Mua hóa đơn khống sử dụng bị xử lý như thế nào là vấn đề được quan tâm khi hoạt động mua bán trái phép hóa đơn giả, hóa đơn khống ngày càng trở nên phức tạp. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm và hậu quả gây ra mà người vi phạm sẽ chịu mức phạt khác nhau. Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin pháp lý cần thiết để giải đáp thắc mắc về trách nhiệm pháp lý khi mua hóa đơn khống.
Mua hóa đơn khống sử dụng bị xử lý như thế nào?
Thế nào là hóa đơn khống?
- Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 4, Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả.
- Ngoài ra, khoản 9 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định việc sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ trong đó có trường hợp sử dụng hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ).
Theo đó, có thể hiểu hóa đơn khống là hóa đơn ghi các việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ nội dung của hóa đơn.
Hành vi nào được xem là mua bán trái phép hóa đơn?
Theo quy định tại khoản 3, Điều 2 Thông tư liên tịch 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC quy định về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, cụ thể như sau:
- In trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là hành vi tự in hóa đơn hoặc tự khởi tạo hóa đơn điện tử khi không đủ điều kiện hoặc không đúng, không đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật; In hóa đơn giả hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử giả;
- Phát hành trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là hành vi lập tờ thông báo phát hành không đầy đủ nội dung; không gửi hoặc không niêm yết tờ thông báo phát hành hóa đơn theo đúng quy định;
Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước gồm các hành vi sau đây:
- Mua, bán hoá đơn chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo quy định;
- Mua, bán hoá đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hoá, dịch vụ kèm theo;
- Mua, bán hoá đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa dịch vụ;
- Mua, bán, sử dụng hoá đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hoá, dịch vụ giữa các liên của hoá đơn.
Mua bán hóa đơn khống bị xử lý như thế nào?
Trách nhiệm hành chính
Căn cứ Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn như sau:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 4 Nghị định này, trừ trường hợp được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 và điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định này.
Điều 22 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau
- Cho, bán hóa đơn đặt in chưa phát hành;
- Cho, bán hóa đơn đặt in của khách hàng đặt in hóa đơn cho tổ chức, cá nhân khác.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc hủy hóa đơn;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Trách nhiệm hình sự
Căn cứ khoản 1 Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước như sau:
Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- Có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;
- Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
- Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên;
- Tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Mua và sử dụng hoá đơn khống cấu thành tội phạm khi nào?
- Hành vi mua và sử dụng hóa đơn khống được coi là cấu thành tội phạm khi nó thỏa mãn các điều kiện quy định tại Bộ luật hình sự.
- Theo đó, người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước tùy theo giá trị của hoá đơn, lợi ích bất chính thu được mà sẽ có khung hình phạt khác nhau.
- Ngoài ra cũng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội này.
Khi nào phải giải trình vi phạm hành chính hóa đơn?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 37 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về các trường hợp doanh nghiệp phải giải trình vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
Theo đó, các trường hợp doanh nghiệp phải gửi văn bản giải trình vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bao gồm:
- Hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được phát hiện thông qua công tác thanh tra thuế, kiểm tra thuế hoặc các trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính điện tử;
- Hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 16, 17, 18; khoản 3 Điều 20; khoản 7 Điều 21; Điều 22 và Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, cụ thể gồm:
- Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn;
- Hành vi trốn thuế;
- Vi phạm hành chính về thuế đối với ngân hàng thương mại, người bảo lãnh nộp tiền thuế;
- Hành vi in/đặt in hóa đơn theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc đặt in trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn.
- Hành vi cho, bán hóa đơn;
- Hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn.
Luật sư tư vấn về trường hợp mua hóa đơn khống
Luật sư tư vấn về trường hợp mua hóa đơn khống
Luật Kiến Việt cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến trường hợp mua hóa đơn khống như sau:
- Luật sư tư vấn các quy định của pháp luật liên quan đến tội mua bán trái phép hóa đơn khống sử dụng.
- Phân tích cụ thể về hành vi mua bán hóa đơn khống, xác định mức độ vi phạm và các yếu tố liên quan trong tình huống cụ thể.
- Hỗ trợ chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu cần thiết để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
- Luật sư hỗ trợ khách hàng trong quá trình tố tụng, tham gia bào chữa trong trường hợp bị truy cứu cứu trách nhiệm hình sự về mua hóa đơn khống.
Bài viết trên đây đã cung cấp một số thông tin pháp lý cần thiết về trách nhiệm pháp lý khi thực hiện hành vi mua hóa đơn khống sử dụng. Nếu bạn có thắc mắc về vấn đề trên hoặc các nội dung liên quan đến xuất hóa đơn hay quy trình xử lý khi xảy ra tình huống liên quan đến hóa đơn khống,… vui lòng liên hệ luật sư tư vấn hình sự Luật Kiến Việt qua số điện thoại 0386579303 để được cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý toàn diện nhất.
Một số bài viết liên quan có thể bạn đọc quan tâm:
- Trách nhiệm hình sự của pháp nhân khi doanh nghiệp bị khởi tố
- Những tội có thể khởi tố hình sự đối với pháp nhân thương mại