hôn
Khi đối mặt với ly hôn, việc giải quyết tranh chấp nợ chung, bao gồm các khoản nợ ngân hàng và nghĩa vụ tài chính khác có thể trở nên phức tạp. Vì thế, đội ngũ luật sư chuyên nghiệp của Công ty Luật Kiến Việt chúng tôi có những dịch vụ sau:
- Tư vấn quy định pháp luật về nợ chung và nợ cá nhân
- Tư vấn về nợ ngân hàng và nghĩa vụ trả nợ sau ly hôn
- Tư vấn giải pháp xử lý tranh chấp nợ chung giữa vợ chồng
- Hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ giải quyết tranh chấp nợ chung
- Tư vấn pháp lý về nghĩa vụ tài chính với bên thứ ba
- Đại diện thương lượng với các bên liên quan và bảo vệ quyền lợi tại tòa
Tham khảo thêm: Dịch vụ luật sư tư vấn chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn
Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý toàn diện để đảm bảo rằng mọi nghĩa vụ tài chính sau ly hôn được xử lý công bằng và hợp lý cho các bên. Chúng tôi hỗ trợ khách hàng trong việc phân chia nợ ngân hàng hay nợ cá nhân, đồng thời giúp giải quyết các tranh chấp sau ly hôn phát sinh một cách hiệu quả. Hãy liên hệ ngay với Luật sư tư vấn ly hôn Công ty Luật Kiến Việt qua số hotline: 0386579303 nếu bạn có thắc mắc về những vấn đề liên quan đến nợ chung hay phân chia nợ khi ly hôn. Đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm chúng tôi sẽ hỗ trợ đưa ra những giải pháp tối ưu nhất dành cho bạn.