Làm thế nào để trở thành giảng viên luật?

 

icon Giảng viên luật là gì?

lam the nao de tro thanh giang vien luat

 

Cách đây 30 năm, cả nước chỉ có 4 cơ sở đào tạo về luật thì đến đầu năm 2020 lên tới 91 cơ sở (trong đó có 34 cơ sở ngoài công lập) được đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trình độ ĐH về luật. Do đó Giảng viên luật đang trở thành một nghề trong xã hội và ngày một đông đảo.

Giảng viên là người đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy và đào tạo thuộc một chuyên ngành đào tạo của trường đại học hoặc cao đẳng.

 Theo Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chức danh giảng dạy được chia thành 4 loại: Giảng viên cao cấp, giảng viên chính, giảng viên và trợ giảng. Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên.

Theo đó, giảng viên luật là người được tuyển dụng nhằm thực hiện công việc giảng dạy ở bậc cao đẳng và đại học, chuyên ngành luật, là người có nền tảng kiến thức pháp luật tốt, có sự đầu tư và nghiên cứu pháp luật, lý luận chuyên sâu.

icon Các công việc của giảng viên luật

Công việc của giảng viên luật tại các trường đại học, cao đẳng gồm:

*Nhiệm vụ giảng dạy:

– Đảm nhận việc nghiên cứu cứu về bộ môn cũng như tìm hiểu về các chuyên đề giảng dạy đã được phân công. Xây dựng các kế hoạch giảng dạy, thiết kế tài liệu phục vụ cho quá trình giảng dạy của bản thân.

– Giảng dạy truyền đạt kiến thức cho sinh viên cũng như hỗ trợ sinh viên trong việc tự học, tự nghiên cứu, các công trình kiến thức khoa học.

– Tham gia công tác đánh giá về kết quả học tập của sinh viên cũng như việc đánh    giá hiệu quả giảng dạy của bản thân.

*Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học:

– Tham gia nghiên cứu khoa học để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, biên soạn các tài liệu giảng dạy, tài liệu tham khảo nhằm phục vụ cũng như cải tiến quá trình giảng dạy.

– Tham gia viết các bài đăng tạp chí về pháp luật, chuyên đề giảng dạy, viết báo cáo về chuyên đề cũng như tham dự các hội thảo về pháp luật để thảo luận.

*Nhiệm vụ bồi dưỡng và nâng cao trình độ:

Vì luật nói chung là một chuyên ngành đòi hỏi cần có sự đầu tư nghiên cứu chuyên sâu và cập nhập hiệu quả nên giảng viên luật phải luôn nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân, lý luận chính trị và các kỹ năng bổ trợ khác.

icon Điều kiện để trở thành một giảng viên luật

Hiện nay nghề giảng viên Luật phụ thuộc vào tiêu chí tuyển dụng của các trường đại học có đào tào ngành Luật. Nhưng trước hết thì người muốn trở thành giảng viên luật phải đáp ứng đủ một số điều kiện chung để trở thành giảng viên trước.

– Có bằng Thạc sĩ ngành Luật trở lên;

– Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên;

– Có trình độ ngoại ngữ và tin học đạt chuẩn theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT và Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT.

– Một số điều kiện khác như: Về tuổi: từ 18 tuổi trở lên; Có đủ sức khỏe làm việc, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm, hình thức và tác phong phù hợp với nhà giáo

Trên thực tế thì mỗi trường đại học sẽ có các quy định riêng về điều kiện để trở thành giảng viên trường đó, ví dụ tại trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thì tiêu chuẩn về giảng viên như sau:

_ Tiêu chuẩn chung:

+ Về tuổi: từ 18 tuổi trở lên;

+ Có đơn dự tuyển, lý lịch rõ ràng, hồ sơ đầy đủ, hợp lệ;

+ Có đủ sức khỏe làm việc, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm, hình thức và tác phong phù hợp với nhà giáo;

+ Có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (còn giá trị) thuộc một trong các ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, Đức hoặc tương đương bậc 3 Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam trở lên.

+ Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản trở lên;

+ Có hoặc đang học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm;

+ Giấy tờ chứng minh thâm niên công tác giảng dạy và NCKH (nếu có).

_ Tiêu chuẩn cụ thể: Có bằng tốt nghiệp từ thạc sĩ Luật học trở lên, có bằng tốt nghiệp đại học thuộc loại Khá trở lên; có đầy đủ bảng điểm (đại học và sau đại học) phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ dự tuyển.

icon

Quy trình để trở thành giảng viên luật

Bước 1: Có bằng cử nhân luật và tốt nghiệp với bằng khá trở lên

Học sinh sau khi hoàn thành chương trình Phổ thông, cần vào học một trường đại học chuyên ngành luật và tốt nghiệp để lấy bằng Cử nhân luật với bằng khá trở lên. Thời gian đào tạo hiện nay vào khoảng 4 năm.

Ngoài ra nếu sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc thường được ở lại trường ngay để làm trợ giảng và học lên thạc sỹ.

Bước 2: Đăng ký và vượt qua bài thi tuyển chọn thạc sĩ

Khi có tấm bằng cử nhân luật, cử nhân luật cần đăng ký thi tuyển để được vào học Thạc sĩ ở các cơ sở được cấp phép đào tạo sau Đại học như: Đại học Luật Hà Nội, ĐH Luật TPHCM, ĐH Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế Luật TPHCM, ĐH Kinh tế TPHCM ,…

Bài thi tuyển chọn sẽ bao gồm các môn thi cơ bản, môn chủ chốt của ngành và môn ngoại ngữ. Tùy cơ sở đào tạo mà hình thức của bài thi sẽ khác nhau.

Bước 3: Đăng ký học chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên

Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm là chứng chỉ dành cho những học viên có nhu cầu làm giáo viên, giảng viên nhưng chưa được học qua các cơ sở chuyên ngành thuộc khối sư phạm.

Trong quá trình học thạc sĩ ở cơ sở đào tạo luật thì bạn có thể đăng ký học song song và lấy chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nhằm phục vụ công việc giảng dạy của mình sau này, địa điểm đăng ký gồm: Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học sư phạm TP.HCM,…

Bước 4: Làm và bảo vệ luận văn thạc sĩ,

Sau khóa đào tạo 02 năm, học viên sẽ làm và bảo vệ luận văn thạc sĩ của mình. Luận văn thạc sĩ luật là kết quả phân tích nghiên cứu được viết bởi chính học viên và chưa được công bố trong bất kỳ công trình khoa học nào khác. Quá trình viết và bảo vệ đề tài được thực hiện theo các bước: Đăng ký đề tài, giao đề tài, xây dựng đề cương, bảo vệ đề cương, thực hiện viết hoàn thành luận văn thạc sĩ, nộp luận văn và phân công thẩm định trước bảo vệ và cuối cùng là bảo vệ luận văn.

Bảo vệ luận văn thành công bạn sẽ cấp bằng thạc sĩ luật bởi cơ sở Đào tạo đã theo học

Bước 5: Vượt qua kỳ thi tuyển của cơ sở đào tạo luật để trở thành giảng viên luật

Sau khi có bằng thạc sỹ, bạn có thể được giữ lại làm giảng viên cho chính cơ sở Đào tạo này hoặc tham gia thi tuyển vào một ngôi trường, cơ sở Đào tạo luật khác để thực hiện ước mơ làm giảng viên của mình.

Ví dụ tại trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thì người xin việc phải đáp ứng các điều kiện đã nêu ở mục hai và thi xét tuyển theo 2 vòng sau:

_ Vòng 1: Kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dư tuyển;

_ Vòng 2: Kiểm tra, sát hạch: Điểm kiểm tra sát hạch theo thang điểm 100, thời gian phỏng vấn là 30 phút, thời gian giảng thử thực hành do Hiệu trưởng Nhà trường quyết định.

Để trúng tuyển thì phải có điểm kiểm tra sát hạch từ 50 điểm trở lên và ở vị trí cao hơn theo thứ tự từ trên xuống thấp trong phạm vi tiêu chí tuyển dụng của từng vị trí việc làm.

Làm thế nào để trở thành giảng viên luật?

icon Triển vọng và khó khăn của nghề giảng viên luật

Triển vọng:

  • Hiện nay một số trường Đại học đang rất cần đội ngũ giảng viên có năng lực giảng dạy về pháp luật chung, luật chuyên ngành. Do đó nhu cầu giảng viên ngành luật ngày một tăng, cơ hội việc làm cao;
  • Một công việc mang tính ổn định, luôn nhận được sự tôn trọng của mọi người xung quanh;
  • Càng có nhiều vấn đề xã hội nên cần nhiều bộ luật, nhiều quy định pháp luật mới và phức tạp cần đưa vào giảng dạy, làm tăng cơ hội việc làm cho giảng viên luật;
  • Cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ thông tin của Việt Nam ngày càng được hiện đại hóa giúp cho việc giảng dạy của giảng viên được hiệu quả hơn, thuận lợi hơn;

Khó khăn:

  • Mức lương khởi điểm thấp, giảng viên đa số phải làm thêm, dạy thêm ở ngoài. Đối với một công việc phải bỏ nhiều chất xám và tâm huyết thì mức lương hiện tại của giảng viên là chưa thực sự xứng đáng với những gì họ cố gắng;
  • Chưa có chế độ khuyến khích giảng viên trẻ nghiên cứu nâng cao năng lực chuyên môn: Giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ chính của giảng viên. Tuy nhiên các đề tài nghiên cứu khoa học thường tập trung cho các thầy có học hàm, học vị, thâm niên công tác trong nghề. Giảng viên trẻ chưa có nhiều cơ hội để tham gia học hỏi nâng cao chuyên môn của mình.
  • Nhân lực trong ngành giảng viên càng ngày càng nhiều nên mức động cạnh tranh cũng không kém phần khốc liệt so với các ngành khác;
  • Ngày nay nhiều quy định pháp luật phức tạp, việc giảng dạy cho sinh viên thông hiểu cũng khá khó khăn;
  • Cơ chế quản lý còn nhiều bất cập, tình trạng bè phái, lợi ích cá nhân, trù dập cá nhân vẫn còn xảy ra ở các cơ sở giáo dục làm cho những người tài giỏi, có tâm huyết chán nản, bỏ nghề ra làm các công việc khác với mức thu nhập cao và tự do hơn hoặc tình trạng xáo trộn nhân sự của các cơ sở đào tạo luật.

Scores: 4.1 (11 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Kiến Việt

Chức vụ: Công ty Luật Kiến Việt

Lĩnh vực tư vấn: Công ty Luật Kiến Việt đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ luật sư tư vấn và thực hiện thủ tục pháp lý chuyên nghiệp, uy tín trong các lĩnh vực về đất đai, bất động sản, doanh nghiệp đầu tư, đấu thầu xây dựng, tranh tụng vụ án dân sự, ly hôn, tranh chấp đất đai, tranh chấp thừa kế, dịch vụ luật sư hình sự, luật sư bào chữa, kháng cáo..

Trình độ đào tạo: Đại học Luật TP.HCM, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 679 bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *