Phân tích pháp lý vụ tai nạn giao thông dẫn đến việc người cha dùng súng bắn tài xế ở Vĩnh Long

Vụ tai nạn giao thông dẫn đến việc người cha dùng súng tự chế bắn tài xế ở Vĩnh Long là một sự kiện gây chấn động dư luận. Người cha bắn tài xế bằng súng tự chế khiến nạn nhân cấp cứu trong nguy kịch. Tuy nhiên, đáng chú ý là câu chuyện đằng sau hành vi này. Để hiểu rõ hơn về những thông tin bên lề và phân tích pháp lý trong vụ việc trên, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau.

Vụ tai nạn giao thông và việc người cha bắn tài xế tông chết con mình ở Vĩnh Long

Tóm tắt vụ tai nạn giao thông và việc người cha bắn tài xế tông chết con mình ở Vĩnh Long

Như các bạn đã biết hai hôm nay báo chí và mạng xã hội xôn xao thông tin về vụ việc ở huyện Trà Ôn, Vĩnh Long,  người cha tên Phúc dùng súng tự chế bắn lái xe tải gây tai nạn khiến con gái mình tử vong năm 2024 rồi bắn vào đầu tự sát. Ông đã chọn cách “tự hành xử”, tự đòi công lý khi nỗi bức xúc tột cùng và mất niềm tin ở cơ quan tố tụng địa phương.

Tóm tắt vụ tai nạn vào năm 2024 khiến người con gái ông mất như sau, theo thông tin của báo Tuổi trẻ:

  • Xe tải đang đi, phía trước có xe bán tải đang đậu sát lề đường nên Trung (tài xế) bật đèn xin đường để vượt qua;
  • Lúc này bên phía phần đường ngược lại với xe tải có hai nữ sinh (cùng 14 tuổi) đang di chuyển bằng xe đạp điện;
  • Do phát hiện xe tải, cháu N đã dừng lại, nhưng xe đạp điện của cháu Trân (nạn nhân) chạy phía sau đã tông trúng xe của cháu N rồi sau đó ngã ra đường và bị bánh trước xe tải lái cán qua làm cháu Trân tử vong;
  • Sau đó, CQĐT huyện Trà Ôn, VKS, tòa án cùng họp và đưa ra quan điểm vụ việc;
  • Công an huyện Trà Ôn xác định cháu Trân có lỗi đi xe đạp điện không chú ý quan sát, còn Trung lái xe tải đi không đúng phần đường quy định;
  • VKS và TAND cùng quan điểm lỗi hoàn toàn do tài xế Trung vượt xe không đảm bảo an toàn. Còn cháu Trân lỗi vi phạm hành chính do không chú ý quan sát;
  • Do ngành tư pháp huyện Trà Ôn không thống nhất quan điểm nên PC01 đã phối hợp Phòng CSGT và VKS tỉnh Vĩnh Long kiểm tra hồ sơ;
  • Cuối cùng CQĐT tỉnh Vĩnh Long kết luận: cháu Trân điều khiển xe đạp điện không giữ khoảng cách an toàn, không chú ý quan sát với xe cùng chiều phía trước là lỗi chính gây ra vụ tai nạn. Tài xế Trung chạy tới không xử lý kịp nên đã cán qua làm cháu Trân thiệt mạng;
  • Sau đó hồ sơ được chuyển ngược về lại cho Công an huyện Trà Ôn và có lẽ Công an huyện Trà Ôn dựa vào kết luận cuối cùng của Công an tỉnh Vĩnh Long cho rằng: lỗi chính là của cháu Trân và người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết nên không khởi tố.

Thông tin bên lề dẫn tới sự bức xúc của người cha

Liên quan tới vụ việc, có một số thông tin bên lề và thông tin của người nhà nạn nhân, mà những rất có thể những điều này đã làm cho người cha trong vụ việc càng thêm bức xúc về cái chết của người con gái không được giải quyết thỏa đáng:

  • Người lái xe là cháu của một cán bộ công an của huyện;
  • Hiện trường vụ tai nạn khi dựng lại có sự thay đổi và dựng lại nhiều lần;
  • Tài xế và gia đình tài xế chưa tới thắp nhang, thăm viếng cháu Bảo Trân từ khi mất 4/9/2024 tới nay. Điều này cũng có thể hiểu là lái xe chưa bồi thường cho người nhà cháu Trân;
  • Trong Thông báo về việc không khởi tố vụ án hình sự ngày 26/12/2024 của Công an huyện Trà Ôn nêu lý do: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết. Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan điều tra cho rằng cháu Trân (nạn nhân bị mất mới 14 tuổi) là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và lỗi vụ tai nạn hoàn toàn là của cháu Trân;
  • Người nhà cháu Trân đã gửi các đơn thư khiếu nại, cầu cứu nhưng không được giải quyết.

Các trách nhiệm pháp lý của một vụ tai nạn giao thông

Các trách nhiệm pháp lý của một vụ tai nạn giao thông

Trước tiên phải nói rằng, tai nạn giao thông ở Việt Nam là điều thường xuyên xảy ra và là điều không ai mong muốn, nhất là trong điều kiện đường ở Việt Nam (đặc biệt ở Miền Tây) nhỏ hẹp, các phương tiện cùng đi chung với nhau. Trong các vụ tai nạn giao thông, đa số người gây tai nạn là với lỗi vô ý. Bất kỳ ai trong chúng ta khi tham gia giao thông cũng có thể tiềm ẩn vướng vào tai nạn giao thông. 

Tuy nhiên pháp luật đã quy định các chế tài đối với vụ việc tai nạn giao thông, gồm 3 trách nhiệm: Hành chính, hình sự, dân sự

  • Đối với trách nhiệm hành chính, nếu người gây tai nạn giao thông nhưng chưa đến mức bị truy cứu hình sự thì vẫn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như phạt tiền, trừ điểm giấy phép lái xe, tạm giữ/tịch thu phương tiện…
  • Đối với trách nhiệm hình sự, được quy định tại Điều 260 BLHS hiện tại: 

“Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

  1. a) Làm chết người;
  2. b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên;
  3. c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
  4. d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.”
  • Đối với trách nhiệm dân sự: Ngoài trách nhiệm hành chính và hình sự, người gây tai nạn giao thông nếu gây thiệt hại còn phải bồi thường thiệt hại (tiền, tài sản) cho người bị thiệt hại hoặc người nhà, người thừa kế của họ. Hiện nay Điều 601 của Bộ luật dân sự 2015 quy định phương tiện giao thông vận tải cơ giới là một trong các nguồn nguy hiểm cao độ và chủ sở hữu phương tiện phải bồi thường do phương tiện gây ra, kể cả khi không có lỗi, ngoại trừ các trường hợp: a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết.

Phân tích pháp lý về vụ tai nạn giao thông ở Trà Ôn, Vĩnh Long

Các yếu tố của tội danh vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ

Đối với vụ tai nạn giao thông ở Trà Ôn, Vĩnh Long về mặt hậu quả “làm chết người” đã xảy ra. Do đó vấn đề còn lại chỉ còn xem xét người tham gia giao thông có “vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ” hay không? Với quy định của điều 260 BLHS hiện nay có thể hiểu rằng chỉ cần tài xế Trung có “vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ” là đủ cấu thành tội danh tại điều 260 BLHS. 

Vậy tài xế Trung lái xe tải có vi phạm quy định về an toàn hay không? Đây là câu hỏi mấu chốt để đi tới câu trả lời Trung có vi phạm “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” từ đó bị khởi tố hay không?

Đối chiếu quy định vào vụ tai nạn giao thông ở Trà Ôn, Vĩnh Long

Hoàn cảnh dẫn tới vụ TNGT nêu trên có 4 người/phương tiện có liên quan:

  • Chiếc xe bán tải đậu bên lề đường;
  • Tái xế Trung lái xe tải, người đã vượt xe bán tải qua phần đường đối diện;
  • Cháu N đi xe đạp phía trước, người đã dừng đột ngột khi nhìn thấy xe tải của Trung vượt lên;
  • Cháu Trân đi xe đạp điện phía sau đã tông xe đạp điện của N phía trước, dẫn tới ngã xuống đường và bị xe tải của Trung tông vào và tử vong.

Đối với hành vi dừng xe bên đường của tài xế xe bán tải

Đây là nguồn cơn ban đầu dẫn đến sự việc. CSGT cần xem xét:

  • Việc đậu xe bên lề đường ở một con đường nhỏ hẹp như vậy có đúng không;
  • Có đậu xe ở nơi cấm dừng cấm đậu hay không;
  • Có bảo đảm và cảnh báo hay không.

Nếu có yếu tố vi phạm, CSGT cần phạt tài xế xe bán tải theo quy định. Về lỗi dẫn tới TNGT và chết người, mặc dù xe bán tải có thể vi phạm về hành chính nhưng theo quan điểm của mình việc xe bán tải đậu bên đường ở thời điểm ban ngày và trên đường thẳng không phải là việc tất yếu dẫn tới tai nạn vì các phương tiện khác có thể nhìn thấy và xử lý.

Đối với tài xế xe tải

Trung đã vượt xe bán tải và lấn qua làn đường đối diện phía bên kia. Như vậy Trung đang trong tình thế vượt xe, lấn vào làn đường phía bên kia. Việc vượt xe của Trung có vi phạm quy định hay không? 

  • Căn cứ khoản 2 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (đang có hiệu lực tại thời điểm xảy ra tai nạn) quy định: “Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.” và Khoản 5: “Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây: a) Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này”;
  • Đoạn đường xảy ra tai nạn được xác định là đường thẳng, như vậy tầm nhìn sẽ tốt, tài xế Trung có thể quan sát được có “xe chạy ngược chiều” nhưng vẫn thực hiện hành vi vượt và còn lấn qua phía bên kia đường là đã vi phạm vào Điều 14 Luật Giao thông đường bộ. Ngoài ra cũng cần xem xét Trung có thắng xe khi gặp xe hai nữ sinh và khi cháu Trân té xuống hay không;
  • Trong Bản kết luận của Đội CSGT-TT – Công an huyện Trà Ôn ngày 14/9/2024 cũng kết luận: Nguyễn Văn Bảo Trung điều khiển xe ôtô tải biển số 84C-102.77 “vượt xe không bảo đảm an toàn” , quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ năm 2008…”. (Xem hình).

Bản kết luận điều tra nguyên nhân và lỗi trong vụ tai nạn giao thông ở Trà Ôn, Vĩnh Long làm cháu Bảo Trân tử vong

Như vậy có thể khẳng định, tài xế xe tải Trung đã VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ. 

Hành vi này của Trung là nguồn cơn (tiếp theo) cho các sự kiện tiếp theo. Nếu không có việc vượt xe qua làn đối diện của Trung, sẽ không dẫn tới các sự kiện phía sau: dừng xe của N, Trân tông vào N ngã ra đường và bị xe Trung cán. Do đó đây cũng là nguồn cơn, một trong các nguyên nhân gây nên tại nạn và cái chết của em Trân.

Đối với hành vi của cháu Trân

Cháu Trân đi xe điện có vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, lỗi hay không? Theo tôi cháu Trân cũng vi phạm quy định và có lỗi, cụ thể là vi phạm khoảng cách giữa các xe được quy định tại Điều 12 Luật Giao thông đường bộ 2008: “Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình”. 

  • Từ việc này dẫn tới khi cháu N dừng xe đột ngột, cháu Trân đã tông vào xe bạn mình, ngã ra và bị xe tải cán vào;
  • Tình trạng các cháu học sinh đi túm vào nhau theo nhóm, theo hàng, níu kéo nhau…là tình trạng dễ bắt gặp và là hành vi vi phạm, gây nguy hiểm cho mình và người khác.

Từ những phân tích trên cho thấy lỗi của vụ tai nạn giao thông nêu trên là lỗi hỗn hợp.

Do Trung đã vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và có mối liên hệ từ hành vi của Trung với hậu quả, cho thấy HÀNH VI CỦA TRUNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN CẤU THÀNH“Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Thực tiễn khởi tố từ các vụ tai nạn giao thông có lỗi hỗn hợp

Theo một số luật sư chia sẻ, thực tiễn cho thấy đối với các vụ TNGT mà có lỗi hỗn hợp (tức cùng có lỗi của cả người gây tai nạn và nạn nhân) thì các cơ quan tố tụng cũng thường khởi tố vụ án.

Nhận định sai lầm của Cơ quan cảnh sát Điều tra – Công an huyện Trà Ôn

Ngoài nhận định và kết luận không đúng về hành vi của tài xế xe tải Trung nêu trên, dẫn tới không khởi tố vụ án và khởi tố bị can, Cơ quan cảnh sát Điều tra – Công an huyện Trà Ôn trong Thông báo ban đầu còn nêu lý do của việc không khởi tố: NGƯỜI THỰC HIỆN HÀNH VI NGUY HIỂM CHO XÃ HỘI ĐÃ CHẾT

  • Đây là nhận định hoàn toàn không đúng, sai lầm nghiêm trọng tiếp theo của Công an huyện Trà Ôn. Bởi trong quá trình giải quyết tin báo tội phạm, cơ quan tố tụng chỉ ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định trên của Điều 157 BLTTHS với điều kiện là người đã chết chính là người có hành vi phạm tội; 
  • Như trong các vụ TNGT, chỉ vận dụng quy định ấy đối với những người có hành vi vi phạm ATGT và gây TNGT làm chết người khác và họ cũng bị chết thì mới đúng quy định của luật. Trong khi bé Trân làm gì có hành vi phạm tội nào (không làm cho ai chết) mà lại ra quyết định không khởi tố vụ án theo hướng như thế;
  • Từ thông báo lạnh lùng này đã dẫn tới người cha của cháu Trân bức xúc tột cùng. Vì cháu Trân đang từ nạn nhân bị mất trong TNGT, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội này, thành người “thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội”. 

Và cái quyết định đó còn tàn nhẫn ở chỗ là làm cho gia đình anh Phúc không thể khởi kiện yêu cầu bên gây tai nạn bồi thường chi phí ma chay, mồ mã cũng như những tổn thất về tinh thần của vợ chồng anh.

Nỗi bức xúc tột độ tới hành vi “tự xử”, “tự đòi công lý” của cha nạn nhân

“Người cha” của nạn nhân trong vụ việc sau những uất ức của mình, khi vụ việc không được giải quyết thỏa đáng, đã dùng súng tự chế bắn tài xế Trung và tự kết liễu. Thông tin mới nhất thì tài xế Trung đã qua cơn nguy kịch, còn người cha tên Phúc đã mất. Vụ việc đã tước đi 2 mạng người cùng nhà đã ra đi cùng với những nhận định sai lầm, không thống nhất của các cơ quan tố tụng. Do đó rất cần các cơ quan tố tụng Trung ương xem xét toàn diện vụ việc để đưa ra kết luận KHÁCH QUAN, CÔNG BẰNG, ĐÚNG PHÁP LUẬT. 

Luật sư tư vấn trách nhiệm khi tai nạn giao thông

Luật sư tư vấn trách nhiệm khi tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông là sự cố không ai mong muốn, nhưng khi xảy ra, nó có thể để lại nhiều hậu quả nặng nề về sức khỏe, tài chính và pháp lý. Trong những tình huống căng thẳng và phức tạp này, việc được hỗ trợ bởi một dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp là vô cùng cần thiết. Dưới đây là các công việc luật sư chúng tôi sẽ thực hiện:

  • Giải đáp các thắc mắc liên quan đến luật giao thông;
  • Giải đáp các thắc mắc liên quan đến luật hình sự và trách nhiệm hình sự;
  • Giúp khách hàng giải quyết các tranh chấp phát sinh từ vụ tai nạn;
  • Hướng dẫn khách hàng về các quyền lợi và thủ tục liên quan đến bảo hiểm tai nạn giao thông;
  • Tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho gia đình nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông; 
  • Giúp khách hàng hiểu rõ quyền lợi và quy trình yêu cầu bồi thường thiệt hại;
  • Hỗ trợ gia đình nạn nhân khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

xem thêm: Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua điện thoại

Với đội ngũ luật sư tâm huyết, chúng tôi cam kết đồng hành cùng bạn, giúp giải quyết mọi vấn đề pháp lý một cách công bằng và nhanh chóng khi gặp phải tình huống không mong muốn trong tham gia giao thông, tránh xảy ra các sự việc đau lòng. Hãy liên hệ với chúng tôi qua Website:luatkienviet.com hoặc gọi ngay 0386579303 – chúng tôi luôn ở đây để lắng nghe và bảo vệ bạn.

Scores: 4.1 (15 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Chức vụ: Giám Đốc Điều Hành

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Bất Động Sản, Dự Án Đầu Tư, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Dân sự, HNGĐ, Lao Động, Hợp Đồng, Hình Sự, Hành Chính và tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp, tranh tụng...

Trình độ đào tạo: Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 587 bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *