Nhìn từ văn bản hạn chế quyền nhận đất nông nghiệp của UBND huyện Cần Đước

 

Tác giả: Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Tôi vừa thấy văn bản này trên một group về bất động sản. Trong văn bản này, UBND huyện Cần Đước yêu cầu Trung tâm hành chính công không tiếp nhận hồ sơ người ngoài địa phương nhận đất nông nghiệp khi chưa có ý kiến của Hội đồng thẩm định huyện, Hội đồng thẩm định của UBND cấp xã. Tôi cũng nghe nói các huyện của tỉnh Long An (nhất là giáp TP HCM) đều làm như vậy. Nếu thật sự như vậy thì đây là quy định trái luật của (các) huyện này, đặt ra thêm điều kiện, thủ tục cho công dân so với quy định của Quốc Hội và Chính phủ. Bởi:

Nhìn từ văn bản hạn chế quyền nhận đất nông nghiệp của UBND huyện Cần Đước

 

1. Theo quy định của Luật Đất đai 2013 (Điều 10) thì nhóm đất nông nghiệp gồm nhiều loại đất: Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; Đất trồng cây lâu năm; Đất rừng sản xuất; Đất rừng phòng hộ; Đất rừng đặc dụng; Đất nuôi trồng thủy sản; Đất làm muối; Đất nông nghiệp khác (làm nhà kính, chăn nuôi, ươm giống…).

2. Về điều kiện nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp trong Luật Đất đai, tôi chỉ tìm thấy ba quy định ràng buộc:

Thứ nhất, Đất trồng lúa: Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa (K3, Đ 191)

– Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó (K 30, Đ 3).

– Theo hướng dẫn của NĐ 01/2017 thì việc xác nhận nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận hộ gia đinh, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp.

Như vậy một người có hộ khẩu ngoài huyện Cần Đước vẫn có quyền nhận (mua, nhận tặng cho) đất trồng lúa tại huyện Cần Đước nếu có văn bản xác nhận của UBND xã nơi họ có hộ khẩu thường trú xác nhận họ là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp. Trên thực tế từ trước đến nay mọi người vẫn mua được đất lúa ở các địa phương nếu có văn bản này.

Thứ hai, Đất rừng: Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó (K4, Đ 191).

 Thứ ba, hạn mức nhận đất nông nghiệp: Văn bản có nhắc tới việc “đứng tên số lượng lớn đất”. Về việc này, Luật Đất đai đã có quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp. Nếu họ đứng tên nhưng vẫn trong hạn mức luật cho phép thì không vấn đề gì. Nếu ngoài hạn mức thì cũng đã có quy định (chuyển qua thuê…). Chẳng lẽ vì địa phương không có dữ liệu, không quản lý được nên hạn chế luôn quyền của tất cả mọi người?

– Ngoài các ràng buộc điều kiện trên, tôi chưa tìm thấy điều kiện hạn chế khác trong việc cá nhân nhận/mua đất nông nghiệp.

> Như vậy UBND huyện Cần Đước ra văn bản không tiếp nhận hồ sơ người ngoài địa phương nhận ĐẤT NÔNG NGHIỆP (tức gồm nhiều loại đất như cây lâu năm, hàng năm khác…) khi chưa có ý kiến của Hội đồng thẩm định huyện, Hội đồng thẩm định của UBND cấp xã là quy định thêm điều kiện, thủ tục cho người dân, hạn chế quyền mua, nhận tài sản của công dân. Không thể vì việc không quản lý được mà địa phương hạn chế quyền của công dân mà Luật đã quy định. Nên nhớ ở Việt Nam các địa phương không được quyền ra luật, điều mà chỉ có Quốc hội được ban hành. Ngay cả Chính phủ cũng chỉ được quyền hướng dẫn chi tiết các luật của Quốc hội (cũng không được trái luật).

>> Nhưng thực tế thời gian qua rất nhiều địa phương, cơ quan ra nhiều văn bản cấm, hạn chế, đặt thêm điều kiện cho các quyền của công dân (như đi lại, quyền làm thủ tục, quyền mua tài sản…). Từ quy định của luật, qua mỗi cấp quản lý (Chính phủ, tỉnh, huyện, xã) lại quy định thêm điều kiện, thủ tục, giấy tờ cho người dân. Điều này lại tiếp tục đặt ra cơ chế về việc bảo vệ Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam. Một nhà nước pháp quyền trước hết các cơ quan nhà nước phải là nơi tuân thủ Hiến pháp và Luật.

 

Scores: 4.7 (14 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Kiến Việt

Chức vụ: Công ty Luật Kiến Việt

Lĩnh vực tư vấn: Công ty Luật Kiến Việt đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ luật sư tư vấn và thực hiện thủ tục pháp lý chuyên nghiệp, uy tín trong các lĩnh vực về đất đai, bất động sản, doanh nghiệp đầu tư, đấu thầu xây dựng, tranh tụng vụ án dân sự, ly hôn, tranh chấp đất đai, tranh chấp thừa kế, dịch vụ luật sư hình sự, luật sư bào chữa, kháng cáo..

Trình độ đào tạo: Đại học Luật TP.HCM, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 654 bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *