Tôi quan sát thấy có một nhận thức khá là sai lầm về pháp luật của nhiều người, ít nhất là qua những thể hiện, ý kiến của họ trên mạng xã hội. Nhiều người khi có tranh chấp, lùm xùm gì đó (nhất là liên quan tới sự xâm phạm tới tiền bạc) thì cho rằng người vi phạm sẽ, phải đi tù (tức là hình sự). Mà không biết rằng đó hoàn toàn hoặc chí ít có thể chỉ là tranh chấp dân sự.
Tôi từng nhìn thấy có người còm trong một vụ lùm xùm rằng: không cần biết, cứ vi phạm thỏa thuận hợp đồng là vi phạm pháp luật, là phải đi tù. Nếu như vậy thì có lẽ các tòa án kinh tế, dân sự, trọng tài thương mại sẽ phải dẹp bỏ vì không có việc làm.
Hoặc ví dụ khác: hai bên đã ký hợp đồng nhận cọc để mua bán đất, nhưng hai bên mâu thuẫn không tiếp tục ký mua bán. Sau đó bên bán nhận cọc mới hoặc ký hợp đồng bán đất cho người mới. Nhiều người trong giới bất động sản cho rằng đó là hình sự về tội lừa đảo. Tôi thì cho rằng đó đơn thuần là tranh chấp dân sự về hợp đồng (đặt cọc). Vì giữa hai bên mới là hợp đồng đặt cọc, chưa phải hợp mua bán, không phải trường hợp bán đất cho nhiều người. Nhiều người hay suy nghĩ rằng ký đặt cọc đã là mua bán, hoặc chắc suất là đã mua bán nên vô tư “bán” tiếp cho người khác. Thực tế các tòa án địa phương vẫn đang giải quyết rất nhiều các tranh chấp đặt cọc như vậy, nhất là trong thời gian sốt đất vừa qua.
Hoặc những tranh chấp giữa các chủ đầu tư dự án bất động sản (đúng nghĩa có lập dự án) và những người mua thời gian qua rất nhiều, kể cả khi chưa đủ điều kiện mở bán (ở dạng hợp đồng góp vốn hoặc đặt cọc) hoặc khi đã đủ điều kiện (đã có hợp đồng mua bán) thì đều có tranh chấp. Thường người mua hay đi tố công an chủ đầu tư lừa đảo. Nhưng đa số đều được coi là tranh chấp dân sự, vì giữa hai bên đã tồn tại một thỏa thuận hợp đồng và hai bên đồng ý với điều đó. Kể cả khi chủ đầu tư vi phạm hợp đồng hay dây dưa giải quyết, hoặc khách hàng cho rằng bị lừa dối (nhưng không có chứng cứ, văn bản rõ ràng về điều này). Chỉ trong một số ít trường hợp như chủ đầu tư bỏ trốn, hoặc một căn hộ bán có nhiều người thì thời gian qua mới bị khởi tố…
Hoặc một ví dụ điển hình, thường gặp khác là việc cho vay tiền, sau đó người vay không (thể) trả nợ. Nhiều người (ban đầu hoặc sau khi xảy ra) có suy nghĩ rằng không trả nợ là phải đi tù. Tuy nhiên thực tế nhiều con nợ vẫn sống phây phây. Ngược lại nếu chủ nợ đánh đập hoặc siết đồ con nợ, lại mới dính vào hình sự. Vì hành vi vay nợ, không trả (được) nợ không đương nhiên là hành vi hình sự. nếu con nợ không bỏ trốn hoặc không lừa dối, gian dối ban đầu, mà dưới vỏ bọc không còn khả năng trả nợ thì đó chỉ là tranh chấp dân sự về vay, nợ tài sản. Các tòa án dân sự vẫn nhận đơn khởi kiện hàng ngày.
Chính vì sai lầm trong suy nghĩ như vậy dẫn tới một điều rủi ro cho chính họ và nhiều người ở chỗ: ban đầu khi thực hiện giao dịch, khi đầu tư làm ăn, họ không thực hiện các biện pháp bảo đảm cần thiết, không chặt chẽ trong kiểm tra, soạn thảo, ký kết hay thực hiện hợp đồng. Vì vốn dĩ họ mặc định rằng bên kia không dám làm gì vi phạm vì “sẽ bị đi tù”. Ở thế ngược lại, một số người có ý định xấu thì nghiên cứu kỹ về các quy định pháp luật và kẻ hở pháp luật, trong quản lý hoặc dễ dãi của người dân (thậm chí tham khảo trước với luật sư) để thực hiện cho mục đích lợi dụng, chiếm đoạt tài sản người khác. Thế nên nhiều vụ xảy ra, thì “nạn nhân” ở thế khó và yếu. Thay vì đi khởi kiện thì họ buộc giăng băng rôn biểu tình ngoài đường, tố trên mạng, hoặc mang đơn tố giác khắp nơi với hi vọng thành án hình sự…