Trọng tài viên, người giải quyết tranh chấp thương mại

Ngày nay trong các tranh chấp thương mại, Trọng tài thương mại là cơ quan giải quyết tranh chấp ngày càng được các bên lựa chọn. Việc giải quyết tranh chấp thương mại ở cơ quan Trọng tài thương mại sẽ do các Trọng tài viên cụ thể giải quyết. Qua bài viết này, công ty luật Kiến Việt sẽ giới thiệu với các bạn về người Trọng tài viên

Trọng tài viên, người giải quyết tranh chấp thương mại

Trọng tài viên là gì?

Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010.

(Khoản 5 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010).

Có thể hiểu, khi xảy ra tranh chấp mà các bên thỏa thuận giải quyết bằng Trọng tài thì khi đó, các bên trong tranh chấp sẽ lựa chọn Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên sẽ được chỉ định để đứng ra giải quyết tranh chấp này. Trọng tài viên sẽ là người làm việc theo yêu cầu của các bên đương sự có tranh chấp.

Trọng tài viên là những người nắm giữ vai trò quan trọng nhất, trực tiếp tác động đến tính công bằng và chính xác của phán quyết, đến quyền lợi của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Do đó, Trọng tài viên khi giải quyết tranh chấp phải dựa trên nguyên tắc độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.

Các công việc của Trọng tài viên

Nhiệm vụ của Trọng tài viên là đứng ra giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các bên, làm chấm dứt những bất đồng, xung đột giữa các bên và Trọng tài viên khi giải quyết một tranh chấp sẽ đưa ra một quyết định buộc các bên phải thực hiện.

Theo quy định tại Điều 39 Luật Trọng tài thương mại 2010, khi xảy ra tranh chấp và được giải quyết bằng Trọng tài thì Hội đồng trọng tài sẽ được thành lập, gồm một hoặc nhiều Trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên, và thực hiện các công việc cần thiết để giải quyết tranh chấp, cụ thể:

– Gặp và trao đổi với các bên trong tranh chấp để làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến vụ tranh chấp. Tự mình hoặc theo yêu cầu của các bên tìm hiểu sự việc với người thứ ba. (Điều 40 Luật Trọng tài thương mại 2010)

– Thực hiện các công việc cần thiết cho việc giải quyết tranh chấp như : Thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp ; trưng cầu giám định, định giá tài sản trong vụ tranh chấp để làm căn cứ giải quyết cho vụ tranh chấp ; tham vấn ý kiến của các chuyên gia ; triệu tập người làm chứng tại phiên họp giải quyết tranh chấp. (Điều 46, Điều 47 Luật Trọng tài thương mại 2010)

– Áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu thấy cần thiết, bổ sung, thay đổi, hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. (Điều 49, Điều 51 Luật Trọng tài thương mại 2010)

– Mở phiên họp giải quyết tranh chấp, tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Đưa ra phán quyết trọng tài đối với vụ tranh chấp đang giải quyết. (Điều 55, Điều 58 và Điều 60 Luật Trọng tài thương mại 2010)

Trọng tài viên, người giải quyết tranh chấp thương mại

Để giải quyết bằng trọng tài, trong hợp đồng các bên phải thỏa thuận lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là trọng tài thương mại

Điều kiện để trở thành Trọng tài viên

Theo Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010, để trở thành Trọng tài viên cần đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau:

– Có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự;

– Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên;

– Trong trường hợp đặc biệt, các chuyên gia tuy không đáp ứng được yêu cầu phải có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành học từ 5 năm trở lên, nhưng có trình độ chuyên môn cao và có kinh nghiệm thực tiễn cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên.

– Ngoài ra, Trung tâm trọng tài cũng có thể yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn so với các yêu cầu trên đối với Trọng tài viên của tổ chức mình.

Bên cạnh đó, có những người tuy đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để trở thành Trọng tài viên nhưng nếu những người đó thuộc một trong các trường hợp sau thì không được trở thành Trọng tài viên:

– Những người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án;

– Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.

Theo Điều lệ VIAC, để trở thành Trọng tài viên cần đáp ứng các điều kiện chung cũng như điều kiện bổ sung, gồm:

Điều kiện chung:

– Thuộc độ tuổi từ 30 tuổi đến 70 tuổi;

– Tốt nghiệp đại học và đã qua thực tế theo ngành từ 8 năm trở lên, trừ trường hợp chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm;

– Cam kết giải quyết vụ việc một cách độc lập, khách quan, công bằng và nhanh chóng;

– Sẵn sàng tham gia vào các hoạt động của Trung tâm, nỗ lực cống hiến vì sự phát triển của Trung tâm.

Điều kiện bổ sung:

Ngoài các điều kiện trên, những người nộp đơn xét trở thành Trọng tài viên cần phải đáp ứng thêm một trong các điều kiện bổ sung sau:

– Đã là Trọng tài viên trong ba vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài trước đó;

– Có tên trong danh sách Trọng tài viên của một tổ chức trọng tài được công nhận trên thế giới và đã tham gia giải quyết ít nhất là một tranh chấp tại tổ chức này;

– Có giới thiệu của hiệp hội nghề nghiệp trong phạm vi toàn quốc, hoặc trường đại học hoặc viện nghiên cứu;

– Được ít nhất một thành viên trong Ban điều hành Trung tâm giới thiệu;

Việc xem xét một cá nhân làm Trọng tài viên thuộc thẩm quyền của Ban điều hành Trung tâm, không phải cá nhân nào đáp ứng đủ các điều kiện trên đều sẽ trở thành Trọng tài viên.

Quy trình để trở thành Trọng tài viên 

– Nộp hồ sơ đề nghị công nhận Trọng tài viên.

– Tham gia kiểm tra chuyên môn để công nhận Trọng tài viên.

– Qua kết quả kiểm tra chuyên môn và căn cứ điều kiện để trở thành Trọng tài viên, nếu thông qua thì sẽ được cấp thẻ Trọng tài viên.

Triển vọng và khó khăn của Trọng tài viên

Những triển vọng của Trọng tài viên:

– Hiện nay, việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài ngày càng phổ biến, do đó, nhu cầu cần có Trọng tài viên để giải quyết các tranh chấp là vô cùng cần thiết. Nguồn nhân lực Trọng tài viên vì vậy cũng trở nên quan trọng. Do vậy, với nhu cầu tìm kiếm Trọng tài viên hiện nay sẽ tạo cơ hội việc làm cho những người học những ngành có liên quan và có mong muốn công việc này.

– Hội nhập kinh tế ngày càng phát triển, do đó, các Trọng tài viên cũng có nhiều cơ hội để giao lưu, trao đổi với các Trọng tài viên nước ngoài, tiếp cận các vụ việc thực tế từ các nước nhiều hơn. Từ đó, họ được mở rộng thêm vốn kiến thức cho bản thân và góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, nâng cao chất lượng của Trọng tài viên.

Thách thức:

–  Các tranh chấp bằng trọng tài đều phải tuân thủ nguyên tắc bảo mật, do đó sẽ gây khó khăn cho các Trọng tài viên trong việc tìm hiểu kinh nghiệm qua các vụ kiện trọng tài mà mình không được tham gia. Trong khi đó, cũng không có nhiều các diễn đàn để các Trọng tài viên tham gia trao đổi, học hỏi và đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn của mình với nhau để tìm ra hướng xử lý tối ưu nhất.

– Hiện nay cũng không có nhiều đội ngũ Trọng tài viên có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn cao để giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, để đáp ứng được các yêu cầu để trở thành một Trọng tài viên cũng cần phải trải qua một thời gian dài, những người có mong muốn trở thành Trọng tài viên nếu không đáp ứng được các điều kiện sẽ cũng không thể làm Trọng tài viên được. Vì vậy mà điều kiện để trở thành Trọng tài viên tuy có thể giúp nâng cao chất lượng Trọng tài viên nhưng cũng hạn chế cho những ai có mong muốn.

– Dù việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đang rất được khuyến khích nhưng thực tế, rất ít các doanh nghiệp biết đến phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài này. Đây cũng là một hạn chế đối với các Trọng tài viên trong việc nâng cao kinh nghiệm thực tiễn của mình. Bên cạnh đó, những hạn chế về ngôn ngữ cũng có thể gây khó khăn cho các Trọng tài viên trong việc tư vấn, tham gia vào các tranh chấp có liên quan đến yếu tố nước ngoài và tiếp cận các kiến thức, thông tin bằng ngôn ngữ nước ngoài.

Scores: 5 (11 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Kiến Việt

Chức vụ: Công ty Luật Kiến Việt

Lĩnh vực tư vấn: Công ty Luật Kiến Việt đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ luật sư tư vấn và thực hiện thủ tục pháp lý chuyên nghiệp, uy tín trong các lĩnh vực về đất đai, bất động sản, doanh nghiệp đầu tư, đấu thầu xây dựng, tranh tụng vụ án dân sự, ly hôn, tranh chấp đất đai, tranh chấp thừa kế, dịch vụ luật sư hình sự, luật sư bào chữa, kháng cáo..

Trình độ đào tạo: Đại học Luật TP.HCM, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 658 bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *