Tổng quan về nghề Pháp chế doanh nghiệp

Nghề pháp chế doanh nghiệp là nghề nghiệp có vai trò bảo đảm việc tuân thủ pháp luật trong nội bộ doanh nghiệp và xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh. Yêu cầu của pháp chế doanh nghiệp đòi hỏi người theo đuổi cần có kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng hành nghề, kinh nghiệm áp dụng quy định pháp luật. Hãy cùng tìm hiểu cụ thể qua bài viết sau đây.

Tổng quan về nghề Pháp chế doanh nghiệp

Tổng quan về nghề pháp chế doanh nghiệp

Pháp chế doanh nghiệp là gì?

  • Pháp chế doanh nghiệp là một chức danh, vị trí trong doanh nghiệp được doanh nghiệp tuyển dụng để phụ trách các công việc liên quan đến pháp luật trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
  • Nếu công việc của những luật sư, chuyên viên pháp lý hoạt động trong các công ty luật, văn phòng luật sư là mang tính dịch vụ và có khách hàng là các cá nhân, tổ chức khác nhau có nhu cầu về dịch vụ pháp lý, đối với pháp chế  thì “khách hàng” chủ yếu chính là doanh nghiệp, các công ty trong tập đoàn, hệ thống mà mình đang làm việc. Hoặc đôi khi đối tượng phục vụ của pháp chế chính là chủ doanh nghiệp, những người quản lý trong công ty.
  • Pháp chế chịu trách nhiệm phối hợp với các phòng ban khác của doanh nghiệp giúp đảm bảo doanh nghiệp được vận hành một cách suôn sẻ, minh bạch. Nói cách khác, đối tượng phục vụ của các công ty luật là các khách hàng bên ngoài, còn bộ phận pháp chế là doanh nghiệp họ đang làm việc.

Các công việc của pháp chế doanh nghiệp

Vị trí chuyên viên pháp chế trong doanh nghiệp có khả năng phụ trách nhiều công việc từ tham gia xây dựng doanh nghiệp đến phối hợp quản lý và kiểm soát hoạt động công ty. Cụ thể, người pháp chế có thể phụ trách thực hiện hoặc tham gia phối hợp thực hiện các vấn đề sau:

  • Xây dựng, hoàn thiện cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp theo quy định pháp luật và mong muốn của chủ doanh nghiệp, các cổ đông, thành viên công ty
  • Nghiên cứu, soạn thảo, hoàn thiện các quy chế nội bộ trong công ty như quy chế làm việc, quy chế làm việc giữa các phòng ban, quy chế tiền lương. Sau khi có quy chế sẽ tham gia vào việc giám sát, đảm bảo việc tuân thủ các quy chế, quy định mà công ty đã ban hành.
  • Thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục cấp các giấy phép, chấp thuận từ cơ quan nhà nước trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp như: thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập công ty con, chi nhánh, xin các giấy phép con, đăng ký nhãn hiệu và thương hiệu…
  • Soạn thảo, rà soát và kiểm soát các hợp đồng của công ty với các đối tác, khách hàng trong quá trình hoạt động như hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng thuê mặt bằng…
  • Đóng góp ý kiến, tư vấn, đưa ra những phương án tối ưu cho chủ doanh nghiệp về các kế hoạch, dự án họ sắp hoặc đang thực hiện khi gặp phải vấn đề.
  • Thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để tiến hành dự án, làm việc với các cơ quan nhà nước có liên quan.
  • Tham gia giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

Điều kiện để trở thành pháp chế doanh nghiệp

Tổng quan về nghề Pháp chế doanh nghiệp

Điều kiện trở thành nhân viên pháp chế doanh nghiệp

Pháp chế doanh nghiệp về mặt hình thức không bắt buộc phải có chứng chỉ như một số nghề liên quan tới pháp luật khác như luật sư, công chứng viên hay thẩm phán. Tuy nhiên để đảm nhiệm tốt ở công việc này cũng đòi hỏi người pháp chế có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng nhất định. Tùy vào từng doanh nghiệp và vị trí mà yêu cầu, tiêu chuẩn của pháp chế doanh nghiệp cũng có sự khác nhau.

Nhìn chung, người ở vị trí này phải có đáp ứng những yêu cầu sau:

  • Trình độ học vấn cử nhân luật trở lên.
  • Kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp
  • Thành thạo các kỹ năng cơ bản như sử dụng tốt phần mềm tin học văn phòng, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng soạn thảo hợp đồng, kỹ năng tư vấn, v. v…
  • Có kinh nghiệm từng làm pháp chế ở vị trí tương tự hoặc từng làm trong các hãng luật tối thiểu từ 1-2 năm trở lên. Đối với các chức danh quản lý như Trưởng phòng, Giám đốc pháp chế thì yêu cầu kinh nghiệm thường từ 5 năm trở lên.

Quy trình trở thành pháp chế doanh nghiệp

Quy trình trở thành pháp chế doanh nghiệp trông có vẻ không phải trải qua nhiều giai đoạn như khi trở thành một công chứng viên, nhưng vẫn không kém phần vất vả. Một người đã có nhiều năm làm việc ở vị trí khác cũng chưa chắc có thể đảm nhận vị trí pháp chế doanh nghiệp, bởi vị trí này đòi hỏi không chỉ kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp mà còn cần những kỹ năng mềm khác (chẳng hạn như kỹ năng tin học văn phòng, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng quản lý thời gian).

Bước 1: Có bằng cử nhân luật

Bước đầu tiên mà một học sinh muốn trở thành Pháp chế doanh nghiệp cần phải thực hiện chính là hoàn thành chương trình học của một trường đại học chuyên ngành luật và có được tấm bằng cử nhân luật. Thời gian đào tạo thông thường sẽ là 04 năm.

Bước 2: Trau dồi kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm

Để trở thành pháp chế doanh nghiệp, sinh viên ngoài bằng tốt nghiệp cử nhân luật còn cần phải cóp nhặt kinh nghiệm thông qua việc học hỏi từ người đi trước, qua quá trình thực tập và được công ty mình thực tập hướng dẫn, đồng thời tự bổ sung kiến thức về lĩnh vực mình có dự định ứng tuyển. Chính vì thế, các doanh nghiệp khi tuyển dụng vị trí pháp chế doanh nghiệp yêu cầu kinh nghiệm, đôi khi cũng sẽ tuyển dụng vị trí thực tập sinh pháp chế để hướng dẫn thêm trước khi chính thức làm việc cho họ.

Bước 3: Nộp đơn ứng tuyển vào vị trí pháp chế doanh nghiệp mong muốn

Sau khi đã trang bị cho bản thân những thứ được đề cập ở bước 1 và bước 2, sinh viên có thể tìm và nộp đơn ứng tuyển vào doanh nghiệp mà mình muốn được làm việc.

Triển vọng và khó khăn của nghề pháp chế doanh nghiệp

Tổng quan về nghề Pháp chế doanh nghiệp

Triển vọng và khó khăn của nghề pháp chế doanh nghiệp

Triển vọng của pháp chế doanh nghiệp

  • Trong bối nền kinh tế đất nước đang ngày càng hội nhập với thế giới, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động. Mức độ rủi ro tăng cao cũng kéo theo nhu cầu thành lập một bộ phận pháp lý riêng trong công ty tăng nhanh.
  • Một số doanh nghiệp do nhu cầu công việc nhiều và cần tính bảo mật, tính nhanh chóng khi xử lý công việc thì sẽ tuyển dụng các pháp chế để xử lý vấn đề của công ty mình.
  • Nghề pháp chế dần trở nên phổ biến hơn và có nhiều cơ hội việc làm hơn. Các doanh nghiệp tuyển dụng pháp chế đa phần là các công ty tư nhân, nên chế độ đãi ngộ và mức lương mà pháp chế doanh nghiệp nhận được thường cao hơn những ngành nghề pháp luật khác.
  • Do tính chất ngành nghề phải đảm nhận nhiều công việc, pháp chế doanh nghiệp sẽ có cơ hội được phát triển kỹ năng của bản thân, đặc biệt là khả năng làm việc dưới áp lực lớn.

Khó khăn của nghề pháp chế doanh nghiệp

Pháp chế doanh nghiệp có nhiệm vụ đảm bảo tính hợp pháp cho các hoạt động của doanh nghiệp, nên đòi hỏi họ phải có kiến thức pháp lý vững chắc. Những khó khăn có thể gặp phải khi làm việc tại vị trí pháp chế doanh nghiệp là:

  • Rủi ro có thể phát sinh bất cứ lúc nào, nếu pháp chế doanh nghiệp không có đủ kinh nghiệm hoặc kỹ năng xử lý tình huống thì khó lòng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
  • Việc tư vấn sai cho chủ doanh nghiệp có thể làm cho doanh nghiệp nhiều rủi ro, bị thiệt hại lớn. Vì vậy, vị trí pháp chế doanh nghiệp thường phải chịu áp lực rất lớn.
  • Pháp chế phải thường xuyên làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp, nên thường sẽ bị những bộ phận khác cảm thấy bộ phận pháp chế được đối xử đặc biệt hơn, dễ dẫn đến mâu thuẫn và gây trở ngại cho công việc của pháp chế.
  • Pháp chế có chức năng hỗ trợ cho doanh nghiệp và một số phòng ban, hoạt động của công ty như sản xuất hoặc bán hàng, những phòng ban đem về doanh thu của công ty. Đồng thời pháp chế thường có thói quen nguyên tắc, sợ rủi ro, do đó nhiều trường hợp bị coi là thứ yếu hoặc là tác nhân gây cản trở hoạt động của các hoạt động đem lại doanh thu của công ty. Do đó người pháp chế phải hết sức linh hoạt và dung hòa được các hoạt động, nhất là giữa việc phòng ngừa rủi ro pháp lý nhưng cũng không làm cản trở hoạt động của các phòng ban khác và của doanh nghiệp. Người pháp chế phải phát huy được vai trò và cần làm cho chủ doanh nghiệp và những người quản lý khác hiểu được ý nghĩa công việc của mình

Trên đây là bài giới thiệu sơ lược về các điều kiện để trở thành pháp chế doanh nghiệp, các khó khăn cũng như cơ hội của ngành nghề này. Nếu bạn có nhu cầu được tư vấn thêm về các vấn đề pháp lý liên quan, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 0386.579.303 để được hỗ trợ

Scores: 5 (18 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Kiến Việt

Chức vụ: Công ty Luật Kiến Việt

Lĩnh vực tư vấn: Công ty Luật Kiến Việt đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ luật sư tư vấn và thực hiện thủ tục pháp lý chuyên nghiệp, uy tín trong các lĩnh vực về đất đai, bất động sản, doanh nghiệp đầu tư, đấu thầu xây dựng, tranh tụng vụ án dân sự, ly hôn, tranh chấp đất đai, tranh chấp thừa kế, dịch vụ luật sư hình sự, luật sư bào chữa, kháng cáo..

Trình độ đào tạo: Đại học Luật TP.HCM, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 690 bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *