Giải quyết tranh chấp hợp đồng cho vay đóng vai trò quan trọng để các bên kịp thời bảo đảm quyền về tài sản của mình. Tranh chấp hợp đồng vay phát sinh do thường được xây dựng dựa trên sự tín nhiệm giữa các bên, khi giao kết hợp đồng không có các biện pháp phòng ngừa rủi ro dẫn đến bên cho vay có thể bị mất vốn. Bài viết này sẽ đi sâu vào phân tích các nguyên nhân phổ biến dẫn đến tranh chấp, đồng thời trình bày các phương thức, trình tự thủ tục để giải quyết loại tranh chấp này.
Giải quyết tranh chấp hợp đồng vay
Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp về hợp đồng cho vay
Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp về hợp đồng cho vay có thể kể đến như:
Hợp đồng thiếu chặt chẽ
- Hợp đồng không đúng về mặt chủ thể do người không có thẩm quyền, năng lực pháp lý ký kết.
- Thỏa thuận bằng miệng và thiếu bên thứ ba làm chứng dẫn đến khó khăn trong việc xác định bên vay đã nhận tiền/tài sản hay chưa, đặc biệt là khi cho vay bằng tiền mặt và không có giấy giao nhận
- Hợp đồng không rõ ràng, cụ thể, thiếu tính thực tế: Việc sử dụng ngôn ngữ mơ hồ, diễn đạt không chính xác trong hợp đồng có thể dẫn đến hiểu lầm, tranh cãi về nghĩa vụ, quyền lợi của các bên. Ngoài ra nếu hợp đồng không phù hợp với năng lực tài chính của bên vay, điều kiện thực tế của thị trường sẽ dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện
Các bên vi phạm hợp đồng
- Bên vay không thực hiện đúng các nghĩa vụ như: trả nợ gốc, lãi đúng hạn, cung cấp tài sản bảo đảm,…
- Bên cho vay thu lãi suất cao bất hợp lý, không giải ngân đúng thời hạn, yêu cầu bên vay trả tài sản trước thời hạn,…
- Một bên hoặc cả hai bên có hành vi lừa đảo, gian dối trong quá trình giao kết hoặc thực hiện hợp đồng
Các nguyên nhân khách quan
- Thiên tai, dịch bệnh: Các yếu tố bất ngờ này có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của bên vay, dẫn đến tranh chấp với bên cho vay
- Biến động lãi suất, tỷ giá hối đoái,… có thể khiến cho việc thực hiện hợp đồng trở nên khó khăn mà các bên thiếu thiện chí đàm phán, thỏa hiệp để giải quyết mâu thuẫn thì có thể sẽ khiến sự việc nghiêm trọng hơn khi một trong hai bên tiến hành khởi kiện.
- Việc ban hành luật mới hoặc sửa đổi luật hiện hành có thể ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, dẫn đến tranh chấp
Phương thức giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay
Thương lượng
Đây là phương thức giải quyết tranh chấp đầu tiên được áp dụng nếu xảy ra tranh chấp. Phương thức này tiết kiệm chi phí, nhanh chóng và giúp đảm bảo hòa khí của các bên tham gia hợp đồng tuy nhiên chỉ có thể áp dụng nếu các bên thiện chí, tự nguyện áp dụng.
Hòa giải
Đây là phương thức có sự tham gia của người thứ ba là bên trung lập nhưng bên thứ ba không đóng vai trò phân định ai đúng ai sai mà chỉ giúp các bên thương lượng tìm ra lợi ích chung. Tương tự như thương lượng, hòa giải chỉ có thể được áp dụng dựa trên sự tự nguyện của các bên.
Tòa án
Khi không thể giải quyết tranh chấp thông qua phương thức thương lượng hay hòa giải, các bên có thể nộp đơn khởi kiện để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Quyết định của Tòa án sẽ mang tính cưỡng chế thi hành, đảm bảo các bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên việc giải quyết tranh chấp hợp đồng cho vay tại Tòa án thường tốn nhiều thời gian và đánh mất hòa khí giữa các bên.
Trình tự, thủ tục khởi kiện giải quyết tranh chấp về hợp đồng cho vay
Khởi kiện giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay
Tranh chấp về hợp đồng vay là tranh chấp hợp đồng dân sự nên theo khoản 3 Điều 26 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này. Ngoài ra, dựa trên hợp đồng hoặc sự thỏa thuận của các bên bằng văn bản, đương sự có thể lựa chọn Tòa án nơi nguyên đơn cư trú để giải quyết tranh chấp.
Hồ sơ khởi kiện
Hồ sơ khởi kiện giải quyết tranh chấp về hợp đồng cho vay bao gồm:
- Đơn khởi kiện theo mẫu 23-DS được ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP
- CCCD/CMND/Hộ chiếu của người khởi kiện
- Hợp đồng vay hoặc các văn bản tài liệu có giá trị như một giao dịch vay tài sản
- Tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc cho vay.
Trình tự, thủ tục khởi kiện
- Bước 1: nộp đơn khởi kiện và các tài liệu liên quan tại Tòa án có thẩm quyền theo phương thức nộp trực tiếp, gửi đến Tòa án thông qua dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án
- Bước 2: Tòa án tiếp nhận đơn, hồ sơ khởi kiện và tiến hành xem xét đơn khởi kiện và các tài liệu liên quan để quyết định có thụ lý vụ án hay không. Nếu đơn khởi kiện đủ điều kiện thụ lý, Tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí. Căn cứ vào thông báo này, cá nhân hoặc tổ chức khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí tại Cơ quan Thi hành án. Trong trường hợp cần sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện hoặc đơn khởi kiện không đủ điều kiện để giải quyết, Tòa án sẽ thông báo cho người khởi kiện.
- Bước 3: đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo và nộp lại biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án. Sau đó Tòa án ra quyết định thụ lý vụ án và gửi thông báo thụ lý cho đương sự và Viện kiểm sát.
- Bước 4: sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ, lời khai của các bên và những người liên quan, Tòa án sẽ tiến hành đưa vụ án ra xét xử và đưa ra phán quyết. Nếu không đồng ý với bản án sơ thẩm, thì một trong hai bên tranh chấp có quyền làm đơn kháng cáo để được Tòa án giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
Thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay
Thời hiệu khởi kiện:
- 03 năm kể từ ngày người cho vay biết hoặc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm (ví dụ: khi đến hạn thanh toán mà bên vay chưa trả)
- Không áp dụng đối với khoản nợ gốc (do thuộc trường hợp bảo vệ quyền sở hữu)
Ngoại lệ:
- Thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại từ đầu nếu: Bên vay thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ, bên vay thực hiện một phần nghĩa vụ; các bên tự hòa giải
- Tòa án chỉ áp dụng thời hiệu khi có yêu cầu trước khi ra bản án/quyết định giải quyết vụ việc
- Không áp dụng thời hiệu nếu không có yêu cầu hoặc yêu cầu không đúng thời hạn
Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp về hợp đồng cho vay
Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng cho vay
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng cho vay, hãy liên hệ với luật sư để được hỗ trợ:
- Luật sư xem xét thông tin khách hàng cung cấp, phân tích kỹ lưỡng và xác định nguyên nhân tranh chấp, đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng và khả năng giải quyết vụ việc
- Luật sư giúp khách hàng thu thập, chuẩn bị hồ sơ, các giấy tờ pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền lợi của khách hàng
- Tư vấn các nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của các bên theo quy định của hợp đồng và pháp luật
- Giải thích các điều khoản phức tạp trong hợp đồng và giúp thân chủ hiểu rõ nội dung của hợp đồng
- Dựa trên phân tích vụ việc và hiểu biết pháp luật, luật sư sẽ tư vấn cho thân chủ các phương án giải quyết tranh chấp phù hợp
- Đại diện theo ủy quyền, thay mặt khách hàng tham gia tố tụng, thực hiện các công việc pháp lý, làm việc với cơ quan có thẩm quyền, để thực hiện việc giải quyết tranh chấp hợp đồng cho vay
- Giúp bạn thực hiện các thủ tục thi hành án, phối hợp với cơ quan thi hành án để đảm bảo bản án được thi hành đúng theo quy định của pháp luật
Tham khảo thêm: Dịch vụ luật sư tố tụng
Tranh chấp hợp đồng cho vay là tranh chấp dân sự rất thường gặp và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro pháp lý. Nắm rõ những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn khi thực hiện hợp đồng vay và các phương thức, trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp sẽ giúp bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp hiệu quả, góp phần đảm bảo cho các bên tham gia giao kết giữ mối quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững. Nếu Quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc nào khác liên quan đến hợp đồng cho vay, xin vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn thông qua hotline 0386579303 để được hỗ trợ một cách nhanh chóng.