Quyền Yêu Cầu Ly Hôn

 

 

Ly hôn là một hệ quả tất yếu khi cuộc hôn nhân đổ vỡ và không thể cứu vãn. Có trường hợp cả người vợ và người chồng đều muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa hai bên. Tuy nhiên, cũng có trường hợp chỉ một trong hai muốn chấm dứt quan hệ vợ chồng trong khi bên còn lại không muốn ly hôn. Bên cạnh đó, ngoài hai trường hợp nêu trên, pháp luật về hôn nhân và gia đình còn cho phép yêu cầu ly hôn trong các trường hợp như: khi vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích; khi một bên có hành vi bạo lực hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ hoặc chồng; khi một bên không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do bên còn lại gây ra. Theo Luật hôn nhân và gia đình 2014, người có quyền yêu cầu ly hôn tại mỗi trường hợp nêu trên được xác định không giống nhau.

 

Quyền Yêu Cầu Ly Hôn
Quyền Yêu Cầu Ly Hôn

Quyền yêu cầu ly hôn của vợ và chồng

Là chủ thể chính trong mối quan hệ hôn nhân và cũng là chủ thể có quyền quyết định việc kết hôn theo quy định pháp luật, lẽ dĩ nhiên người vợ và người chồng đều có quyền yêu cầu ly hôn. Khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định rõ “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.” 

Có trường hợp cả vợ và chồng đều tự nguyện ly hôn và cùng có yêu cầu ly hôn, được gọi là trường hợp thuận tình ly hôn. Tuy nhiên, sự đồng ý của người còn lại không phải là điều kiện bắt buộc để Tòa án thụ lý và giải quyết ly hôn. Trên thực thế, theo quy định tại khoản 1 Điều 51 và Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014, một bên vợ hoặc chồng hoàn toàn có quyền đơn phương yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi có căn cứ chứng minh việc: i) bên còn lại có hành vi bạo lực gia đình; hoặc ii) bên còn lại có hành vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ hoặc chồng, làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Có thể kể đến các hành vi: bạo lực về thể chất như đánh đập; bạo lực tinh thần như xúc phạm danh dự, nhân phẩm của đối phương; bạo lực tình dục như cưỡng ép quan hệ tình dục, cưỡng ép sinh con; các hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích kinh tế, lao động của một bên; hành vi ngoại tình…Bên cạnh đó, nếu một bên vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích, bên còn lại cũng có quyền yêu cầu ly hôn và được Tòa án giải quyết cho ly hôn trong trường hợp này. 

Cần lưu ý rằng, trường hợp một bên trong quan hệ hôn nhân không có thái độ can ngăn các hành vi bạo lực kể trên từ các thành viên khác trong gia đình của mình đối với “bạn đời”, dẫn đến đời sống vợ chồng không thể tiếp tục thì bên còn lại cũng có quyền yêu cầu ly hôn. Bởi lẽ, việc không quan tâm, chăm sóc và bảo vệ vợ hoặc chồng cũng là hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng. Cụ thể, khoản 1 Điều 19 Luật hôn nhân và gia đình quy định vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau. 

Trên thực tế có nhiều trường hợp một trong hai bên có yêu cầu ly hôn vì không thể tiếp tục đời sống chung do những nguyên nhân khác, không xuất phát trực tiếp từ bên còn lại. Chẳng hạn, Tòa án nhân dân huyện Phú Ninh đã thụ lý yêu cầu ly hôn của người vợ với lý do tình cảm vợ chồng sứt mẻ, mà nguyên nhân xuất phát từ mối quan hệ mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu. Cụ thể, người mẹ chồng đã có hành vi cưỡng ép con dâu lao động quá sức khi yêu cầu chị phải làm thêm công việc đồng áng ngoài công việc chính và các công việc khác trong gia đình.

Cho phép ly hôn trong những trường hợp như vậy giúp bảo vệ bên yêu cầu ly hôn khi bên còn lại không trực tiếp gây ra các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của bên yêu cầu ly hôn nhưng vì sự nhu nhược hoặc thờ ơ của mình đã khiến cho người vợ hoặc chồng phải chịu nhiều bất công, dẫn đến cuộc hôn nhân không thể cứu vãn.

>> Xem ngay: Quy định của pháp luật về cấp dưỡng cho con của cha mẹ

Trường hợp hạn chế quyền yêu cầu ly hôn
Trường hợp hạn chế quyền yêu cầu ly hôn

Trường hợp hạn chế quyền yêu cầu ly hôn

Khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định rằng người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Quy định này được xem là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em trong gia đình – bên thường được xem là yếu thế hơn. Như vậy, theo quy định pháp luật, có thể hiểu rằng người chồng không được yêu cầu ly hôn dựa trên ba sự kiện: người vợ đang có thai, người vợ sinh con và người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc người chồng không được quyền yêu cầu ly hôn quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 không đồng nghĩa rằng người chồng không thể ly hôn trong mọi trường hợp nếu không có yêu cầu ly hôn của người vợ. Dựa trên khoản 2 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014, mặc dù người vợ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, Tòa án vẫn thụ lý đơn yêu cầu ly hôn nếu đơn này được nộp bởi cha, mẹ, người thân thích khác khi người chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do người vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Nhìn chung, xem xét quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014, tác giả cho rằng quy định này còn nhiều bất cập và chưa đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên.

Thứ nhất, Luật hôn nhân và gia đình 2000 chỉ quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng dựa trên hai sự kiện, đó là người vợ đang có thai, hoặc người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà không đề cập đến trường hợp người vợ sinh con. Có thể thấy rằng Luật hôn nhân và gia đình 2014 đã bổ sung thêm trường hợp người vợ sinh con trong quy định về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa làm rõ được vấn đề người chồng chỉ bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn trong quá trình diễn ra việc sinh nở của người vợ hay người chồng còn bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn đối với cả trường hợp người vợ sinh con nhưng lại vứt bỏ, không nuôi dưỡng.

Thứ hai, về nguyên tắc thì cả vợ và chồng đều có quyền yêu cầu ly hôn nếu như bên còn lại có hành vi bạo lực hoặc vi phạm quyền và nghĩa vụ vợ chồng. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật về việc hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng, có thể thấy rằng trong trường hợp người vợ có hành vi bạo lực với người chồng hoặc người vợ ngoại tình và thậm chí bào thai trong bụng người vợ và/hoặc đứa con dưới 12 tháng tuổi mà người vợ đang nuôi là kết quả của việc “cắm sừng” chồng thì người chồng vẫn không có quyền yêu cầu ly hôn. Việc cho phép người vợ toàn quyền quyết định yêu cầu ly hôn trong thời gian này đặt ra câu hỏi về vấn đề đảm bảo lợi ích của người chồng và liệu rằng quy định này có là tiền đề cho việc ủng hộ hành vi của người vợ trong việc ngăn cản, gây trở ngại cho quyền yêu cầu ly hôn của người chồng. 

Theo quan điểm của tác giả, Luật hôn nhân và gia đình cần sửa đổi hai điểm bất cập nêu trên để quy định trở nên rõ ràng hơn đồng thời cân bằng được quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên trong quan hệ hôn nhân.

  • Thứ nhất, tác giả đề xuất rằng pháp luật nên có quy định cho phép người chồng có quyền yêu cầu ly hôn nếu người chồng có thể chứng minh rằng mình phải hứng chịu các hành vi bạo lực của người vợ hoặc chứng minh được người vợ có hành vi vi phạm nghĩa vụ vợ chồng, đơn cử như việc ngoại tình. Bởi lẽ, việc phải tiếp tục chấp nhận các hành vi nêu trên là bất công đối với người chồng trong khi mỗi cá nhân đều có quyền con người và quyền công dân như nhau. Trong trường hợp người chồng không chấp nhận sống chung với người vợ nên quyết định ly thân mà không ly hôn và không chăm sóc, quan tâm người vợ thì quy định nêu trên cũng không đóng góp ý nghĩa trong việc bảo vệ người vợ và đứa trẻ. Ngược lại, khi ly hôn, người chồng phải chu cấp cho con chung đến khi người con đủ 18 tuổi theo quy định pháp luật, đồng thời, người chồng vẫn hoàn toàn có quyền chăm sóc vợ và con trong trường hợp có mong muốn.
  • Thứ hai, quy định pháp luật cần làm rõ trường hợp người chồng có bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp người vợ sinh con nhưng không nuôi dưỡng hay không.

>> Bạn đã biết chưa:  Những điều cần biết trước khi ly hôn

Quyền yêu cầu ly hôn của đối tượng khác vợ và chồng

Khoản 2, Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: 

Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Theo khoản 3 Điều 19 Luật này, “người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời.”

Cần lưu ý rằng không phải mọi trường hợp một bên trong quan hệ hôn nhân không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, cha, mẹ, người thân thích khác đều có quyền yêu cầu ly hôn. Để tránh các trường hợp chủ thể khác lạm dụng quyền yêu cầu ly hôn không nhằm mục đích thật sự bảo vệ bên yếu thế, luật chỉ giới hạn quyền yêu cầu ly hôn của cha, mẹ, người thân thích khác khi đáp ứng đủ hai điều kiện, đó là: (i) một bên vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; và (ii) người vợ hoặc chồng tại trường hợp (i) là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình do bên còn lại trong quan hệ hôn nhân gây ra.

Như vậy, ngoài vợ và chồng còn có các chủ thể khác cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thay cho các bên trong quan hệ hôn nhân. Đây là quy định hợp lý, giúp giải quyết được các trường hợp đặc biệt và bảo vệ bên không nhận thức, làm chủ được hành vi khi là đối tượng phải hứng chịu các hành vi bạo lực nhưng không thể trực tiếp yêu cầu ly hôn để đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 

Kết luận về quyền yêu cầu ly hôn

Tóm lại, các chủ thể có quyền yêu cầu ly hôn theo quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình bao gồm: vợ, chồng, cha, mẹ và người thân thích khác. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà các chủ thể nói trên sẽ có quyền yêu cầu ly hôn và bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn. Nhìn chung, các quy định về quyền yêu cầu ly hôn tại Luật hôn nhân và gia đình 2014 đã có những đóng góp tích cực trong việc đảm bảo quyền và lợi ích của các bên trong hôn nhân, đặc biệt là bảo vệ quyền của người vợ và người con trong gia đình. Tuy nhiên, pháp luật cũng cần sửa đổi, bổ sung một số quy định để các quy định được rõ ràng và thống nhất hơn cũng như cân bằng được lợi ích của cả hai bên trong quan hệ vợ chồng.

>> Xem thêm: Phân chia tài sản khi ly hôn

Liên hệ tư vấn quyền ly hôn

Trên đây là nội dung nghiên cứu về quyền ly hôn, nếu Quý khách hàng có thắc mắc hay bất kỳ vấn đề liên quan cần luật sư về ly hôn, để được giải quyết nhanh chóng,  xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua:

Xin cảm ơn!

 

Scores: 4.7 (20 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Chức vụ: Giám Đốc Điều Hành

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Bất Động Sản, Dự Án Đầu Tư, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Dân sự, HNGĐ, Lao Động, Hợp Đồng, Hình Sự, Hành Chính và tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp, tranh tụng...

Trình độ đào tạo: Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 526 bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *