Sử dụng nhầm tiền giả lưu hành có bị khởi tố hình sự không là câu hỏi được đặt ra khi người sử dụng tiền không biết đó là tiền giả. Theo quy định của pháp luật, việc sử dụng tiền giả có thể dẫn đến hình phạt tù giam và tịch thu tài sản. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về quy định của pháp luật hình sự cũng như các kiến thức pháp lý liên quan đến vấn đề này.
Sử dụng nhầm tiền giả lưu hành có bị khởi tố hình sự không?
Tội lưu hành tiền giả theo quy định của Bộ luật Hình sự
Tội lưu hành tiền giả được quy định tại Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) “Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”. Trong đó, cấu thành tội phạm của tội lưu hành tiền giả có được mô tả như sau:
Khách thể của tội phạm
Tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý tài chính của Nhà nước trong việc quản lý và phát hành tiền.
Đối tượng tác động của tội phạm này là tiền giả. Tiền giá theo quy định của tội phạm này bao gồm:
- Tiền Việt Nam đồng giả
- Ngoại tệ giả
Chủ thể tội phạm
Chủ thể của tội phạm này theo quy định của pháp luật là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
Mặt khách quan của tội phạm
Tội lưu hành tiền giả là tội phạm có cấu thành hình thức. Tội phạm được xem là hoàn thành khi có một trong các hành vi như sau:
- Hành vi tàng trữ tiền giả: hành vi cất giấu tiền giả ở bất kỳ địa điểm nào mà người phạm tội cho rằng họ có thể chi phối và kiểm soát được nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
- Hành vi vận chuyển tiền giả: hành vi mang tiền giả từ địa điểm này đến địa điểm khác
- Hành vi lưu hành tiền giả: hành vi tìm nguồn tiêu thụ, tìm cách đưa tiền giả vào lưu thông trên thị trường như thanh toán, trả nợ, mua bán, chi trả,…
Mặt chủ quan
Người phạm tội theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) có lỗi cố ý trực tiếp (nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra).
Các mức xử phạt đối với tội lưu hành tiền giả
Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định tù có thời hạn về Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả theo các mức sau tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm:
- Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm
- Phạt tù từ 05 năm đến 12 năm nếu tiền giả có giá trị từ 5.000.000 – dưới 50.000.000 đồng
- Phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu tiền giả có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên
- Phạt tù từ 01 đến 03 năm (hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm) trong trường hợp chuẩn bị phạm tội.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể chịu các hình phạt bổ sung sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đến 100.000.000 đồng
- Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản
Quy định của pháp luật về việc xử lý tiền giả
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 87/2023/NĐ-CP về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, trong trường hợp phát hiện tiền giả, cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật phải thực hiện các công việc sau:
- Thực hiện thu giữ tiền giả
- Lập biên bản theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này
Đối với trường hợp phát hiện tiền nghi giả, cơ quan có thẩm quyền thực hiện các công việc sau:
- Thực hiện việc tạm thu giữ tiền nghi giả
- Lập biên bản theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này
Quy trình xử lý tiền giả được Nghị định 87/2023/NĐ-CP quy định với trình tự như sau:
- Bước 1: Giám định tiền giả, tiền nghi giả (Điều 5) được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp
- Bước 2: Xử lý kết quả giám định (Điều 6) trong thời hạn tối đa 02 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành giám định. Kết quả giám định phải được thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị giám định
- Bước 3: Lưu trữ, đóng gói, bảo quản, giao nhận, vận chuyển tiền giả (Điều 7)
- Bước 4: Giao nộp tiền giả (Điều 8) đối với các tổ chức, cá nhân có tiền giả. Việc giao nộp được thực hiện theo quy định cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước nơi gần nhất hoặc cơ quan có thẩm quyền khác để chuyển về Ngân hàng Nhà nước.
- Bước 5: Thu nhận, tiêu hủy tiền giả (Điều 9) được thực hiện bởi Ngân hàng Nhà nước. Tiền giả thu về phải được:
- Kiểm đếm theo tờ hoặc miếng
- Được thể hiện bằng văn bản theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này
- Ghi rõ loại tiền, số lượng, mệnh giá, vần seri tiền giả giao nộp
Sử dụng nhầm tiền giả lưu hành có bị khởi tố hình sự không?
Khoản 1 Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định “Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 đến 07 năm”. Đối với hành vi lưu hành tiền giả, cần phải xác định theo các đặc điểm của hành vi được mô tả như sau:
- Tìm nguồn tiêu thụ
- Tìm cách đưa tiền giả vào lưu thông trên thị trường
Có thể thấy, việc lưu hành được mô tả tại Điều 207 là hành vi của người thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Đối với trường hợp, sử dụng nhầm tiền giả lưu hành (vô ý) thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nếu trong quá trình xử lý vụ án không có đủ cơ sở để chứng minh việc sử dụng tiền giả là do cố ý.
Cách xử lý khi phát hiện tiền giả lưu hành trên thị trường
Khi phát hiện tiền giả, việc đầu tiên và quan trọng nhất là giữ lại tờ tiền đó và thông báo ngay cho cơ quan chức năng theo các bước sau:
- Bước 1: Giữ nguyên hiện trạng: không làm hư hỏng tờ tiền (tránh gây ảnh hưởng đến quá trình giám định) và ghi nhớ các thông tin như ngày, giờ, địa điểm và người đưa tờ tiền giả.
- Bước 2: Thông báo cho cơ quan chức năng: liên hệ với cơ quan công an nơi gần nhất; trong trường hợp nhận được tiền giả từ ngân hàng thì phải báo ngay cho ngân hàng để có biện pháp xử lý kịp thời
- Bước 3: Hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra: nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bản thân đồng thời góp phần ngăn chặn tội phạm kịp thời.
Luật sư tư vấn trường hợp sử dụng nhầm tiền giả lưu hành
Luật sư tư vấn trường hợp sử dụng nhầm tiền giả lưu hành
Các tội phạm liên quan đến tiền giả luôn là vấn đề nghiêm trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự quản lý của Nhà nước đối với xã hội. Việc sử dụng tiền giả, dù vô tình cũng vẫn có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý nghiêm trọng, bất lợi cho chính bản thân mình. Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm trong việc xử lý các tình huống tương tự, chúng tôi sẽ tư vấn các vấn đề như:
- Quy định của pháp luật hình sự về tội phạm liên quan đến tiền giả
- Các chế tài đối với hành vi phạm tội liên quan đến việc lưu hành, sử dụng và tàng trữ tiền giả
- Các quy định liên quan đến việc xử lý tiền giả theo quy định của pháp luật
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn trong trường hợp sử dụng nhầm tiền giả lưu hành
Khi sử dụng nhầm tiền giả lưu hành, bạn cần giữ bình tĩnh và hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xử lý để bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu bạn có băn khoăn cần được hỗ trợ, hãy liên hệ với Luật sư tư vấn của chúng tôi qua số hotline 0386579303 để được hỗ trợ cụ thể khi gặp phải tình huống này trong thực tế.