Các hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng phát triển, thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam. Vậy các doanh nghiệp nước ngoài có thể đầu tư vào Việt Nam bằng những hình thức nào? Hãy cùng công ty Luật Kiến Việt phân tích các hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bài viết dưới đây nhé: 

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được hiểu như thế nào?

Chúng ta có thể hiểu để tạo ra lợi nhuận các nhà đầu tư ở nước ngoài (doanh nghiệp hoặc cá nhân) bỏ tài sản hoặc vốn đầu tư vào Việt Nam theo những  hình thức mà pháp luật đề ra.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng được định nghĩa rõ tại Khoản 19 Điều 3 Luật đầu tư 2020 sửa đổi bổ sung năm 2022: “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh theo pháp luật Việt Nam”.

Các hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

 

Các hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Các hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Theo Điều 21 Luật Đầu tư 2020 sửa đổi bổ sung năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào Việt Nam theo 5 hình thức sau:

  • Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
  • Đầu tư góp vốn, mua cổ phần
  • Thực hiện dự án đầu tư
  • Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
  • Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế

Được quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 22 Luật đầu tư 2020 sửa đổi bổ sung 2022. 

Ưu điểm: 

  • Sau khi thành lập tổ chức kinh tế mới nhà đầu tư sẽ có tư cách pháp nhân Việt Nam. Độc lập tư cách pháp lý với nhà đầu tư, giúp họ thực hiện dễ dàng hơn các quyền của mình.
  • Không bị giới hạn quy mô. Bên cạnh đó, lợi nhuận, trách nhiệm pháp lý của công ty sẽ chia theo tỷ lệ vốn góp của mỗi bên nên đảm bảo được tính công bằng.

Nhược điểm:

  • Thủ tục phức tạp
  • Ngoài việc phải đáp ứng các thủ tục theo Luật Đầu tư thì còn phải đáp ứng các quy định của Luật Doanh nghiệp.

Hình thức này đảm bảo được tốt nhất quyền và lợi ích của các nhà đầu tư chính vì thế mà nó được nhiều nhà đầu tư lựa chọn nhất.

>> Xem thêm: Phân biệt Nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư

Đầu tư góp vốn, mua cổ phần

Được quy định tại Điều 24 Luật Đầu tư 2020 sửa đổi bổ sung năm 2022.

Hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần là hình thức thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia. Hình thức này còn được gọi là hình thức gián tiếp của nhà đầu tư.

Hình thức này tiết kiệm được thời gian và chi phí. Tuy nhiên, nó phải đáp ứng được các quy định và điều kiện sau:

  • Điều kiện tiếp nhận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài giống như nhà đầu tư trong nước (trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 9 Luật Đầu tư 2020 sửa đổi bổ sung 2022). 
  • Tuân thủ theo quy định của Pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên về nội dung công bố Danh mục các ngành, nghề hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận sâu vào thị trường Việt Nam (đối với các ngành, nghề chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận phải có điều kiện được quy định tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP). Đối với các ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường, điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: 
  • Phạm vi hoạt động và hình thức đầu tư.
  • Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế.
  • Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư.
  • Các điều kiện khác theo quy định của Pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên.
  • Bảo đảm Quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Đầu tư 2020.
  • Tuân thủ các quy định về đất đai, về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.

Bên cạnh đó, để đảm bảo phù hợp và thống nhất với quy định về mức cổ phần chi phối theo quy định của Điểm b Khoản 2 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Luật Đầu tư 2020 sửa đổi bổ sung năm 2022 cũng đã điều chỉnh tiêu chí xác định tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài căn cứ vào việc nắm giữ vốn điều lệ từ 51% trở lên thành việc nắm giữ vốn điều lệ từ 50% trở lên. 

Luật mới cũng bổ sung thêm trường hợp “Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”.

Như vậy, cho thấy nhà nước ta vẫn luôn quan tâm, theo dõi sát sao nhằm bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện kịp thời để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, bảo đảm an ninh quốc phòng theo hướng xem xét các điều kiện an ninh, quốc phòng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại các doanh nghiệp ở đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng.

Thực hiện dự án đầu tư

Được quy định tại Điều 23, Luật đầu tư 2020 sửa đổi bổ sung năm 2022.

Các hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Quy định pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Tại Khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư 2020 sửa đổi bổ sung năm 2022 quy định như sau: “Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh.
  • Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
  • Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ”.

Như vậy, so với Luật Đầu tư 2014 thì Luật Đầu tư 2020 sửa đổi bổ sung năm 2022 chỉ thay đổi về tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trên 50% là tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài. 

>> Có thể bạn quan tâm: Dự án nào thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư?

Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC

Được quy định tại Điều 27 Luật Đầu tư 2020 sửa đổi bổ sung năm 2022. Bao gồm các hình  thức như sau:

  • Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
  • Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật này.
  • Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.

Như vậy, đây là hình thức đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế. Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.

Ưu điểm:

  • Tiết kiệm thời gian và chi phí.
  • Các bên tự chủ động thỏa thuận số lượng vốn.
  • Nhà đầu tư được chủ động, linh hoạt hơn trong các dự án đầu tư và nếu không muốn tiếp tục hợp tác chỉ cần thanh lý hợp đồng. 

Nhược điểm:

  • Không có sự ràng buộc chặt chẽ giữa các bên sẽ dễ phát sinh ra nhiều rủi ro, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị chịu thiệt nhiều hơn.
  • Nhà đầu tư chỉ được lựa chọn một con dấu của một trong hai nhà đầu tư.

Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ

Theo Luật Đầu tư năm 2014 chỉ có 4 hình thức tuy nhiên tại Điều 21 Luật Đầu tư 2020 sửa đổi năm 2022 đã quy định thêm một hình thức: “Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ”. Điều này cho thấy, nhà nước Việt Nam đã sẵn sàng cho việc chào đón các hình thức tổ chức kinh tế mới tại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, phát triển. 

Luật sư tư vấn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Trên đây là những nội dung tư vấn, phân tích về các hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Vấn đề đầu tư nước ngoài vào Việt Nam còn khá nhiều thủ tục phức tạp, nếu bạn còn thắc mắc vui lòng liên hệ với công ty Luật Kiến Việt để được cung cấp thêm thông tin.

Thông tin liên hệ Công ty Luật Kiến Việt:

Liên hệ qua Website: https://luatkienviet.com/

Liên hệ qua điện thoại: 0386 579 303

Liên hệ qua Email: contact@luatkienviet.com

Liên hệ qua Facebook: https://www.facebook.com/luatkienviet

Liên hệ trực tiếp tại địa chỉ công ty.

 

Scores: 4.6 (18 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Chức vụ: Giám Đốc Điều Hành

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Bất Động Sản, Dự Án Đầu Tư, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Dân sự, HNGĐ, Lao Động, Hợp Đồng, Hình Sự, Hành Chính và tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp, tranh tụng...

Trình độ đào tạo: Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 521 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *