Hướng dẫn thủ tục yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật

Thủ tục yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo hôn nhân giữa vợ và chồng được tiến hành một cách tự nguyện, bình đẳng và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về căn cứ, thủ tục hủy việc kết hôn trái pháp luật tại Tòa án, đồng thời hiểu rõ thực tiễn áp dụng quy định này.

Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật

Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật

Căn cứ hủy việc kết hôn trái pháp luật

Theo khoản 6 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Trên cơ sở yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, Tòa án xem xét và xử lý việc kết hôn trái pháp luật. Khi hủy việc kết hôn trái pháp luật phải dựa trên những căn cứ sau:

  • Nam, nữ kết hôn khi chưa đến tuổi kết hôn luật định;
  • Việc kết hôn không đảm bảo sự tự nguyện;
  • Người mất năng lực hành vi dân sự nhưng vẫn kết hôn;
  • Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác;
  • Những người có cùng dòng máu về trực hệ hoặc những người có họ trong phạm vi ba đời kết hôn với nhau;
  • Cha mẹ nuôi kết hôn với con nuôi; những người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng mà lại kết hôn với nhau;
  • Hai người cùng giới tính kết hôn với nhau.

Như vậy, chỉ cần thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì Tòa án đã có căn cứ để hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Thẩm quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật

  • Theo khoản 1 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật là việc dân sự và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
  • Căn cứ tại Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, cơ quan có thẩm quyền hủy kết hôn trái pháp luật là Tòa án nhân dân cấp huyện. Đối với quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền là Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
  • Tòa án nơi cư trú của một trong các bên đăng ký kết hôn trái pháp luật (điểm b khoản 2 Điều 40 BLTTDS năm 2015) hoặc Tòa án nơi việc đăng ký kết hôn trái pháp luật được thực hiện (điểm g khoản 2 Điều 39 BLTTDS năm 2015).

Theo đó, các cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật nếu phát hiện hành vi kết hôn trái pháp luật thì có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền theo quy định nêu trên giải quyết.

Thủ tục yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật

Thủ tục yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật

Thủ tục yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật

Hồ sơ

Hồ sơ yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật bao gồm:

  • Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự (việc yêu cầu phải thực hiện bằng đơn)
  • Giấy chứng nhận kết hôn (nếu có) hoặc giấy tờ, tài liệu khác chứng minh đã đăng ký kết hôn. Trường hợp vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng không cung cấp được Giấy chứng nhận kết hôn do bị thất lạc thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân đã cấp Giấy chứng nhận kết hôn.
  • Bản sao có công chứng, chứng thực chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của hai vợ chồng.
  • Kèm theo đơn yêu cầu phải có chứng cứ chứng minh việc kết hôn là trái pháp luật hoặc tài liệu, chứng cứ để giải quyết yêu cầu về tài sản, con cái.

Đơn yêu cầu phải có các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 312 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Trình tự, thủ tục giải quyết

Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP có quy định về thủ tục hủy kết hôn trái pháp luật như sau:

  1. Đầu tiên, người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật nộp đơn yêu cầu tới Tòa án có thẩm quyền.
  2. Sau đó, Tòa án sẽ xem xét đơn yêu cầu. Tiến hành thụ lý, giải quyết khi thuộc thẩm quyền giải quyết.
  3. Tòa án ra quyết định:

TH1: Tại thời điểm kết hôn, hai bên kết hôn không có đủ điều kiện kết hôn nhưng sau đó có đủ điều kiện kết hôn thì Tòa án xử lý như sau:

  • Nếu hai bên kết hôn cùng yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án quyết định công nhận quan hệ hôn nhân đó kể từ thời điểm các bên kết hôn có đủ điều kiện kết hôn.
  • Nếu một hoặc hai bên yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc có một bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia không có yêu cầu thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật
  • Trường hợp hai bên cùng yêu cầu Tòa án cho ly hôn hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

TH2: Trường hợp hai bên đã đăng ký kết hôn nhưng tại thời điểm Tòa án giải quyết hai bên kết hôn vẫn không có đủ các điều kiện kết hôn thì thực hiện như sau:

  • Nếu có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật;
  • Nếu một hoặc cả hai bên yêu cầu ly hôn hoặc yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án bác yêu cầu của họ và quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Thực tiễn hủy việc kết hôn trái pháp luật (Án lệ số 53/2022)

Tình huống án lệ

Hôn nhân thực tế là hình thức kết hôn được pháp luật công nhận khi các bên nam nữ đã và đang chung sống như vợ chồng, đáp ứng điều kiện kết hôn nhưng không đăng ký kết hôn theo quy định. Trước năm 1987, do khó khăn về kinh tế, giao thông và chiến tranh, nhiều cặp vợ chồng đã chung sống với nhau dựa trên sự tự nguyện và được cộng đồng thừa nhận. Để đảm bảo sự ổn định xã hội, pháp luật đã công nhận hôn nhân thực tế cho những trường hợp này.

Theo quy định tại Thông tư số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 của TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ tư pháp hướng dẫn thi hành nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/06/2000 xác định những cặp vợ chồng chung sống với nhau trước thời điểm ngày 03/01/1987 được coi là “hôn nhân thực tế”.

Theo quy định khoản 2 Điều 44 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, “Đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng”.

Tình huống án lệ: Nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực), không đăng ký kết hôn, có tổ chức lễ cưới và có thời gian chung sống tại Việt Nam. Sau đó, hai bên ra nước ngoài sinh sống và phát sinh mâu thuẫn. Khi chưa giải quyết ly hôn thì một bên đăng ký kết hôn với người khác tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

Hướng giải quyết của Tòa án

Trường hợp này, Tòa án xác định quan hệ hôn nhân đầu tiên là hôn nhân thực tế. Khi chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân thực tế mà một bên đăng ký kết hôn với người khác tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì việc kết hôn này là trái pháp luật. Tòa án chấp nhận yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

  • Điểm c khoản 2 Điều 5, điểm a khoản 2 Điều 10, khoản 1 Điều 11, khoản 1 Điều 122 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
  • Khoản 1 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
  • Điểm a khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000;
  • Điểm d Mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000;
  • Điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Luật sư tư vấn thủ tục yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật

Luật sư tư vấn thủ tục yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật

Luật sư tư vấn thủ tục yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật

Luật Kiến Việt cung cấp dịch vụ luật sư tư vấn thủ tục yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật với những công việc chính sau:

  • Giải thích các quy định của pháp luật liên quan đến kết hôn trái pháp luật.
  • Tư vấn soạn thảo đơn yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật.
  • Cung cấp mẫu đơn yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật.
  • Tư vấn xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật.
  • Tư vấn hướng giải quyết phân chia tài sản vợ chồng, quyền nuôi con sau khi hủy kết hôn trái pháp luật.

Bài viết trên đã nêu lên một số vấn đề lý luận cũng như quy định của pháp luật về thủ tục yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật. Trong trường hợp quý khách hàng có bất kỳ những yêu cầu tư vấn tìm hiểu thêm thông tin về kết hôn trái pháp luật nói riêng và lĩnh vực hôn nhân gia đình nói chung, xin vui lòng liên hệ luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình của Luật Kiến Việt qua số hotline 0386.579.303 để được tư vấn nhanh và chính xác nhất.

Scores: 4.3 (13 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Chức vụ: Giám Đốc Điều Hành

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Bất Động Sản, Dự Án Đầu Tư, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Dân sự, HNGĐ, Lao Động, Hợp Đồng, Hình Sự, Hành Chính và tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp, tranh tụng...

Trình độ đào tạo: Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 522 bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *