Kinh doanh đa cấp khi nào bị coi là tội phạm được quy định tại Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành liên quan. Kinh doanh đa cấp sẽ bị coi là tội phạm khi có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật. Trong bài viết sau đây, chúng tôi sẽ giải thích cụ thể về các dấu hiệu cấu thành tội phạm, hình phạt trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp và các vấn đề cần lưu ý.
Kinh doanh đa cấp khi nào bị coi là tội phạm
Kinh doanh đa cấp là gì?
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.
- Bán hàng đa cấp hay còn gọi là kinh doanh đa tầng là hình thức bán hàng đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng bằng một phương thức tổ chức kinh doanh đó là thông qua nhiều cấp khác nhau, trong đó người tham gia sẽ được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng và/hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng hóa của mình và của người khác trong mạng lưới do người đó tổ chức ra và được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận. Người sau vào sẽ lôi kéo những người khác tham gia vào và chia % lợi nhuận.
- Như vậy, kinh doanh theo phương thức đa cấp được chấp nhận tại Việt Nam; doanh nghiệp có thể kinh doanh theo phương này, tuy nhiên việc kinh doanh theo phương thức này phải đáp ứng, tuân thủ các quy định pháp luật.
Xem thêm: Bán hàng đa cấp được quy định như thế nào?
Những hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp
Theo Điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, những hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp được quy định cụ thể như sau:
Đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp
- Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
- Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
- Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó;
- Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng;
- Cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
- Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp;
- Duy trì nhiều hơn một hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, vị trí kinh doanh đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp;
- Thực hiện khuyến mại sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mại có nhiều hơn một vị trí, mã số hoặc các hình thức tương đương khác;
- Tổ chức các hoạt động trung gian thương mại theo quy định của pháp luật thương mại nhằm phục vụ cho việc duy trì, mở rộng và phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp;
- Tiếp nhận hoặc chấp nhận đơn hoặc bất kỳ hình thức văn bản nào khác của người tham gia bán hàng đa cấp, trong đó, người tham gia bán hàng đa cấp tuyên bố từ bỏ một phần hoặc toàn bộ các quyền của mình theo quy định của Nghị định này hoặc cho phép doanh nghiệp không phải thực hiện nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định này;
- Kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với đối tượng không được phép theo quy định tại Điều 4 Nghị định này;
- Không sử dụng hệ thống quản lý người tham gia bán hàng đa cấp đã đăng ký với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để quản lý người tham gia bán hàng đa cấp;
- Mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp khác, trừ trường hợp mua lại, hợp nhất hoặc sáp nhập doanh nghiệp.
Đối với người tham gia bán hàng đa cấp:
- Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
- Cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp;
- Tổ chức hội thảo, hội nghị, đào tạo về kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản;
- Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội, nghề nghiệp để khuyến khích, yêu cầu, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp;
- Thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nơi doanh nghiệp chưa được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.
Cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp, tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của mình hoặc của tổ chức, cá nhân khác khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Cấm cá nhân tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trường hợp kinh doanh đa cấp bị coi là tội phạm
Người kinh doanh đa cấp bị coi là tội phạm khi có đủ 04 yếu tố cấu thành tội phạm sau:
- Khách thể của tội phạm: Tội phạm này xâm phạm đến những quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, xâm phạm tới chế độ quản lý của Nhà nước về hoạt động bán hàng đa cấp.
- Mặt khách quan của tội phạm: Thể hiện bằng một trong hai hành vi sau:
- Hành vi tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp;
- Hành vi tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
- Mặt chủ quan của tội phạm:
- Lỗi: Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức hành vi vi phạm những quy định về kinh doanh đa cấp của mình có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng, người phạm tội lường trước được hậu quả xảy ra nhưng vẫn mong muốn cho hậu quả xảy ra.
- Mục đích của tội phạm này thường là thu lợi bất chính bắt nguồn từ động cơ vụ lợi.
- Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể tội phạm này phải có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi theo quy định tại Điều 12 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) .
Xem thêm: Kinh doanh đa cấp bị cấm trong trường hợp nào?
Mức hình phạt của tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp
Mức hình phạt của Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp được quy định tại Điều 217a BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:
Người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 174 và Điều 290 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
- Gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
- Gây thiệt hại cho người khác 1.500.000.000 đồng trở lên;
- Quy mô mạng lưới người tham gia 100 người trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, người phạm tội có thể bị phạt tiền lên đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù cao nhất là 05 năm. Ngoài ra, còn có thể phải chịu các hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Các lưu ý khi hoạt động kinh doanh đa cấp
Dưới đây là một số lưu ý khi tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp:
- Doanh nghiệp/cá nhân tham gia bán hàng đa cấp không được thực hiện những hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
- Khi tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp phải có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và phải hoạt động kinh doanh theo đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.
- Kinh doanh minh bạch và trung thực. Cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm cho khách hàng; thanh toán đầy đủ hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trong bán hàng đa cấp cho người tham gia bán hàng đa cấp.
- Kinh doanh có đạo đức. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện kinh doanh có đạo đức, thực hiện đúng Quy tắc đạo đức chung nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.
Kinh doanh đa cấp là một hình thức kinh doanh hợp pháp. Tuy nhiên, để tránh rơi vào vòng lao lý, bạn cần tuân thủ pháp luật, xây dựng kế hoạch kinh doanh chi tiết và luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu.
Luật sư tư vấn về vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp
h
Luật sư tư vấn về vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp
Luật sư tư vấn về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Chúng tôi sẽ hỗ trợ khách hàng:
- Tiếp nhận thông tin từ khách hàng và tư vấn chi tiết, cụ thể hơn và các mức xử phạt đối với tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp;
- Tư vấn, phân tích chi tiết về hành vi vi phạm của chủ thể phạm tội;
- Xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (nếu có);
- Hướng dẫn khách hàng các biện pháp khắc phục hậu quả để được miễn, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự;
- Thu thập, soạn thảo, chuẩn bị các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc của khách hàng;
- Tham gia hỗ trợ khách hàng trong suốt quá trình tố tụng từ khởi tố, điều tra, lấy lời khai đến giai đoạn xét xử;
- Tham gia với tư cách Luật sư bào chữa trong phiên tòa tại Tòa án.
Trên đây là toàn bộ thông tin chi tiết về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Nếu bạn có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến cấu thành tội phạm, hình phạt khi vi phạm quy định kinh doanh đa cấp, xin vui lòng liên hệ thông qua hotline 0386579303 hoặc gửi tin nhắn qua Zalo để được luật sư tư vấn của Luật Kiến Việt hỗ trợ một cách nhanh chóng.