Khi có tranh chấp dân sự, cá nhân hoặc tổ chức có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền. Đơn khởi kiện là loại tài liệu bắt buộc, cùng với các giấy tờ khác kèm theo, mà nguyên đơn phải lập để gửi Tòa án.
Theo đó, Trong Đơn khởi kiện phải thể hiện các nội dung như sau:
- Tiêu ngữ và ngày tháng năm làm Đơn;
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
- Thông tin về người khởi kiện, bao gồm: tên, nơi cư trú, làm việc nếu người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
- Thông tin về người bị kiện: Tên, địa chỉ nơi đang cư trú, làm việc của bị đơn hoặc nơi cư trú, làm việc cuối cùng của bị đơn;
- Thông tin về người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc, bao gồm: tên, nơi cư trú, làm việc nếu người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
- Nội dung trình bày: Ngoài ra, khi chuẩn bị đơn khởi kiện cần chú ý trình bày được nội dung tranh chấp, yêu cầu khởi kiện theo trật tư logic, có thể tham khảo bố cục sau:
– Tóm tắt các tình tiết về nội dung vụ việc tranh chấp dân sự;
– Tóm tắt các tình tiết về quá trình tranh chấp và giải quyết tranh chấp ngoài tòa án (tiền tố tụng) nếu có;
– Trình bày các yêu cầu để Tòa án giải quyết: tùy thuộc vào từng loại tranh chấp và mong muốn của đương sự để ghi rõ từng yêu cầu cụ thể đề nghị Tòa án giải quyết; Ví dụ: Yêu cầu trả lại tài sản, phân chia di sản thừa kế, xác nhận quyền sở hữu, yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu,….
Mẫu Đơn khởi kiện trong tranh chấp dân sự
Trong một số trường hợp, người khởi kiện do chưa hiểu biết về pháp luật có thể đưa ra những yêu cầu không phù hợp với quy định của pháp luật hoặc không đảm bảo được lợi ích của mình. Ví dụ: Trường hợp, Tòa án trả lại đơn khởi kiện do người khởi kiện không có quyền khởi kiện, vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, không đủ cơ sở để khởi kiện, không có hồ sơ kèm theo…Vì vậy, trong quá trình soạn thảo đơn khởi kiện, người khởi kiện cần thuê hoặc tham khảo ý kiến tư vấn của Luật sư hoặc cơ quan trợ giúp pháp lý nhằm tránh trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện hoặc thụ lý yêu cầu khởi kiện không thỏa mãn mong muốn của nguyên đơn
Kèm theo đơn khởi kiện, người khởi kiện cần chuẩn bị các giấy tờ, tờ liệu chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm, (liệt kê tên tài liệu, loại tài liệu). Ví dụ: Giấy tờ tùy thân (CMND, Hộ khẩu) của người khởi kiện, giấy tờ chứng minh về tài sản…