Hợp đồng kinh tế xuất hiện rất nhiều và khá quen thuộc đối với các doanh nghiệp hiện nay. Đây có thể xem là minh chứng cho sự liên kết giữa các chủ thể trong quan hệ kinh doanh. Vì vậy, để giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hợp đồng kinh tế, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Công ty Luật Kiến Việt chúng tôi.
Hợp đồng kinh tế theo quy định pháp luật
Hợp đồng kinh tế là gì?
Theo như quy định hiện nay của Bộ luật Dân sự 2015, thì không còn dùng khái niệm hợp đồng kinh tế. Tuy nhiên, có thể dựa vào quy định cũ của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989 để chúng ta có thể hiểu hơn về hợp đồng kinh tế. Theo đó, hợp đồng kinh tế là sự thoả thuận giữa các bên về việc thực hiện:
- Công việc sản xuất
- Trao đổi hàng hóa, dịch vụ
- Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật
- Các thỏa thuận khác có mục đích kinh doanh với sự quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên vì mục tiêu lợi nhuận.
Và tuỳ vào chủ thể ký kết hợp đồng kinh tế cũng như nội dung thỏa thuận mà đây có thể được gọi là hợp đồng thương mại, hợp đồng dân sự, hợp đồng xây dựng, hợp đồng mua bán hay hợp đồng đầu tư…
Thông qua hợp đồng kinh tế, mà các bên sẽ ghi nhận những giao dịch mua bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ tuỳ theo thoả thuận của các bên. Từ đó, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các bên khi tham gia hợp đồng kinh tế.
>> Có thể bạn quan tâm: Phạt vi phạm hợp đồng như thế nào?
Đặc điểm của hợp đồng kinh tế
Theo như tham khảo về Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế 1989, hợp đồng kinh tế có các đặc điểm như sau:
- Mục đích: gắn liền với hoạt động kinh doanh. Hợp đồng kinh tế sẽ gắn với các hoạt động mua bán, sản xuất, hoặc việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các chủ thể với nhau và trong hoạt động đó, một bên ký hợp đồng phải có mục đích kinh doanh để sinh lợi nhuận.
- Chủ thể hợp đồng: một bên phải là pháp nhân, bên còn lại có thể là cá nhân có đăng ký kinh doanh hoặc là pháp nhân theo quy định. Nội dung hợp đồng kinh tế đã giao kết phải phù hợp với lĩnh vực, hoạt động ngành nghề kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước.
- Hình thức: bắt buộc phải được thực hiện bằng văn bản hoặc các tài liệu chứng minh giao dịch và phải có chữ ký xác nhận của các bên về điều khoản, nội dung 02 bên đã thoả thuận dưới các hình thức khác nhau như qua công văn, thư điện tử, điện báo…
Có những loại hợp đồng kinh tế nào?
Trên thực tế, có thể nảy sinh rất nhiều quan hệ kinh tế giữa các đơn vị kinh tế, đòi hỏi có nhiều loại hợp đồng kinh tế khác nhau. Theo như hiện nay, có thể kể đến các loại hợp đồng kinh tế như:
- Hợp đồng mua bán hàng hoá;
- Hợp đồng ngoại thương;
- Hợp đồng uỷ thác xuất nhập khẩu;
- Hợp đồng kinh tế dịch vụ;
- Hợp đồng chuyển giao công nghệ;
- Hợp đồng gia công đặt hàng;
- Hợp đồng liên doanh liên kết
- Hợp đồng hợp tác kinh doanh…
- …
Mỗi loại hợp đồng đều có những đặc tính riêng, được pháp luật quy định cụ thể nhằm phân biệt với những loại hợp đồng khác.
Những lưu ý khi soạn thảo hợp đồng kinh tế
Vì việc giao kết hợp đồng là cơ sở để ràng buộc các bên về quyền và nghĩa vụ hợp pháp cũng như hiểu để bảo vệ quyền lợi của mình nên cần tìm hiểu kỹ những lưu ý khi soạn thảo hợp đồng. Vậy, khi soạn thảo hợp đồng kinh tế, cần lưu ý những điểm sau:
Đối tượng hợp đồng
Đối tượng hợp đồng là cơ sở để xác lập và thực hiện hợp đồng. Nên các bên cần tìm hiểu xem đối tượng hợp đồng của mình là tài sản hay dịch vụ, có đủ điều kiện để giao dịch hay chưa, thuộc sở hữu của người bán hay chưa…
Hình thức của hợp đồng
Hợp đồng là sự thoả thuận của các bên trên cơ sở nguyên tắc đạo đức và thượng tôn pháp luật. Vì vậy, pháp luật quy định hợp đồng có thể giao kết bằng miệng hoặc bằng văn bản tuỳ vào từng loại giao dịch trong hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, việc giao kết hợp đồng bằng miệng có thể dẫn đến những tranh chấp, nhầm lẫn khi không có bất cứ chứng từ hay giấy tờ nào liên quan đến giao dịch của các bên. Bên cạnh đó, một số loại hợp đồng còn quy định các bên phải công chứng, chứng thực các giấy tờ thì hợp đồng đó mới có hiệu lực và phù hợp quy định pháp luật.
Vì vậy, khi giao kết hợp đồng và soạn thảo hợp đồng, các bên cần tìm hiểu kỹ về hình thức hợp đồng mà mình tham gia, để thực hiện đúng quy định pháp luật về hợp đồng đó.
Nội dung và hiệu lực của hợp đồng
Nội dung hợp đồng do các bên tự thỏa thuận trên nguyên tắc tự do ý chí, bình đẳng với nhau. Cần phải sử dụng từ ngữ chặt chẽ, đầy đủ nội dung, không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
Hiệu lực của hợp đồng sẽ làm phát sinh trách nhiệm của các bên. Vì vậy, việc xác định hiệu lực của hợp đồng là vô cùng quan trọng. Theo quy định tại Điều 401 Bộ luật dân sự 2015 thì hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại
Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm và mức phạt vi phạm do các bên tự thoả thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, việc phạt vi phạm áp dụng khi các bên có thoả thuận và nếu muốn áp dụng chế tài này, các bên cần phải quy định rõ ràng trong hợp đồng.
Vì phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại là hai chế tài khác nên các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạt vừa phải chịu bồi thường thiệt hại. Vì vậy, cần phải căn cứ vào quy định pháp luật và các điều khoản quy định trong hợp đồng do các bên ký kết để thực hiện chế tài cho phù hợp nếu có vi phạm xảy ra.
Cơ sở pháp lý: Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015.
Điều kiện chấm dứt hợp đồng và đơn phương chấm dứt hợp đồng
Theo quy định tại Điều 422 Bộ luật Dân sự 2015, các trường hợp chấm dứt hợp đồng gồm:
- Hợp đồng đã được hoàn thành;
- Theo thỏa thuận của các bên;
- Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
- Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
- Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn;
- Hợp đồng chấm dứt theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật này;
- Trường hợp khác do luật quy định.
Căn cứ theo Điều 428 Bộ luật Dân sự, ta có trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng sau:
- Nếu một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác thì bên kia có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại.
Vậy, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng là một chế tài cho phép bên bị vi phạm được chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với bên vi phạm. Cần lưu ý rằng việc đơn phương chấm dứt hợp đồng phải được thông báo ngay cho bên vi phạm biết, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
>> Xem thêm: Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của bên sử dụng lao động
Dịch vụ luật sư soạn thảo hợp đồng kinh tế
Dịch vụ luật sư soạn thảo hợp đồng kinh tế
Như vậy, với những tư vấn trên của chúng tôi, quý anh/chị đã hiểu rõ hơn về hợp đồng kinh tế cũng như các lưu ý khi giao kết hợp đồng kinh tế. Tuy nhiên, việc giao kết hợp đồng kinh tế hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn nếu chúng ta không hiểu rõ quy định pháp luật. Vì vậy, Công ty Luật Kiến Việt chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật hợp đồng cho quý anh/chị. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan, xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi.
Thông tin liên hệ Công ty Luật Kiến Việt:
Liên hệ qua Website: https://luatkienviet.com/
Liên hệ qua điện thoại: 0386 579 303
Liên hệ qua Email: contact@luatkienviet.com
Liên hệ qua Facebook: https://www.facebook.com/luatkienviet
Liên hệ trực tiếp tại địa chỉ công ty.