Bà con ở quê thỉnh thoảng vẫn vay – mượn tiền nhau để làm ăn hay để giải quyết khó khăn nào đó. Lúc vay mượn thì chẳng ai bận tâm ghi giấy tờ sổ sách
Quy định của pháp luật về lãi suất khi cho vay – mượn tiền
Vay tiền là một loại giao dịch khá phổ biến hiện nay. Nhưng vay tiền với lãi suất bao nhiêu là hợp lý, và cho vay lấy lãi như thế nào mới không vi phạm pháp luật thì dường như có rất nhiều người không biết tới.
Luật sư Đỗ Thanh Lâm, thuộc Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết: “Theo quy định của pháp luật, việc vay tiền giữa người dân với nhau thì mức lãi suất tối đa là 20%/ năm, tức nếu vay 1 triệu đồng thì lãi suất tối đa của một năm là 200 ngàn đồng. Trường hợp người cho vay lấy lãi suất vượt quá 20%, khi hai bên có tranh chấp và cùng nhau ra tòa giải quyết thì phần lãi suất vượt quá 20% sẽ không có hiệu lực”.
Khi cho vay – mượn tiền, tốt nhất bà con nên nói người đi vay “Biên giùm tôi ít chữ”
Cũng theo luật sư, người cho vay tiền với lãi suất “cắt cổ” thì có thể sẽ bị truy tố hình sự. Theo điều 201, Bộ luật hình sự 2015, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì tuỳ mức độ mà có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến phạt tù đến 3 năm .
Khi cho vay, nên có giấy tờ thỏa thuận rõ ràng, chính xác
Về quy định của pháp luật, Luật sư Đỗ Thanh Lâm cho biết: Hiện nay nhà nước không quy định giữa bên cho vay và bên vay bắt buộc phải có giấy thỏa thuận. Tuy nhiên, để an toàn, khi thực hiện giao dịch vay và cho vay, hai bên nên đưa ra một bản thỏa thuận, cam kết để có cơ sở giải quyết về sau.
Khi viết giấy thỏa thuận cho vay – mượn tiền phải lưu ý: nếu viết bằng tay, giấy thỏa thuận nên do chính tay người đi vay viết; nội dung của thỏa thuận phải nói rõ các nội dung: thông tin hai bên, số tiền vay (có cả chữ và số), thời hạn trả và lãi suất (nếu có).
Giả sử giữa hai bên có tranh chấp nhưng không có bất cứ một giấy tờ gì để chứng minh, đồng thời hai bên cũng không thống nhất được ý kiến rất khó để phân xử. Trường hợp này, người cho vay phải chứng minh được cuộc giao dịch đã diễn ra và người vay chưa chịu hoàn trả.
Mẫu giấy cho vay tiền đầy đủ những nội dung cần thiết
Biên bản thỏa thuận được viết bằng tay rất dễ bị sửa đổi, chẳng hạn khi vay 5 triệu, người cho vay “vui tánh” viết thêm 1 con số 0 nữa thì số tiền sẽ lên tới 50 triệu đồng. Vì vậy các bên nên làm thành hai bản để mỗi bên giữ một bản, có ghi thêm bằng chữ sau số tiền hoặc, bản thỏa thuận giữa hai bên nên là bản đánh máy hoặc cần được công chứng.
Giao – nhận tiền như thế nào cho chắc chắn?
Để ghi nhận bằng chứng đã giao tiền khi cho vay tiền, có những cách sau: Nếu đã đưa tiền trước hoặc ngay tại thời điểm ký văn bản cho vay tiền, hai bên có thể ghi nội dung như sau trong văn bản “Bên cho vay đã giao số tiền vay cho bên vay khi cả hai ký kết hợp đồng này”. Bên vay ghi tại chỗ, ký tên với nội dung “đã nhận đủ số tiền vay trong hợp đồng này”. Chuyển tiền qua ngân hàng hoặc bưu điện ghi nội dung chuyển là “chuyển tiền vay theo hợp đồng…….”.
Giấy biên nhận tiền cần phải đảo các nội dung nêu trên
Nói chung tuỳ thuộc vào mức độ cho vay, quan hệ hai bên, hoàn cảnh cụ thể mà mọi người có thể lựa chọn cho mình hình thức thể hiện. Dưới góc độ tư vấn thì Luật sư luôn mong muốn các bên thể hiện việc cho vay mượn một cách đảm bảo và có thể dễ dàng chứng minh nhất.
Bài: Thành Nam
Theo Khỏe Plus