Trong các tranh chấp, vụ án dân sự thì các cơ quan giải quyết tranh chấp (như toà án) chỉ giải quyết khi có yêu cầu của người dân. Khi giải quyết thì họ cũng chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu của người dân. Tức yêu cầu cụ thể của người dân là gì thì toà án xem xét, quyết định yêu cầu cụ thể đó mà không (được) giải quyết ngoài phạm vi đó. Ngoài ra việc chứng minh cho yêu cầu đó (lời khai, chứng cứ, giấy tờ…) chủ yếu cũng do người có yêu cầu chứng minh, cơ quan giải quyết chỉ hỗ trợ để người dân có được chứng cứ.
Nhiều người không hiểu được điều này và không có luật sư tư vấn, tham gia từ đầu, dẫn đến không nộp đơn sớm, đến khi yêu cầu thì hết thời hiệu khởi kiện, yêu cầu hoặc chọn yêu cầu không đúng, không phù hợp. Thay vì chọn yêu cầu có thể, dễ được chấp nhận thì lại chọn yêu cầu mà theo quy định không hoặc khó được chấp nhận. Đến khi người dân tìm tới luật sư thì đã quá trễ vì hết thời hiệu hoặc không thể thay đổi yêu cầu.
Tuy nhiên chọn phương án, con đường nào tốt thì thực tế cho thấy ngay cả một số luật sư hoặc dân luật mà không chắc chuyên môn cũng mắc sai lầm. Thời gian qua các luật sư chúng tôi gặp nhiều trường hợp như vậy. Có vụ còn đang giải quyết ở toà sơ thẩm (toà án đầu tiên) nên còn cứu vãn được. Có vụ đã có bản án sơ thẩm hoặc bản án đã có hiệu lực nên không thể thay đổi, bổ sung yêu cầu, vì toà phúc thẩm chỉ xem xét trong phạm vi bản án sơ thẩm. Rất đáng tiếc vì nếu chọn đúng yêu cầu từ đầu thì cơ hội được chấp nhận sẽ lớn hơn nhiều.