Quy định về giữ xe gây tai nạn giao thông của cảnh sát giao thông

Trên thực tế, khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông thì thường các phương tiện gây ra tai nạn đều bị cảnh sát giao thông giữ lại như một chứng cứ để giúp thuận tiện hơn trong quá trình điều tra sau này. Vậy khi nào thì phương tiện gây tai nạn giao thông sẽ bị giữ lại ? Khi bị giữ thì sẽ giữ xe trong bao lâu ? Bài viết dưới đây của Công ty Luật Kiến Việt sẽ giúp Quý khách hiểu rõ hơn về quy định về giữ xe gây tai nạn giao thông của cảnh sát giao thông cũng như một số vấn đề khác có liên quan.

Quy định về giữ xe gây tai nạn giao thông của cảnh sát giao thông

Quy định về giữ xe gây tai nạn giao thông

Những trường hợp được giữ xe gây tai nạn giao thông

Nhằm nhận biết chính xác khi nào phương tiện gây tai nạn giao thông bị tạm giữ, pháp luật ghi nhận những trường hợp được giữ xe gây tai nạn giao thông thông qua các quy định tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư số: 63/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng cảnh sát giao thông và Khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm Hành chính năm 2012. Cụ thể, các trường hợp đó là: 

Phương tiện gây tai nạn bị tạm giữ để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Ví dụ trường hợp phát hiện tai nạn giao thông nhưng các chứng cứ tại hiện trường chưa đủ cơ sở để ra quyết định xử phạt, lúc này cảnh sát giao thông sẽ có thẩm quyền tạm giữ phương tiện gây tai nạn để đem về điều tra thêm.

Phương tiện gây tai nạn bị tạm giữ để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Chẳng hạn trường hợp phương tiện gây tai nạn có thiết kế khác thường về động cơ giúp xe chạy nhanh hơn, cảnh sát giao thông thấy có đủ căn cứ cho rằng nếu để tiếp tục phương tiện này được sử dụng sẽ tiếp tục gây tai nạn nữa.

Phương tiện gây tai nạn bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính mà không có các giấy tờ để tạm giữ theo quy định pháp luật, người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ phương tiện gây tai nạn giao thông.

Ngoài ra, trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tạm giữ ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tẩu tán, tiêu hủy thì thủ trưởng trực tiếp của chiến sĩ cảnh sát nhân dân, cảnh sát viên cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên, công chức hải quan, kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ phải tạm giữ ngay tang vật, phương tiện gây tai nạn.

Thời hạn tạm giữ xe gây tai nạn

Tùy vào tính chất vụ việc cũng như mức độ nghiêm trọng mà phương tiện gây tai nạn gây ra mà hành vi gây tai nạn giao thông đó có thể chỉ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. vì vậy, dựa vào từng trường hợp khác nhau mà thời hạn giữ xe gây tai nạn giao thông cũng sẽ khác nhau, cụ thể:

Giữ xe gây tai nạn bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Khi xác định được vụ việc có có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì vụ việc sẽ được bên đơn vị cảnh sát giao thông chuyển cho đơn vị điều tra có thẩm quyền điều tra tội phạm về trật tự xã hội. Điều này có nghĩa phương tiện gây tai nạn sẽ được coi như một vật chứng và sẽ bị tạm giữ sẽ được bàn giao cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra giải quyết. 

Hiện nay, các văn bản pháp luật hình sự và tố tụng hình sự chưa quy định cụ thể về thời hạn tạm giữ vật chứng. Nên có thể coi thời hạn tạm giữ vật chứng là không xác định thời hạn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chiếc xe gây ra tai nạn sẽ bị giữ vĩnh viễn. Trong quá trình giải quyết, nếu cơ quan tiến hành điều tra nhận thấy việc tạm giữ phương tiện không còn giúp ích cho vụ án thì cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định trả lại phương tiện. Hoặc tại thời điểm đưa ra quyết định, bản án kèm theo quyết định xử lý phương tiện và khi thi hành quyết định, bản án thì sẽ thực hiện trả lại phương tiện.

Giữ xe gây tai nạn chỉ bị phạt hành chính

Trong trường hợp vụ người gây ra tai nạn giao thông chỉ bị xử phạt hành chính và kèm theo biện pháp tạm giữ phương tiện gây tai nạn thì có thể căn cứ  theo khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi năm 2020), theo đó, thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ, trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.

Quy định về giữ xe gây tai nạn giao thông của cảnh sát giao thông

Thời hạn giữ xe gây tai nạn theo thủ tục hành chính

Ngoài ra, trong trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh thêm thì có thể gia hạn thời hạn tạm giữ phương tiện gây tai nạn nhưng tối đa không quá 01 tháng, kể từ ngày bắt đầu tạm giữ. Còn trong trường vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết rất phức tạp cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn tạm giữ có thể được tiếp tục kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ.

Như vậy, khi một phương tiện gây tai nạn giao thông bị tạm giữ theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn giữ không được vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể, tối đa là 02 tháng.

>>>Xem thêm: Khiếu nại quyết định xử phạt của Cảnh sát giao thông như thế nào ?

Chưa thỏa thuận được bồi thường có được lấy xe về không?

Căn cứ vào hồ sơ, tài liệu của hoạt động điều tra, xác minh, cán bộ Cảnh sát giao thông báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền để mời các bên liên quan hoặc đại diện hợp pháp của họ đến trụ sở đơn vị để thông báo kết quả điều tra, xác minh (kết luận nguyên nhân, diễn biến vụ tai nạn giao thông, xác định lỗi của những người có liên quan trong vụ tai nạn giao thông và hình thức xử lý vi phạm hành chính), đồng thời lập Biên bản giải quyết vụ tai nạn giao thông. Sau đó, cho các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông tự giải quyết bồi thường thiệt hại dân sự tại trụ sở cơ quan, đơn vị.

Trường hợp các bên liên quan trong vụ tai nạn giao thông không tự thỏa thuận giải quyết bồi thường thiệt hại dân sự thì phải lập biên bản, đồng thời hướng dẫn các bên liên hệ với Tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, căn cứ theo Khoản 10 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm Hành chính năm 2012 thì trường hợp phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tư vấn pháp luật về trường hợp giữ xe gây tai nạn

Từ những nội dung tư vấn trên, Quý khách có thể nắm được một số quy định liên quan đến việc giữ phương tiện gây tai nạn của cảnh sát giao thông cũng như một số vấn đề khác liên quan như thời hạn giữ phương tiện, khi nào được lấy xe về… Trong trường hợp Quý khách còn thắc mắc gì về những vấn đề trên vui lòng liên hệ với công ty luật Kiến Việt để được cung cấp.

>>>Xem thêm: Luật sư tố tụng và giải quyết tranh chấp

Thông tin liên hệ Công ty Luật Kiến Việt:

Liên hệ qua Website: https://luatkienviet.com/

Liên hệ qua điện thoại: 0386 579 303

Liên hệ qua Email: contact@luatkienviet.com

Liên hệ qua Facebook: https://www.facebook.com/luatkienviet

Liên hệ trực tiếp tại địa chỉ công ty.

 

Scores: 5 (12 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Chức vụ: Giám Đốc Điều Hành

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Bất Động Sản, Dự Án Đầu Tư, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Dân sự, HNGĐ, Lao Động, Hợp Đồng, Hình Sự, Hành Chính và tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp, tranh tụng...

Trình độ đào tạo: Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 521 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *