1. Công ty luật và điều kiện thành lập
Theo quy định của Luật Luật sư thì tổ chức hành nghề luật sư gồm:
– Văn phòng luật sư (VPLS).
– Công ty luật. Trong đó Công ty luật bao gồm: công ty luật TNHH 1 thành viên, công ty luật TNHH 2 thành viên trở lên, công ty luật hợp danh.
Theo quy định của Luật Luật sư, để thành lập được tổ chức hành nghề luật sư thì phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ theo quy định, cụ thể:
– Luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề Luật sư trước hết phải là luật sư (đã có thẻ hành nghề của Liên đoàn luật sư Việt Nam), có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức.
– Tổ chức hành nghề luật sư phải có trụ sở làm việc (phải nộp đầy đủ hồ sơ chứng minh khi thành lập như Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, hợp đồng thuê địa điểm…).
Việc đăng ký Công ty luật được thực hiện ở Sở Tư pháp (thay vì Sở Kế hoạch và Đầu tư như doanh nghiệp thông thường).
2. Phạm vi hoạt động của công ty luật
Theo Luật Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư được phép hoạt động trong các lĩnh vực, công việc sau:
– Tham gia tố tụng;
– Tư vấn pháp luật;
– Đại diện ngoài tố tụng để thực hiện các công việc liên quan tới pháp luật;
– Thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo quy định pháp luật.
3. Dịch vụ pháp lý là ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Luật sư và Nghị quyết 65 của Quốc hội ban hành năm 2006 về thi hành Luật Luật sư thì lĩnh vực mà công ty luật được phép hoạt động như đã nêu ở trên là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tức tổ chức, cá nhân muốn đăng ký và kinh doanh bất kỳ một trong bốn lĩnh vực được nêu trên ở mục 2 thì phải đáp ứng điều kiện.
Trước đây có một thời gian, Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã xảy ra tranh cãi về điều kiện đăng ký ngành nghề liên quan tới dịch vụ pháp lý. Cuộc tranh cãi này xuất phát từ Công văn 1736 của Bộ KH&ĐT gửi Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 3-2017 để hướng dẫn việc đăng ký kinh doanh nhóm ngành, nghề hoạt động pháp luật cho Công ty Thuận Thiên. Theo đó, công ty có thể đăng ký kinh doanh hoạt động pháp luật qua hệ thống đăng ký kinh doanh của Sở KH&ĐT. Hướng dẫn như vậy là xung đột với thông lệ từ khi có Luật LS 2006 cùng các văn bản liên quan. Theo đó, các ngành nghề này phải đăng ký tại Sở Tư pháp với một số điều kiện chặt chẽ, dưới hình thức tổ chức hành nghề LS.
Cuối cùng theo chủ trì và kết luận của Chính phủ thì Bộ KH&ĐT đã thực hiện không đúng và sau đó Bộ KH&ĐT phải ra Công văn số 4750 ngày 23/7/2020 hướng dẫn các Sở KH&ĐT ở các tỉnh không được đăng ký cho các doanh nghiệp kinh doanh 4 lĩnh vực/hoạt động của Công ty luật. Theo đó khi có tổ chức, cá nhân đăng ký thì phải hướng dẫn thành lập ở Sở Tư pháp và đáp ứng điều kiện của Luật Luật sư như đã nêu ở trên.
Như vậy đồng nghĩa với việc theo quy định pháp luật và giấy phép đăng ký kinh doanh/hoạt động, chỉ Công ty luật hoặc VPLS mới được đăng ký và kinh doanh, cung cấp dịch vụ pháp lý.
4. Phân biệt Công ty luật và công ty thông thường không có chức năng kinh doanh dịch vụ pháp lý
Tuy nhiên trên thị trường hiện nay có nhiều công ty (hoạt động theo luật doanh nghiệp) không phải là công ty luật hoặc VPLS (tạm gọi là công ty thông thường) cũng đang kinh doanh và cung cấp dịch vụ pháp lý (hoặc tương tự dịch vụ pháp lý). Điều này không những là không đúng với quy định pháp luật, mà còn có nhiều nguy cơ không đảm bảo về giấy tờ, thủ tục và chất lượng…nhưng làm sao để người dân, khách hàng có thể phân biệt đâu là Công ty luật, đâu là công ty thông thường không có chức năng kinh doanh dịch vụ pháp lý?. Có một số điểm sau để các bạn có thể phân biệt.
Qua tên gọi:
Đối với công ty thông thường thì tên gọi sẽ là “Công ty TNHH” hoặc “Công ty hợp danh”. Còn đối với tổ chức hành nghề luật sư, cụm từ “ CÔNG TY LUẬT” là liên tục và cấu thành tên gọi hợp pháp của tổ chức hành nghề luật sư, sau đó mới tới TNHH hoặc hợp danh. Như vậy nếu một công ty mà có tên gọi dạng “ Công ty TNHH”, “ Công ty hợp danh” thì không phải là công ty luật, cho dù ngay sau đó mang bất kỳ tên gì.
Ví dụ: Công ty TNHH luật ABC, Công ty TNHH tư vấn luật ABC, Công ty TNHH dịch vụ pháp lý ABC….thì đều không phải là Công ty luật. Việt đặt tên như vậy chỉ nhằm gây hiểu nhầm cho khách hàng và muốn cung cấp dịch vụ pháp lý khi chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư.
Việc nhận biết tên công ty có thể xem thông qua các hình thức như xem quảng cáo, báo giá, hợp đồng, hóa đơn, mẫu dấu…của công ty đang cung cấp dịch vụ.
Tên gọi và nơi cấp của Giấy phép đăng ký:
Trong trường hợp công ty cung cấp dịch vụ có cung cấp thông tin hoặc giấy phép, thì khách hàng có thể dựa vào tên gọi hoặc hình thức của giấy phép và cơ quan cấp phép để xác định. Cụ thể, nếu giấy phép với tên gọi “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” hoặc “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” và do Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp thì đó là doanh nghiệp thông thường, không phải công ty luật. Giấy phép của công ty luật phải mang tên “ Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng luật sư, Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên” hoặc “ Giấy đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hai thành viên”. Nơi cấp giấy là Sở Tư pháp thay vì Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Phạm vi hoạt động:
Do không thể tham gia tố tụng nên công ty thông thường không thể cử luật sư hoặc nhân sự để tham gia bào chữa cho bị can/bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại trong vụ án HÌNH SỰ hoặc với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người liên quan) trong vụ án dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình…Trong khi Công ty luật có quyền cử luật sư của mình để tham gia các vụ án bằng việc gửi Đơn cử luật sư và hồ sơ tới các cơ quan tố tụng (Tòa án, Công an, Viện kiểm sát…). Các công ty không phải công ty luật thường chỉ hoạt động trong một số lĩnh vực như xin giấy phép, thực hiện thủ tục hành chính, hoặc tham gia vụ án dân sự ở Tòa án bằng cách nhận ủy quyền với tư cách cá nhân theo quy định của Bộ luật dân sự. Các công ty thông thường cũng không thể ký hợp đồng và không xuất hóa đơn dịch vụ pháp lý hoặc tư vấn luật.
Số đăng ký, Mã số thuế, Mẫu dấu:
– Ngoài ra khách hàng cũng có thể nhận biết thông qua một số thông tin, giấy tờ nếu được cung cấp hoặc nhìn thấy như:
+ Số đăng ký và Mã số thuế: Đối với công ty thông thường (trong nước) đăng ký ở Sở Kế hoạch và Đầu tư thì hiện nay mã số doanh nghiệp và mã số thuế là một. Tuy nhiên đối với công ty luật, số đăng ký ở Sở Tư pháp và mã số thuế ở Cục thuế là hai số khác nhau.
+ Mẫu dấu: Đối với công ty thông thường đăng ký theo Luật Doanh nghiệp thì hiện nay được tự quyết định số lượng, mẫu dấu của mình và không còn phải đăng ký quản lý ở cơ quan Công an. Tuy nhiên đối với Công ty luật thì mẫu dấu vẫn được đăng ký ở cơ quan Công an và số lượng, mẫu dấu phải tuân theo quy định. Do đó nếu mẫu dấu của công ty cung cấp dịch vụ không theo mẫu dấu thông thường như trước đây hoặc không cung cấp được giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu của cơ quan công an thì đó cũng không phải là Công ty luật.
Công ty luật TNHH Kiến Việt là hãng luật được cấp phép hoạt động của Sở Tư pháp Tp Hồ Chí Minh, Công ty có đầy đủ tư cách hành nghề luật sư để tư vấn và cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân trong nước cũng như Khách hàng nước ngoài. Chúng tôi cam kết cung cấp kết quả là các dịch vụ pháp lý và giải pháp một cách tối ưu cho Khách hàng.