Giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với cán bộ công đoàn là quá trình mà cán bộ công đoàn đại diện cho người lao động tham gia giải quyết những mâu thuẫn hoặc vấn đề phát sinh trong hợp đồng lao động với người sử dụng lao động. Vai trò của cán bộ công đoàn là vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ người lao động giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật. Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin pháp lý cần thiết về nguyên nhân tranh chấp, các dạng tranh chấp thường gặp, thẩm quyền giải quyết và trình tự, thủ tục để việc giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động được thực hiện một cách hiệu quả.
Tranh chấp hợp đồng lao động với cán bộ công đoàn
Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp hợp đồng lao động với cán bộ công đoàn
Việc tranh chấp hợp đồng lao động xảy ra do một số nguyên nhân sau:
- Tranh chấp do không thực hiện đúng những thỏa thuận đã giao kết cùng nhau
- Tranh chấp do không thực hiện đúng những quy định của pháp luật về lao động
- Tranh chấp tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp,…
- Tranh chấp về kỷ luật lao động
- Mối quan hệ cá nhân giữa người lao động và người sử dụng lao động không còn tốt đẹp
Tranh chấp hợp đồng lao động là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ quan, doanh nghiệp. Để hạn chế tranh chấp lao động thì với vai trò cầu nối, cán bộ công đoàn phải tăng cường giám sát và phòng ngừa tranh chấp lao động. Trường hợp xảy ra tranh chấp lao động thì phải cố gắng trọng phạm vi quyền hạn của mình bảo vệ quyền lợi của người lao động nhưng vẫn đảm bảo cân bằng lợi ích cho người sử dụng lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, hợp tác, đảm bảo tính hiệu quả, công bằng.
Các dạng tranh chấp hợp đồng lao động với cán bộ công đoàn
Theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Lao động 2019, căn cứ vào quy mô hoặc bản chất của tranh chấp, theo đó tranh chấp lao động thành hai loại sau:
- Tranh chấp lao động cá nhân: giữa người lao động và người sử dụng lao động, giữa người lao động và doanh nghiệp hoặc tổ chức khi người lao động được gửi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cũng như giữa người lao động thuê lại và người sử dụng lao động thuê lại;
- Tranh chấp lao động tập thể: về quyền lợi hoặc lợi ích giữa một hoặc nhiều tổ chức đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động, hoặc giữa một hoặc nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.
Tranh chấp lao động có thể xảy ra giữa các nhóm sau:
- Giữa người lao động với người sử dụng lao động.
- Giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài.
- Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Tranh chấp lao động có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên liên quan, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với cán bộ công đoàn
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với cán bộ công đoàn
Các tranh chấp về hợp đồng lao động rất đa dạng và phức tạp. Vì vậy, việc giải quyết tranh chấp cũng tùy thuộc vào từng loại tranh chấp lao động mà cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết tranh chấp lao động theo những phương thức khác nhau:
- Hòa giải viên lao động: Các tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải.
- Hội đồng trọng tài lao động: Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp không bắt buộc phải thông qua Hòa giải viên thì các bên có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp.
- Tòa án nhân dân: Các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp trong trường hợp không bắt buộc phải thông qua Hòa giải viên. Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với cán bộ công đoàn
Theo quy định tại Điều 180 Bộ luật Lao động 2019, việc giải quyết tranh chấp lao động phải tuân theo các nguyên tắc sau:
- Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
- Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.
- Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.
- Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động
- Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.
Ngoài ra, khi giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với cán bộ công đoàn ngoài việc chấp hành các quy định của Bộ luật Lao động thì cũng cần phải tuân theo các quy định của Điều lệ Công đoàn và các quy định nội bộ của tổ chức công đoàn.
Việc tuân thủ các nguyên tắc giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính công bằng, minh bạch và hiệu quả trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với cán bộ công đoàn
Trình tự, thủ tục giải quyết ngoài tòa án
Giải quyết tranh chấp bằng thương lượng:
Các bên tranh chấp lao động cùng nhau thương lượng để tìm ra giải pháp hài hòa lợi ích của cả hai bên. Quá trình thương lượng giữa các bên không chịu sự ràng buộc của quy định pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết. Kết quả thương lượng phụ thuộc vào sự tự nguyện của mỗi bên tranh chấp.
Giải quyết tranh chấp bằng hòa giải:
- Bước 1: Các bên trong tranh chấp thỏa thuận gửi đơn yêu cầu hòa giải tới hòa giải viên hoặc cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân.
- Bước 2: Hòa giải viên tổ chức phiên hòa giải khi có mặt của hai bên tranh chấp hoặc người được ủy quyền của các bên tranh chấp. Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Nếu thương lượng thành công thì hòa giải viên lập biên bản hòa giải thành. Nếu hai bên không thỏa thuận được hoặc một bên tranh chấp vắng mặt không có lý do chính đáng trong lần triệu tập thứ hai, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài lao động:
- Bước 1: Các bên tranh chấp tự thỏa thuận chọn Hội đồng trọng tài lao động và gửi yêu cầu giải quyết tranh chấp đến Hội đồng trọng tài.
- Bước 2: Chuẩn bị giải quyết tranh chấp lao động. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp, Hội đồng trọng tài ra quyết định thành lập Ban trọng tài lao động để giải quyết vụ tranh chấp.
- Bước 3: Tổ chức phiên họp Ban trọng tài giải quyết vụ tranh chấp.
- Bước 4: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
Trình tự, thủ tục giải quyết theo quy trình tố tụng dân sự
Khi các bên không thể tự giải quyết tranh chấp lao động hoặc trong trường hợp không bắt buộc phải thông qua Hòa giải viên, thì các bên phát sinh tranh chấp có thể yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết. Đây là cơ quan giải quyết tranh chấp lao động cuối cùng, có thẩm quyền xét xử các tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật. Trình tự, thủ tục giải quyết tại Tòa án được thực hiện như sau:
- Bước 1: Người có yêu cầu khởi kiện nộp hồ sơ khởi kiện nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa án hoặc theo đường dịch vụ bưu chính.
- Bước 2: Tòa án thụ lý vụ án. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án thông báo về việc đã thụ lý vụ án cho các bên tranh chấp, cơ quan, tổ chức có liên quan.
- Bước 3: Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ, lời khai của các bên và những người liên quan Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử, trong thời hạn 01 tháng tính từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa mở phiên tòa sơ thẩm và đưa ra phán quyết; nếu có lý do chính đáng thì thời hạn này có thể kéo dài đến 02 tháng. Sau 30 ngày kể từ ngày tuyên án mà không bị kháng cáo, kháng nghị thì bản án sẽ có hiệu lực pháp luật.
Xem thêm: thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Luật sư hỗ trợ giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với cán bộ công đoàn
Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với cán bộ công đoàn
Luật sư với trình độ chuyên môn và kinh nghiệm pháp lý về lĩnh vực lao động có thể hỗ trợ người lao động giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với người sử dụng lao động một cách hiệu quả với các dịch vụ như:
- Cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật về tranh chấp lao động, giúp khách hàng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả và hợp pháp.
- Đánh giá tính pháp lý của hợp đồng lao động và đề xuất các phương án giải quyết tranh chấp lao động, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên.
- Hỗ trợ thu thập thông tin, tài liệu, lập hồ sơ pháp lý, chặt chẽ, đảm bảo tính chính xác và hợp pháp cho việc giải quyết tranh chấp.
- Đại diện cho người lao động tham gia hòa giải, thương lượng hoặc khởi kiện tại Tòa án .
- Giúp người lao động thực hiện các thủ tục thi hành án, phối hợp với cơ quan thi hành án để đảm bảo bản án được thi hành đúng theo quy định của pháp luật.
Giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động là một quá trình phức tạp đòi hỏi sự hiểu biết về pháp luật nhất định. Để có thể bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình thì việc nắm vững những quy định của pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp là điều mà người lao động nên chú trọng. Nếu có các thắc mắc về giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động hoặc các vấn đề liên quan đến chấm dứt hợp đồng lao động, các trường hợp sa thải trái pháp luật,… xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số 0386579303 để nhận được sự tư vấn từ luật sư hỗ trợ.