Thấy gì qua việc doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ khủng

Thấy gì qua việc doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ khủng

Tác giả: Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Phone: 0386579303

Email: lamdo@luatkienviet.com

Thực tế đăng ký vốn điều lệ

Thời gian gần đây báo chí đưa thông tin có những doanh nghiệp được thành lập với số vốn “khủng”. Ví dụ một doanh nghiệp đăng ký số vốn hành lập 500.000 tỷ đồng ở TP.HCM. Trụ sở của doanh nghiệp này đặt tại tòa nhà Bitexco Financial Tower. Hay hồi cuối tháng 2/2020, dư luận xôn xao về thông tin xuất hiện một doanh nghiệp Hà Nội có vốn điều lệ đăng ký lên tới  6,3 tỷ USD (tương đương 144 nghìn tỷ đồng). Thế nhưng, sau khi báo chí và cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ thì sự thật được phơi bày, khi đây chỉ là số vốn đăng ký ảo. Theo lý giải của 1 cổ đông, khi làm thủ tục đăng ký thành lập công ty, một cổ đông đang “say rượu” nên mới có con số khổng lồ như vậy. Hay tại tỉnh Sóc Trăng, công an đã điều tra, làm rõ vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến một công ty bất động sản do 2 cá nhân thành lập với số vốn điều lệ đăng ký lên tới 2.000 tỷ đồng. Từ khi thành lập, doanh nghiệp không  góp vốn điều lệ, không báo cáo kinh doanh và kê khai thuế theo quy định. Dù vậy, 2 cá nhân nói trên đã quảng cáo nhiều dự án bất động sản, kêu gọi người góp vốn đầu tư nhưng thực sự các dự án này đều không có. Bằng cách đánh bóng hình ảnh thông qua lượng vốn “khủng”, nhóm đối tượng đã chiếm đoạt nhiều tỉ đồng của những người đầu tư (theo Báo VTC.VN).

Thấy gì qua việc doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ khủng

Việc đăng ký số vốn điều lệ khủng chủ yếu để nhằm PR, truyền thông?

Quy định pháp luật về vốn điều lệ

Theo khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, “vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần”. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp các thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trên thực tế hầu hết các doanh nghiệp khi nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, đều ghi thời điểm góp vốn sau thời điểm nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Việc các cổ đông, thành viên công ty có thể kê khai số vốn điều lệ khủng như trên vì theo quy định pháp luật trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp không yêu cầu giấy tờ xác nhận hoặc bất cứ tài liệu nào chứng minh. Việc kê khai vốn điều lệ do các cổ đông, thành viên công ty tự kê khai và tự chịu trách nhiệm. Ngoài ra nếu tài sản góp vốn không phải là tiền mà là tài sản khác (đất đai, động sản, tài sản sở hữu trí tuệ…) sẽ theo nguyên tắc do các cổ đông, thành viên công ty thống nhất định giá. Vì thế giá trị vốn điều lệ đăng ký có thể không phản ánh đúng giá trị vốn góp thực tế.

Về mặt quản lý, theo Nghị định Số: 50/2016/NĐ-CP có quy định Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký. Tuy nhiên thực tế cho thấy việc các cổ đông, thành viên công ty có góp vốn đúng như số vốn điều lệ đăng ký trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hay không trước giờ không được quản lý, chủ yếu ồn ào lên một vài vụ do số vốn đăng ký quá lớn.  

Thấy gì qua việc doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ khủng

Vốn điều lệ khủng và ngành nghề nghề kinh doanh của doanh nghiệp trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp

Vốn điều lệ có phản ánh giá trị doanh nghiệp?

Như vậy, những vụ việc đăng ký vốn điều lệ khủng như trên cho thấy mục đích là để PR, truyền thông cho công ty vì được các báo và nhiều người chú ý. Tới thời hạn góp vốn nếu không góp đủ thì các cổ đông, thành viên có thể giảm vốn điều lệ hoặc nếu không giảm vốn điều lệ thì chế tài (nếu bị phát hiện) chỉ là phạt tiền từ 10 -20 triệu. 

Qua phân tích ở trên cho thấy vốn điều lệ của một công ty có thể không phản ánh được thực tế và chủ yếu là “con số” trên giấy. Ngay cả khi các cổ đông, thành viên có góp đủ số vốn điều lệ đã đăng ký thì khi công ty đi vào hoạt động, số vốn góp đó cũng không còn như ban đầu do đã đưa vào phục vụ hoạt động của công ty. Thậm chí số vốn góp đó không còn nếu công ty hoạt động thua lỗ. Một số người có thể nhầm lẫn khi nhìn vào vốn điều lệ để đánh giá năng lực doanh nghiệp hoặc tính chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Những người làm ăn có kinh nghiệm khi quyết định hợp tác, mua bán…với công ty đối tác sẽ không nhìn vào vốn điều lệ mà căn cú vào những điều khác như tài sản hai bên đang giao dịch, tài sản công ty, báo cáo tài chính, uy tín, khả năng thực hiện công việc… của công ty đối tác. Vì những điều này mới có có giá trị tham khảo thực tế. Có nhiều công ty khi đụng chuyện hoặc khi thi hành án, công ty không còn bất cứ tài sản hay điều kiện thi hành nào. Thậm chí không còn tìm thấy công ty hay chủ của công ty ở nơi đâu, mặc dù số vốn điều lệ tính bằng tiền tỷ.

 

Scores: 4.6 (17 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Kiến Việt

Chức vụ: Công ty Luật Kiến Việt

Lĩnh vực tư vấn: Công ty Luật Kiến Việt đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ luật sư tư vấn và thực hiện thủ tục pháp lý chuyên nghiệp, uy tín trong các lĩnh vực về đất đai, bất động sản, doanh nghiệp đầu tư, đấu thầu xây dựng, tranh tụng vụ án dân sự, ly hôn, tranh chấp đất đai, tranh chấp thừa kế, dịch vụ luật sư hình sự, luật sư bào chữa, kháng cáo..

Trình độ đào tạo: Đại học Luật TP.HCM, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 626 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *