Ý nghĩa độ tuổi trong đời theo quy định pháp luật việt nam hiện nay

 

Ý nghĩa độ tuổi trong đời theo quy định pháp luật việt nam hiện nay

Tác giả: Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Phone: 0386579303

Email: lamdo@luatkienviet.com

 

Khi đạt tới từng độ tuổi trong đời sẽ phát sinh các quyền, nghĩa vụ khác nhau. Hãy cùng Luật Kiến Việt liệt kê ý nghĩa về độ tuổi trong cuộc đời của bạn theo quy định pháp luật Việt Nam hiện nay nhé. Bảng liệt kê này được luật sư Đỗ Thanh Lâm tổng hợp từ nhiều văn bản luật khác nhau.

  • 300 ngày của thai nhi: Nếu bạn được sinh ra (và còn sống) trong thời gian không quá 300 ngày kể từ ngày người cha mất hoặc từ ngày cha mẹ ly hôn thì theo quy định của BLDS, luật HN-GĐ  bạn sẽ được hưởng thừa kế di sản (nếu có) của người cha đã qua đời hoặc được coi là con của người cha đó.
  • 60 ngày kể từ ngày sinh: bạn nhớ nhắc cha, mẹ đăng ký khai sinh cho bạn trong thời gian này nhé, nếu trễ hơn có thể bị phạt đó.
  • 12 tháng tuổi: do đang nuôi bạn trong thời gian này mà mẹ của bạn sẽ không bị xử lý kỷ luật lao động, không phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa nhé.
  • 36 tháng tuổi (3 tuổi): Cũng nhờ bạn đang trong độ tuổi này mà mẹ bạn dù có phạm tội cũng sẽ không bị áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử hoặc không thi hành án tử hình mà chuyển thành tù chung thân; Cũng nhờ bạn mà mẹ bạn (về nguyên tắc) sẽ được nuôi bạn nếu cha mẹ ly hôn. Bạn cũng có thể bắt đầu tới trường mẫu giáo để có thêm bạn bè.
  • 06 tuổi: chúc mừng bạn, từ đủ này bạn được phép thực hiện các giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày (ví dụ mua bim bim, quần áo). Từ tuổi này bạn cũng bắt đầu một hành trình học học hành gian khổ khi bắt đầu được vào lớp 1.
  • 07 tuổi: nếu chẳng may cha mẹ bạn làm thủ tục ly hôn, theo quy định bạn sẽ được xem xét nguyện vọng (hỏi) về ở với ai hoặc khi có người yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.
  • 09 tuổi: Nếu bạn có tài sản (ví dụ ông, bà cho bạn nhà đất), thì cha, mẹ bạn sẽ là người có quyền quản lý, định đoạt tài sản vì lợi ích của bạn, nhưng khi cha mẹ hoặc người giám hộ định đoạt tài sản này thì họ phải xem xét nguyện vọng của bạn, phớt lờ tiếng nói của trẻ em là không xong đâu nhé.
  • 13 tuổi:

+ Từ độ tuổi này bạn được luật cho phép “đi làm” kiếm tiền trong một số công việc cụ thể do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội   quy định (nhưng vẫn cần cha mẹ đồng ý).

+ Đây là cột mốc quan trọng trong rất nhiều tội danh của bộ luật hình sự. Ví dụ nếu bạn chưa đủ độ tuổi này mà một người nào đó    dụ dỗ bạn giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục (không cần biết bạn đồng ý hay không) thì người đó sẽ cấu thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tùy mức độ mà mức hình phạt thấp nhất là 7 năm tù, cao nhất là tử hình.

  • 14 tuổi: Khi bạn đủ tuổi này thì hành động phải suy nghĩ kỹ nhé vì bạn đã đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự về một số tội danh. Ngoài ra bạn được làm căn cước công dân khi đủ tuổi này.
  •  15 tuổi: Chúc mừng bạn, bạn đã đủ tuổi để tự mình thực hiện nhiều giao dịch dân sự như: các giao dịch về tài sản (ngoại trừ tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký thì phải có sự đồng ý của người đại diện pháp luật). Ngược lại bạn cũng bắt đầu phải chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình nếu gây ra thiệt hại cho người khác; bạn được tự mình đi làm và ký hợp đồng lao động với người sử dụng lao động mà không phải hỏi ý kiến cha me nữa. Ngoài ra nếu định đoạt đất của “hộ gia đình” thì theo quy định của BLDS 2005 trước đây và hiện nay trên thực tế các cơ sở công chứng thường yêu cầu những người từ đủ 15 tuổi trở lên trong sổ hộ khẩu ra ký.
  • 16 tuổi: Bạn là trẻ em hay không cũng căn cứ vào độ tuổi này. Do đó nếu bạn đã trên tuổi này mà vẫn có người gọi bạn là trẻ con hoặc trẻ em thì phải bảo họ ngay nhé. Do không còn là trẻ em nữa, nên bạn cũng sẽ đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự ở tất cả các tội danh của bộ luật hình sự. Ngoài ra nếu bạn có người yêu và cả hai có “lỡ” quan hệ với nhau mà người đó đã trên 16 tuổi thì bạn yên tâm là sẽ không bị tội nhé. Đủ tuổi này bạn cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về tất cả các vi phạm hành chính.
  • 18 tuổi: Chúc mừng bạn, nếu bạn đủ 18 tuổi thì được coi là người thành niên và có đủ năng lực hành vi dân sự, được tham gia tất cả các quan hệ dân sự, cũng như tự chịu trách nhiệm về các thiệt hại do mình gây ra mà ba mẹ không cần chịu thay nữa.

Ngoài ra đủ tuổi này bạn còn làm được rất nhiều điều khác như được đi bầu cử, được học bằng lái A1 và B2, có thể đi nghĩa vụ quân sự, nếu là nữ là có thể lấy chồng được rối nhé…

  • 20 tuổi: nam đủ tuổi này có thể đăng ký kết hôn.
  • 21 tuổi: đủ tuổi này bạn có thể ứng cử vào Quốc hội và HĐND các cấp
  • 25 tuổi: hết độ tuổi này là hết nghĩa vụ quân sự (trường hợp được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết năm 27 tuổi).
  • 55 tuổi: đủ tuổi này nữ được nghỉ hưu sau nhiều năm lao động

  • 60 tuổi: đủ tuổi này nam được nghỉ hưu. Đủ tuổi này bạn cũng được coi là người cao tuổi

  • 70 tuổi: Từ tuổi này trở đi, cứ mỗi 5 năm một lần bạn sẽ được UBND xã và gia đình tổ chức mừng thọ người cao tuổi.

  • 80 tuổi: khi bạn sống tới độ tuổi này thì sẽ được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, đồng thời được cấp thẻ BHYT chi trả 100% nếu đi đúng tuyến, được ưu tiên khám trước người bệnh bình thường.
  • 90 tuổi: Người thọ 90 tuổi được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chúc thọ và tặng quà.
  • 100 tuổi: Xin chúc mừng bạn đã sống được 1 thế kế kỷ, không phải ai cũng được như bạn. Bạn sẽ được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúc thọ và tặng quà.

Scores: 4.4 (15 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Chức vụ: Giám Đốc Điều Hành

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Bất Động Sản, Dự Án Đầu Tư, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Dân sự, HNGĐ, Lao Động, Hợp Đồng, Hình Sự, Hành Chính và tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp, tranh tụng...

Trình độ đào tạo: Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 509 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *