Những bất cập trong đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp, bài 1: Bị người khác đăng ký doanh nghiệp

Những bất cập trong đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp

Bài 1: “Bị” người khác thành lập doanh nghiệp

Để khuyến khích khởi nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, nhà nước những năm gần đây đã đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh tối đa. Tuy nhiên việc đơn giản quá mức thủ tục và Chính phủ (mà đứng đầu chịu trách nhiệm là Bộ Kế hoạch & Đầu tư) đã có vẻ không lường trước được các vấn đề phát sinh trên thực tế và đã tạo các “lỗ hổng” trong quy định, quy trình. Hệ quả là việc quản lý hoạt động của doanh nghiệp và kinh doanh của nhà nước bị buông lỏng, người dân phải chịu các hệ quả không mong muốn.

Trong loạt bài này, luật sư Đỗ Thanh Lâm sẽ chỉ ra các bất cập, lỗ hổng cơ bản trong việc đăng ký kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp và hệ lụy.

  1. Tự nhiên là chủ doanh nghiệp từ trên trời rơi xuống

Bỗng một ngày xấu trời bạn được biết mình là chủ /người đại diện theo pháp luật của một doanh nghiệp nào đó và bị cơ quan thuế hoãn xuất cảnh hoặc truy thu nhiều khoản thuế khác do bị nợ thuế mặc dù bạn không hề thành lập doanh nghiệp nào như vậy. Sau khi thành lập một doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đóng lệ phí môn bài theo mức cố định hàng năm (1-3 triệu/năm) và kê khai thuế hàng quý, năm và đóng các khoản thuế nếu phát sinh và nhiều trách nhiệm khác. Nếu không hoàn thành các nghĩa vụ trên, thuế có thể phạt, truy thu, cấm xuất cảnh…ngoài ra doanh nghiệp còn có thể thực hiện nhiều hoạt động bất hợp pháp khác như rửa tiền, ký hợp đồng, nợ nần…do đó nếu bị người khác đăng ký doanh nghiệp không phải của mình là điều hết sức rủi ro và gặp rắc rối.

Bạn liên hệ cơ quan đăng ký kinh doanh (Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT nay thuộc Sở Tài chính) làm văn bản tường trình sự việc để yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan này cho rằng bạn tự kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và chịu trách nhiệm về các thông tin kê khai. Đơn vị này đề nghị trong trường hợp nội dung đăng ký doanh nghiệp là giả mạo, bạn phải liên hệ công an để giải quyết. Đồng thời họ yêu cầu bạn cung cấp văn bản xác nhận của cơ quan công an về việc hồ sơ thành lập công ty là giả mạo thì mới có thể tiến hành các thủ tục thu hồi đăng ký doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hành trình đi tìm văn bản xác nhận này kéo dài mà vẫn chưa có kết quả. Bạn đã nhiều lần tìm đến các cơ quan công an nhưng tất cả các nơi tiếp nhận thông tin nhưng không lập biên bản hoặc cho rằng “chưa thuộc thẩm quyền xử lý”.

Đây là tình cảnh trớ trêu của anh Vỹ trong bài báo của Tuổi trẻ và cũng có thể là bất kỳ ai trong chúng ta vào một ngày “xấu trời” nào đó.

Xem link: https://tuoitre.vn/mot-nguoi-o-tp-hcm-bi-cam-xuat-canh-vi-bong-dung-lam-giam-doc-cong-ty-tren-troi-roi-xuong-20250407080541971.htm?fbclid=IwY2xjawJgj5tleHRuA2FlbQIxMAABHqjruCH8mE6ZvNi74XMpWAD3cfVkhW6-nnQp24GCbrViWWnVk84_h1Yi2bwO_aem_wGgiYYYNcHAVpqcNKC9ylQ

  1. Nguyên nhân “Bị” Thành lập doanh nghiệp: Thiếu cơ chế thẩm định, xác định chữ ký trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

Chắc hẳn nhiều bạn sẽ thấy ngạc nhiên về tình huống trên, thậm chí còn cho rằng sao có thể như thế được?

Nhưng với tư cách là người từng làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp thì mình khẳng định hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng trên. Để các bạn hiểu, mình xin giải thích như sau:

– Hồ sơ thành lập 1 doanh nghiệp tùy thuộc từng loại hình doanh nghiệp nhưng đại loại gồm có: Đơn đăng ký, điều lệ, danh sách thành viên/chủ sở hữu, bản sao y CCCD của chủ sở hữu và người đại diện theo pháp luật. Các giấy tờ chỉ cần điền đúng, có đủ chữ ký là ok. Trường hợp người đại diện theo pháp luật không trực tiếp làm thủ tục có thể ủy quyền cho người khác.

Tuy nhiên cơ quan đăng ký kinh doanh lại không yêu cầu xác thực các chữ ký trên hồ sơ đăng ký, thay đổi đăng ký doanh nghiệp có phải là chữ ký thực của chính chủ hay không, kể cả giấy ủy quyền đi làm thủ tục cũng KHÔNG CẦN CÔNG CHỨNG, CHỨNG THỰC hoặc không cần trực tiếp ký trước mặt cán bộ. Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ cần đủ giấy tờ, giấy tờ kê khai đúng, có chữ ký là đủ, còn chữ ký đó có phải của “chính chủ” hay không thì không được xác thực. Cơ quan đăng ký kinh doanh viện dẫn quy định (nghị định 01 của Chính phủ) không được yêu cầu thêm điều kiện hoặc giấy tờ.

Không những khi đăng ký thành lập mới công ty, nhiều trường trong quá trình hoạt động doanh nghiệp cũng có tranh chấp nội bộ do các cổ đông, thành viên quản lý của công ty cho rằng việc thay đổi đăng ký kinh doanh là không đúng, họ không hề ký hồ sơ.

Vì thế nếu một người xấu muốn thành lập một doanh nghiệp đứng tên người khác là điều có thể. Vì họ chỉ cần có được một bản sao y Căn cước công dân/ Hộ chiếu của người khác là đủ bộ hồ sơ và đăng ký được doanh nghiệp đứng tên người khác với việc giả chữ ký người có giấy tờ. Mà việc có được bản sao y Căn cước công dân/ Hộ chiếu của người khác là điều không khó. Người dân phải cung cấp sao y CCCD trong nhiều thủ tục, hoặc đơn thuần nhặt được sao y/bản chính CCCD là điều bình thường.

Các chữ ký trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp không hề được chứng thực hoặc thẩm định chữ ký, kể cả giấy ủy quyền cử người khác đi làm hồ sơ

  1. Ý kiến luật sư

Thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (thay đổi cổ đông, người đại diện theo pháp luật, tỷ lệ vốn góp…) là việc quan trọng của một người, của việc khởi nghiệp. Thủ tục này là rất quan trọng vì từ đó sẽ làm thay đổi các quyền, nghĩa vụ quan trọng của các thành viên/cổ đông công ty. Doanh nghiệp khi được thành lập sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và được tham gia vào các giao dịch trong xã hội. Do đó nhà nước không thể “đơn giản hóa” đến mức quá mức, không thẩm định/xác thực độ xác thực và ý chí của các chủ thể thành lập nên doanh nghiệp, của người đại diện theo pháp luật. Việc để người khác thành lập doanh nghiệp và giả mạo hồ sơ, chữ ký của người khác tại cơ quan đăng ký kinh doanh là lỗi của nhà nước.

Do đó Chính phủ phải thay đổi các quy định và quy trình đăng ký doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh theo hướng xác thực hồ sơ, chữ ký trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng một trong các hình thức sau:

– Chứng thực chữ ký trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp;

– Những người ký trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải được ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh;

– Ký qua chữ ký số chính chủ theo quy trình chặt chẽ.

Có như thế mới mong không xảy ra tình trạng đăng ký “doanh nghiệp ma”.

Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Scores: 4.4 (15 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Chức vụ: Giám Đốc Điều Hành

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Bất Động Sản, Dự Án Đầu Tư, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Dân sự, HNGĐ, Lao Động, Hợp Đồng, Hình Sự, Hành Chính và tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp, tranh tụng...

Trình độ đào tạo: Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 603 bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *