Tôi đang giải quyết một vài vụ tranh chấp đặt cọc cho khách hàng. Các vụ án đều có một đặc điểm chung là dù mới là hợp đồng đặt cọc nhưng các bên lại coi giống như mua bán rồi, nên cho phép bên mua (bên đặt cọc) làm, đầu tư trên đất như làm đường, làm đất, xây nhà…nhưng sau đó phát sinh chuyện này chuyện kia, bên này đổ lỗi bên kia làm cho việc công chứng hợp đồng mua bán, chuyển nhượng không thành. Thành ra tranh chấp.
Mà tranh chấp đặt cọc nhiều người nghĩ đơn giản nhưng thực tế nhiều khi không phải vậy. Khi giải quyết tranh chấp có nhiều vấn đề phải xem xét và giải quyết như:
- Nội dung hợp đồng có rõ ràng hoặc đúng thoả thuận thực tế giữa các bên hay không vì hợp đồng cọc thường do người dân soạn, không được đầy đủ và đúng.
- Hợp đồng cọc có hiệu lực hay không? vì để giải quyết theo nội dung các bên đã ghi hoặc phạt được cọc thì hợp đồng phải có hiệu lực.
- Có bao nhiêu lỗi, bên nào lỗi, lỗi nào mới là dẫn đến việc các bên không tiếp tục chuyển nhượng?
- Trong quá trình thực hiện thực tế các bên có thay đổi nội dung đã thoả thuận hay không?
- Chứng cứ chứng minh lỗi có không?
- Các khoản tiền, tài sản bên đặt cọc đã bỏ ra liên quan tới đất giải quyết sao? Vì chế tài của hợp đồng đặt cọc chỉ là bắt trả hay phạt tiền, không thể yêu cầu giao đất như hợp đồng mua bán, chuyển nhượng..v.v..
Hình luật sư Đỗ Thanh Lâm tham gia một phiên tòa tranh chấp hợp đồng đặt cọc. Luật sư Đỗ Thanh Lâm bảo vệ cho nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn hoàn trả tiền đặt cọc và tiền đầu tư vào đất. Chiều muộn mới xong phiên sơ thẩm. Hội đồng xét xử đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu nguyên đơn. Coi như thắng lợi bước đầu.