Viện trưởng VKSNDTC kiến nghị hủy án ly hôn Trung Nguyên- Vụ ly hôn nghìn tỷ sẽ đi về đâu

“Vụ ly hôn nghìn tỷ”, “án phí ly hôn 9 con số” là những từ khóa ám chỉ vụ ly hôn giữa người sáng lập cà phê Trung Nguyên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Vụ việc kéo dài hơn 4 năm và tưởng chừng đã đến hồi kết bằng quyết định giám đốc thẩm của TANDTC, nhưng vừa mới đây, Viện trưởng VKSNDTC đã có kiến nghị hủy án, xét xử lại từ đầu. Vậy, đứng trước kiến nghị này, Hội đồng thẩm quán TANDTC có bắt buộc thực hiện không? Bài viết sau đây của Luật Kiến Việt sẽ trả lời câu hỏi này cho các bạn:

Tiến trình xét xử vụ ly hôn Trung Nguyên

Vụ việc ly hôn với khối tài sản chung khổng lồ cùng nhiều sự việc gây tranh cãi của ông Vũ bà Thảo bắt đầu từ 2017, trải qua nhiều tiến trình xét xử: Sau 10 lần hòa giải bất thành, vụ việc được xét xử sơ thẩm bởi TAND thành phố Hồ Chí Minh => Không đồng ý với phán quyết, bà Thảo kháng cáo, vụ việc được TAND cấp cao thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm.=> Không đồng ý, bà Thảo làm đơn yêu cầu cấp giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án. Năm 2020, VKSNDTC kháng nghị hủy hai bản án cấp sơ thẩm và phúc thẩm vì cho rằng có nhiều sai phạm =>  Năm 2021, TANDTC ra quyết định giám đốc thẩm, chia tài sản chung như sau: bà Thảo được chia 7 khu đất giá 375 tỉ đồng và hơn 1.500 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Ông Vũ nhận 6 khu đất trị giá hơn 350 tỷ đồng cùng toàn bộ cổ phần, vốn góp của hai người tại tập đoàn Trung Nguyên trị giá hơn 5.600 tỷ đồng (nhưng phải trả cho bà Thảo 1300 tỷ đồng). 

Kiến nghị hủy án, xét xử lại từ đầu của Viện trưởng VKSNDTC

VKSNDTC đề nghị hủy án ly hôn trung nguyên

Ngày 12/1/2022, Viện trưởng VKSNDTC kiến nghị hủy án, xem xét lại từ đầu vụ ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo 

Quyết định của Tòa không thể làm “hài lòng” cả 2 bên và cả “2 phe” bênh vực ông Vũ, bà Thảo và cũng gây nhiều tranh cãi trong giới luật về việc chia cổ phần tại Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Tuy nhiên, vụ việc có nguy cơ bị xét xử lại, do có kiến nghị của Viện trưởng VKSNDTC vào ngày 12/1/2022.

Theo đó, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng các bản án sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm có nhiều sai sót cũng như tồn tại nhiều điểm chưa hợp lý, cụ thể:

  • Tòa sơ thẩm sử dụng chứng thư và báo cáo định giá tài sản doanh nghiệp hết hạn làm cơ sở chia tài sản là không hợp lý.
  • Kết quả thẩm định giá chỉ dựa trên báo cáo tài chính, danh mục tài sản phía ông Vũ đưa ra, không được phía bà Thảo xác nhận nên cần định giá lại. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm đã không xem xét việc này.
  • Tòa sơ thẩm, phúc thẩm chia cho bà Thảo tiền và để ông Vũ nắm toàn bộ cổ phần là không thỏa đáng, vi phạm “quyền được kinh doanh” của bà Thảo.
  • Quyết định giám đốc thẩm nhận định: “Nếu để bà Thảo tiếp tục là cổ đông quản lý, hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ khó khăn, ảnh hưởng sự ổn định và việc làm cho hàng nghìn công nhân” bị VKSND Tối cao cho rằng “không có cơ sở”.
  • Các công ty có tranh chấp giữa vợ chồng ông Vũ đều thành lập từ năm 2006, sau 8 năm hai người kết hôn nhưng tòa án lại chia cho bà Thảo ít hơn chồng hơn 1.400 tỉ đồng là không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Thảo.
  • Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm không xem xét đầy đủ trách nhiệm của ông Vũ trong “thực hiện nghĩa vụ của người chồng” theo Luật Hôn nhân và gia đình. Do đó, cần tăng tỷ lệ % tài sản bà Thảo được chia.

Từ những phân tích trên, Viện trưởng VKSNDTC đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC hủy quyết định giám đốc thẩm cùng 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm và cho xét xử lại từ đầu.

Vụ án ly hôn Trung Nguyên sẽ đi về đâu?

vụ ly hôn nghìn tỷ sẽ đi về đâu

Đầu tiên, về cơ sở kiến nghị của Viện trưởng VKSNDTC, theo quy định tại Điều 358 BLTTDS 2015, việc xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC trong trường hợp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể thay đổi cơ bản nội dung của quyết định là một giải pháp được chấp thuận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Và nếu có bằng chứng cho việc này, Viện trưởng VKSNDTC có thẩm quyền đề nghị xem xét lại quyết định của Tòa tối cao. Tuy nhiên, nhằm tránh trường hợp thủ tục này phá vỡ nguyên tắc xét xử 2 cấp, BLTTDS 2015 có quy định nghiêm ngặt về điều kiện để xem xét lại quyết định.

Cụ thể, quy trình, thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC được quy định chi tiết tại Điều 359 BLTTDS 2015: Trong 1 tháng, kể từ ngày nhận được kiến nghị của Viện trưởng VKSNDTC thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải mở phiên họp để xem xét kiến nghị. Trong phiên họp này, Hội đồng thẩm phán sẽ thực hiện việc thẩm định xem có đủ căn cứ để xét lại vụ việc hay không: có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định không?  Theo đó, tại phiên họp, Hội đồng Thẩm phán TANDTC sẽ thảo luận và biểu quyết theo đa số về việc nhất trí hoặc không nhất trí với kiến nghị của Viện trưởng. 

 Như vậy, có thể hiểu rằng khi có kiến nghị xem xét lại bản án giám đốc thẩm vụ ly hôn Trung Nguyên của Viện trưởng VKSNDTC thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải mở phiên họp xem xét kiến nghị, nhưng không bắt buộc phải đồng ý với kiến nghị của Viện trưởng VKSNDTC. Việc bản án có bị xem xét lại hay không phụ thuộc vào tỷ lệ biểu quyết và tỷ lệ này sẽ phụ thuộc vào nhận định về vụ việc của từng thẩm phán của Hội đồng thẩm phán TANDTC. 

Cũng theo quy định tại Điều 359 BLTTDS 2015, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp, Hội đồng thẩm phán TANDTC sẽ có văn bản thông báo cho Viện trưởng VKSNDTC về việc nhất trí hoặc không nhất trí xét xử lại vụ án. 

Như vậy, vụ ly hôn nghìn tỷ đã đến hồi kết hay bị xét xử lại từ đầu? Hiện tại chúng ta vẫn chưa có câu trả lời. Nhưng theo nhận định và phán đoán của chúng tôi, Hội đồng thẩm phán TANDTC sẽ không chấp nhận kiến nghị này của Viện trưởng VKSNDTC. Cùng Luật Kiến Việt chờ xem vụ án ly hôn này sẽ đi đến đâu nhé!

Scores: 4 (15 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Chức vụ: Giám Đốc Điều Hành

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Bất Động Sản, Dự Án Đầu Tư, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Dân sự, HNGĐ, Lao Động, Hợp Đồng, Hình Sự, Hành Chính và tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp, tranh tụng...

Trình độ đào tạo: Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 521 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *