Tìm hiểu về nghề Thẩm phán ở Việt Nam

Trong bài viết này, Công ty luật Kiến Việt sẽ giới thiệu cho các bạn tìm hiểu về nghề Thẩm phán để giúp các bạn trẻ, các bạn học sinh sinh viên hiểu hơn về nghề này ở Việt Nam.

Tìm hiểu về nghề Thẩm phán ở Việt Nam

Khái niệm thẩm phán

– Thẩm phán là người được bổ nhiệm và làm trong cơ quan là Tòa án để làm nhiệm vụ xét xử giải quyết những vụ án và những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Quy định về chức danh thẩm phán

– Các ngạch của thẩm phán bao gồm:

a) Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

b) Thẩm phán cao cấp

c) Thẩm phán trung cấp

d) Thẩm phán sơ cấp

(Khoản 1 Điều 66 Luật tổ chức toà án nhân dân 2014)

– Hiện nay, thẩm phán làm việc theo nhiệm kì 5 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại thì nhiệm kì tiếp theo có nhiệm kì 10 năm theo quy định tại Điều 74 Luật tổ chức toà án nhân dân.

– Thẩm phán làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án Toà án. Khi phải xét xử độc lập không theo sự chỉ đạo hay phân công của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào thì thẩm phán phải là người chịu trách nhiệm với những gì mình phán quyết.

Tiêu chuẩn trở thành thẩm phán

Tiêu chuẩn chung trở thành thẩm phán

– Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ Quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực

– Có trình độ cử nhân Luật trở lên

– Đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử

– Có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật

– Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao

Tiêu chuẩn riêng đối với từng ngạch thẩm phán

Tiêu chuẩn riêng đối với từng ngạch được dựa theo thâm niên trong nghề và năng lực nghề nghiệp (Điều 68,69 Luật tổ chức toà án nhân dân 2014)

– Đối với thẩm phán sơ cấp: phải có thâm niên công tác pháp luật từ 5 năm trở lên, có năng lực xét xử, đã trúng tuyển kì thi tuyển chọn thẩm phán sơ cấp.

– Đối với thẩm phán trung cấp: phải có thâm niên thẩm phán sơ cấp từ đủ 5 năm trở lên hoặc kinh nghiệm công tác pháp luật từ 13 năm trở lên, có năng lực xét xử, đã trúng tuyển kì thi tuyển chọn vào ngạch thẩm phán trung cấp.

– Đối với thẩm phán cao cấp: phải có thâm niên thẩm phán trung cấp từ đủ 5 năm trở lên hoặc thời gian làm công tác pháp luật từ 18 năm trở lên, có năng lực xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án dân dân các cấp hoặc tòa án quân sự trung ương, đã trúng tuyển kì thi tuyển chọn vào ngạch thẩm phán cao cấp.

– Đối với thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: phải có thâm niên thẩm phán cao cấp từ đủ 5 năm trở lên và có năng lực xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao. Người không công tác tại các Tòa án nhưng giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương, am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao hoặc là những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức và có uy tín cao trong xã hội, có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của luật tố tụng thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Như vậy, tiêu chuẩn riêng đối với từng ngạch thẩm phán thường chú trọng tới thâm niên làm việc trong nghề cũng như năng lực nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết có thể tuyển chọn người chưa có thâm niên thẩm phán nhưng có thâm niên công tác pháp luật hoặc trong trường hợp cần thiết liên quan tới sắp xếp chức vụ lãnh đạo của bất kì tòa án nào hay bổ nhiệm chức danh thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì ứng viên thẩm phán thậm chí không cần có thâm niên về công tác pháp luật.

Nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán

Khi được phân công giải quyết vụ án hình sự thẩm phán có những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

+ Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên toà;

+ Tham gia xét xử các vụ án hình sự ;

+ Tiến hành các hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử;

+ Tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án.

Khi được phân công làm chủ toạ phiên toà ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn trên thì thẩm phán còn được làm những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

+ Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ biện pháp tạm giam;

+ Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

+ Quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án;

+ Điều hành việc xét xử vụ án, tranh tụng tại phiên tòa;

+ Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định; yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản;

+ Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật;

+ Quyết định triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa;

+ Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án theo quy định của Bộ luật này.

– Những việc thẩm phán không được làm:

+ Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm;

+ Tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án hoặc những việc khác không đúng quy định của pháp luật;

+ Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án;

+ Đem hồ sơ vụ án hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ án ra khỏi cơ quan, nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền;

+ Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định.

Quy trình để trở thành Thẩm phán 

Để trở thành một thẩm phán phải trải qua 4 bước:

Bước 1: Đang là Thư ký Toà án

Để trở thành thư ký toà án bạn phải có bằng tốt nghiệp đại học từ các trường đào tạo về chuyên ngành Luật hoặc Học viện tòa án.  Hiện nay sinh viên Học viện tòa án có thể học khóa đào tạo nghiệp vụ thư ký ở trong trường do đó sau khi tốt nghiệp đã có chứng chỉ đào tạo thư ký và được tham dự kỳ thi xét tuyển vào ngành tòa án.

Sau đó thi đậu kì thi tuyển công chức vào ngành Toà án và được bổ nhiệm chức danh Thư ký toà án. Sau khi trở thành thư ký toà án thì phải phấn đấu và cố gắng để được đi học lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử đồng thời phải trở thành 1 Đảng viên Đảng cộng sản.

Bước 2: Hoàn thành khoá đào tạo nghiệp vụ xét xử

Bạn phải có chứng chỉ về đào tạo nghiệp vụ xét xử do cơ quan có chức năng đào tạo nghiệp vụ xét xử, nếu có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ xét xử ở nước ngoài thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận chứng chỉ đó.

Sau khi làm việc và công tác với vai trò thư ký toà án, bạn được cử đi học khoá đào tạo nghiệp vụ xét xử (Thời gian đào tạo: 6 tháng) .

Điều kiện được cử đi học đào tạo nghiệp vụ xét xử:

– Có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 04 năm trở lên.

– Có trình độ cử nhân Luật hệ chính quy (đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện biên giới, hải đảo thì Thủ trưởng đơn vị căn cứ điều kiện cụ thể báo cáo Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định).

– Thời gian công tác còn lại ít nhất 7 năm tính từ ngày được cử đi học.

– Có ít nhất 3 năm liền kề năm được cử đi học hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác.

– Đảm bảo các yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức, chuyên môn và là nguồn để dự thi tuyển chọn Thẩm phán.

Bước 3: Trúng tuyển vào kì thi chọn làm Thẩm phán sơ cấp

Sau khi hoàn thành khoá đào tạo nghiệp vụ xét xử, bạn cần phải thi tuyển chọn làm Thẩm phán sơ cấp và tình hình tuyển chọn phụ thuộc vào từng đơn vị Toà án. Tuy nhiên, quy chế hoạt động của Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sẽ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định.

Bước 4:  Nộp hồ sơ và được bổ nhiệm trở thành Thẩm phán sơ cấp

Hồ sơ cá nhân đề nghị bổ nhiệm thẩm phán sơ cấp bao gồm:

1. Đơn tình nguyện làm Thẩm phán theo mẫu;

2. Sơ yếu lý lịch theo mẫu;

3. Bản kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu;

4. Bản sao các văn bằng, chứng chỉ (có chứng thực hợp pháp), gồm: Bằng tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Luật; chứng chỉ đào tạo Nghiệp vụ xét xử; chứng chỉ trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn, thi nâng ngạch Thẩm phán; các văn bằng, chứng chỉ khác liên quan đến công tác tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán (nếu có);

5. Bản tự kiểm Điểm theo mẫu;

6. Bản nhận xét, đánh giá của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị theo mẫu do Tòa án nhân dân tối cao ban hành kèm theo Quy định này;

7. Biên bản và kết quả phiếu giới thiệu của cơ quan, đơn vị đối với người được đề nghị tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán theo mẫu do Tòa án nhân dân tối cao ban hành;

8. Ý kiến bằng văn bản của cấp ủy cùng cấp về việc bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp. Đối với các trường hợp được bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp từ nguồn cán bộ ở các đơn vị của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao thì lấy nhận xét, đánh giá của Ban Chi ủy chi bộ mà người đó sinh hoạt.

Theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp. Khi có được quyết định bổ nhiệm thẩm phán của Chủ tịch nước thì lúc đó bạn mới chính thức trở thành thẩm phán.

(Điều 14 Quyết định số 866/QĐ- TANDTC)

Những thuận lợi, khó khăn khi trở thành thẩm phán

Thuận lợi:

– Thẩm phán là người nhân danh nhà nước để quyết định một người có phạm tội hay không và ra 1 bản án để trừng trị kẻ phạm tội bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của công dân.

– Tích luỹ và xây dựng cho mình những kinh nghiệm và phương pháp giải quyết công việc một cách chính xác cũng như có thể vượt qua được áp lực công việc.

– Khi xét xử 1 phiên toà làm nghề thẩm phán biết thêm được nhiều câu chuyện phía sau tại sao bị cáo hay nguyên đơn họ lại hành động như vậy.

– Trong cuộc hoà giải, thẩm phán là người trung gian phân tích và chỉ rõ cho các đương sự biết mục đích tại sao phải hoà giải. Nếu đối thoại, đàm phán thành công thì không cần mở phiên toà xét xử giúp hai bên hiểu rõ được lỗi sai của mình.

Khó khăn:

– Đầu tiên, để trở thành thẩm phán phải trải qua rất nhiều cuộc thi để được lựa chọn trở thành thẩm phán và đòi hỏi 1 người muốn trở thành thẩm phán không ngừng nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp, đạo đức tốt để không lạm dụng quyền lực gây tổn hại đến xã hội và không làm thay đổi phán quyết.

Hiện nay đời sống kinh tế, xã hội phát triển đa dạng, nhiều tranh chấp trước đây chưa từng có đã xuất hiện, tội phạm hình sự cũng phức tạp hơn trước rất nhiều… đòi hỏi Thẩm phán phải không ngừng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nắm bắt được những thay đổi lớn trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Nếu họ không cập nhật kiến thức, cập nhật thông tin thì khi giải quyết vụ án dễ dẫn đến sai lầm. Thẩm phán rõ ràng không chỉ nắm vững pháp luật đơn thuần, chưa kể hệ thống pháp luật ngày càng đồ sộ, nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Áp lực nâng cao năng lực đối với Thẩm phán cũng không nhỏ.

– Thứ hai, áp lực nghề nghiệp luôn là điều mà ai khi trở thành thẩm phán phải chịu được áp lực công việc. Trong 6 tháng đầu năm 2018, ở Toà án TPHCM đã phải giải quyết cho gần 20 người nghỉ việc vì áp lực công việc quá lớn. Vì vậy, khi bước chân trở thành thẩm phán không phải ai cũng chịu đựng được áp lực công việc và trung bình mỗi tháng thẩm phán phải xử lý là 10 vụ.

– Thứ ba, khó khăn áp lực của thẩm phán còn đến từ phía đương sự. Thực tế có những có vụ án hình sự có tổ chức, thẩm phán còn bị đe doạ uy hiếp bởi chính đương sự của mình. Hiện nay, đã có thẩm phán bị trả thù bởi những đương sự bị thua kiện điều này ảnh hưởng đến tính mạng gia đình của thẩm phán.

– Thứ tư, chất lượng xét xử giải quyết vụ án vì không có nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ, vụ án dẫn đến chất lượng xét xử không tốt, hậu quả không tốt có thể xảy ra nếu phán quyết sai. Trước hết là quy định ngày càng chặt chẽ, mức độ đòi hỏi ngày càng cao mà ngành Tòa án đặt ra, Thẩm phán xét xử sai có thể bị phê bình, tạm đình chỉ, đình chỉ công tác xét xử, không được tái bổ nhiệm khi hết nhiệm kỳ, tùy theo tính chất mức độ sai phạm.

Kết luận:

Trên đây là tất cả những nội dung cũng như quá trình trở thành một thẩm phán. Thẩm phán chính là người được nhân danh Nhà nước để xét xử những vụ án. Thẩm phán được làm nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân chính vì vậy họ được nhân dân tôn trọng và kính mến. Do đó, khi được bổ nhiệm chức danh Thẩm phán là niềm tự hào, là mục tiêu mà hầu hết các công chức trong ngành Tòa án đều phấn đấu để đạt được và khi đạt được họ càng phải nỗ lực không ngừng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với sự nỗ lực đó họ cũng phải vượt qua được áp lực của công việc mới gắn bó được lâu dài trong ngành Toà án.

Scores: 4.1 (14 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Kiến Việt

Chức vụ: Công ty Luật Kiến Việt

Lĩnh vực tư vấn: Công ty Luật Kiến Việt đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ luật sư tư vấn và thực hiện thủ tục pháp lý chuyên nghiệp, uy tín trong các lĩnh vực về đất đai, bất động sản, doanh nghiệp đầu tư, đấu thầu xây dựng, tranh tụng vụ án dân sự, ly hôn, tranh chấp đất đai, tranh chấp thừa kế, dịch vụ luật sư hình sự, luật sư bào chữa, kháng cáo..

Trình độ đào tạo: Đại học Luật TP.HCM, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 631 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *