Thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên

Thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên vẫn còn thiếu thống nhất vì Luật Hôn nhân và gia đình và các văn bản liên quan vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.  Bài viết sau đây sẽ giới thiệu một số quan điểm và thực tiễn áp dụng pháp luật, cũng như cách xác định  thời điểm phát sinh nghĩa vụ này của cha mẹ khi ly hôn.

Thời điểm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên

Thời điểm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên

Quy định của pháp luật về nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên.

Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, điều kiện để phát sinh quan hệ cấp dưỡng bao gồm:

  • Giữa người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng.
  • Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng không chung sống với nhau (trừ trường hợp quy định tại Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình: cha mẹ chung sống với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng)

Theo đó cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên trong trường hợp không chung sống với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con. Và việc cấp dưỡng này không có bất kỳ sự phân biệt nào giữa con đẻ, con nuôi, con ngoài giá thú, con có cha mẹ tồn tại hôn nhân hợp pháp hoặc con có cha mẹ không tồn tại hôn nhân hợp pháp. Cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng con phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con đến khi con thành niên (đủ 18 tuổi). Mức cấp dưỡng sẽ được xác định dựa trên nhu cầu thiết yếu của người con được cấp dưỡng và khả năng tài chính của cha mẹ.

Thực tiễn xác định thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên

Cấp dưỡng cho con chưa thành niên sinh ra không trên cơ sở hôn nhân

  • Vấn đề về thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên sinh ra không dựa trên cơ sở hôn nhân thường được tìm thấy trong các vụ án tranh chấp về xác định cha cho con. Vì chưa có phương hướng giải quyết rõ ràng trong văn bản pháp luật nên thời điểm bắt đầu cấp dưỡng có thể được xác định là thời điểm đứa trẻ sinh ra, thời điểm khởi kiện hoặc thời điểm tòa án tuyên xác định một người là cha.
  • Hiện nay, tuy vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này nhưng ngày 24/02/2023, án lệ số 62/2023/AL “Về thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên trong vụ án tranh chấp về xác định cha cho con” đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua. Án lệ này đã xác định: trong tình huống sau khi người con được sinh ra, người mẹ khởi kiện yêu cầu xác định bị đơn là cha đẻ của người con và yêu cầu bị đơn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên thì thời điểm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng được tính kể từ khi người con được sinh ra.
  • Có thể thấy hướng giải quyết của án lệ trong trường hợp người mẹ yêu cầu người cha thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên là căn cứ thời điểm trẻ được sinh ra để xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng. Đồng nghĩa với việc thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không phụ thuộc vào thời điểm có hiệu lực của bản án thừa nhận quan hệ cha, mẹ, con. Điều này giúp bảo vệ quyền và lợi ích của người con chưa thành niên và người trực tiếp nuôi dưỡng.
  • Ngược lại nếu xác định thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được tính từ thời điểm khởi kiện hoặc thời điểm xét xử sơ thẩm sẽ không đảm bảo trách nhiệm của người không trực tiếp nuôi dưỡng – trường hợp này là người cha – đối với con. Một người cha đẻ của con thì sẽ luôn thực sự là cha từ khi đứa trẻ được sinh ra theo khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015, quyền và nghĩa vụ làm cha không lệ thuộc vào ngày Tòa án tuyên bố quan hệ cha – con. Và việc Tòa án tuyên bố quan hệ cha con và cấp dưỡng là loại án ghi nhận quyền/nghĩa vụ, không phải án xác lập quyền/nghĩa vụ. Do đó xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con được sinh ra không dựa trên quan hệ hôn nhân là thời điểm đứa trẻ được sinh ra là phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tế hiện nay.

Cấp dưỡng cho con chưa thành niên sau khi ly hôn

Cấp dưỡng cho con chưa thành niên sau khi cha mẹ ly hôn

Cấp dưỡng cho con chưa thành niên sau khi cha mẹ ly hôn

Khi cha mẹ ly hôn, quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng sẽ lập tức chuyển thành nghĩa vụ cấp dưỡng. Thời điểm bắt đầu cấp dưỡng cho con chưa thành niên sau khi cha mẹ ly hôn trên thực tế có thể là thời điểm bản án, quyết định giải quyết việc ly hôn có hiệu lực pháp luật hoặc thời điểm ban hành, tuyên án bản án ly hôn sơ thẩm hoặc thời điểm cha, mẹ không còn chung sống với con.

Tính từ ngày bản án, quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật

  • Trong thực tiễn xét xử, thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên thường được tính từ ngày bản án, quyết định giải quyết việc ly hôn có hiệu lực pháp luật. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng cấp dưỡng cho con chưa thành niên là hệ quả tất yếu từ việc chấm dứt hôn nhân của vợ chồng. Và quan hệ hôn nhân sẽ chấm dứt khi bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật (khoản 1 Điều 57 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
  • Vậy nếu sự kiện quan hệ hôn nhân chấm dứt làm phát sinh quan hệ cấp dưỡng thì nó cũng phải là mốc thời gian bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Giải pháp này được cho là có thể đồng thời bảo vệ lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên và của người không trực tiếp nuôi dưỡng con.
  • Nhưng thực tế cho thấy quãng thời gian từ khi tuyên án đến khi bản án có hiệu lực có thể rất dài bởi bản án, quyết định sơ thẩm hoàn toàn có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Thời gian chờ bản án, quyết định có hiệu lực sẽ gây thiệt thòi cho người con chưa thành niên và người trực tiếp nuôi dưỡng con mà không có sự hỗ trợ về mặt tài chính của người còn lại.

Tính từ thời điểm Tòa án sơ thẩm tuyên án/ra quyết định ly hôn

  • Quan điểm thứ hai lại cho rằng thời điểm bắt đầu cấp dưỡng cho con chưa thành niên sau khi cha mẹ ly hôn được tính từ ngày tuyên án ly hôn sơ thẩm. Quan điểm này dựa vào khoản 2 Điều 482 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015: Bản án, quyết định về cấp dưỡng của Tòa án cấp sơ thẩm thì được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị.
  • Quan điểm này được một số thẩm phán áp dụng với lập luận cấp dưỡng là một dạng nghĩa vụ đặc thù so với các nghĩa vụ dân sự khác. Cấp dưỡng cho con chưa thành niên mang mục đích chính là bảo vệ quyền trẻ em. Bản chất của cấp dưỡng là duy trì nhu cầu về vật chất thiết yếu của con chưa thành niên. Do đó việc cấp dưỡng cho con cần thiết bắt đầu từ thời điểm tuyên án.
  • Tuy nhiên, trong một số tình huống, các xác định thời điểm cấp dưỡng này vẫn bộc lộ hạn chế. Ví dụ như anh Y là người trực tiếp nuôi con từ trước khi xét xử; bản án sơ thẩm quyết định giao con cho chị X và anh Y có nghĩa vụ cấp dưỡng tính từ ngày tuyên án. Nhưng không đồng ý với quyết định của cấp sơ thẩm nên anh Y kháng cáo về phần con chung và cấp dưỡng nuôi con. Cấp phúc thẩm đã giữ nguyên bản án sơ thẩm. Nếu áp dụng nguyên tắc xác định thời điểm cấp dưỡng tính từ ngày tuyên án thì trong trường hợp này sẽ phát sinh mâu thuẫn về mặt pháp lý: trong thời gian từ khi tuyên án sơ thẩm đến trước khi tuyên án phúc thẩm, anh Y vẫn là người trực tiếp nuôi dưỡng con nhưng đồng thời vẫn có nghĩa vụ cấp dưỡng. Điều này rất bất hợp lý và thiếu công bằng cho những người trực tiếp nuôi dưỡng con nhưng rơi vào tình trạng tương tự như ví dụ nêu trên.

Tính từ ngày vợ chồng ly thân, người vợ (hoặc chồng) không trực tiếp sống chung hoặc nuôi dưỡng con

  • Việc xác định thời điểm cấp dưỡng cho con chưa thành niên dựa trên ngày người vợ (hoặc chồng) không trực tiếp sống chung hoặc nuôi dưỡng về cơ bản đã đáp ứng được bản chất của việc cấp dưỡng: là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng.
  • Đây là giải pháp mang ý nghĩa quyền được nuôi dưỡng của con sẽ được chuyển sang quyền được cấp dưỡng mà không có bất kì gián đoạn nào. Cách xác định thời điểm cấp dưỡng này có tính bao quát và bảo vệ gần như triệt để quyền được cấp dưỡng cho con chưa thành niên khi hôn nhân của cha mẹ bắt đầu tan vỡ cho đến khi thật sự chấm dứt.
  • Mặt khác, quan điểm này gây tranh cãi bởi nếu cách xác định thời điểm cấp dưỡng này được áp dụng rộng rãi sẽ gây ra vấn đề chồng chéo quy định giữa “cấp dưỡng trong thời kỳ hôn nhân” và “cấp dưỡng sau khi ly hôn”. Ngoài ra, việc xác minh thời điểm ly thân trên thực tế sẽ rất khó khăn, đặc biệt khi liên quan đến vấn đề tài chính thì việc chứng minh càng nan giải.
  • Ngoài ra, để áp dụng quan điểm này thì xuyên suốt quá trình từ trước khi ly hôn đến khi hoàn tất thủ tục ly hôn, con phải được nuôi dưỡng bởi một người (cha hoặc mẹ). Nếu trong quá trình này con có lúc ở với cha, có lúc ở với mẹ, có lúc lại ở với ông bà thì Tòa án cũng không thể xác định ai là người có nghĩa vụ cấp dưỡng và thời gian bắt đầu cấp dưỡng.

Luật sư tư vấn nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên

Luật sư tư vấn nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên

Luật sư tư vấn nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên

Nếu các bạn đang gặp khó khăn trong vấn đề thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, hãy liên hệ luật sư để được hỗ trợ:

  • Tư vấn các quy định pháp luật liên quan đến nghĩa vụ, mức cấp dưỡng nuôi con.
  • Tư vấn các vấn đề pháp lý khác có liên quan đến hôn nhân gia đình.
  • Hướng dẫn khách hàng thu thập tài liệu để bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi khởi kiện.
  • Tham gia trực tiếp quá trình tố tụng tại phiên tòa.

Có thể nhận thấy việc cấp dưỡng nuôi con chung và xác định thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con nói riêng là vấn đề phức tạp. Việc xác định thời điểm cấp dưỡng cho con cần linh hoạt theo từng vụ việc cụ thể. Trên đây là thông tin về một số phương một số quan điểm trong việc xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về nội dung trên xin vui lòng liên hệ với Luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình Công ty Luật Kiến Việt qua hotline theo số 0386.579.303 để được tư vấn giải đáp chi tiết hơn.

Tham khảo thêm bài viết liên khác: Tư vấn chấm dứt việc nuôi con nuôi khi con nuôi chưa thành niên

Scores: 4.23 (26 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Chức vụ: Giám Đốc Điều Hành

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Bất Động Sản, Dự Án Đầu Tư, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Dân sự, HNGĐ, Lao Động, Hợp Đồng, Hình Sự, Hành Chính và tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp, tranh tụng...

Trình độ đào tạo: Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 520 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *