Thời hiệu khởi kiện phân chia di sản thừa kế

Thời hiệu khởi kiện phân chia di sản thừa kế là quy định về thời hạn mà người thừa kế có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản. Sau khi hết thời hạn này người thừa kế sẽ mất quyền khởi kiện chia di sản. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cụ thể thông tin về thời hiệu khởi kiện, cách tính và các trường hợp cần lưu ý về thời gian khởi kiện phân chia di sản thừa kế.

Bộ luật dân sự hiện hành là văn bản điều chỉnh về thời hiệu khởi kiện phân chia thừa kế

Thời hiệu khởi kiện phân chia di sản thừa kế

Theo quy định tại khoản 1, Điều 149 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015), thời hiệu là “thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.” 

Quy định về thời hiệu phân chia di sản thừa kế được ban hành nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người có quyền hưởng di sản thừa kế và những người có liên quan, đồng thời tránh tình trạng tranh chấp di sản thừa kế kéo dài. Điều 623 BLDS 2015 về thời hiệu thừa kế gồm các quy định về:

  • Thời hiệu để người thừa kế khởi kiện yêu cầu chia di sản;
  • Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác; 
  • Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại. 

Theo khoản 1 Điều 623, hết thời hạn này mà những người thừa kế chưa yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

  • Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này. Cụ thể, người đang chiếm hữu đối với di sản là động sản trong thời hạn 10 năm và đối với di sản là bất động sản trong vòng 30 năm kể từ điểm bắt đầu chiếm hữu thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó nếu việc chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục và công khai.
  • Nếu không có người chiếm hữu đáp ứng các điều kiện nêu trên thì di sản thuộc về Nhà nước.

Thời hiệu khởi kiện phân chia thừa kế đối với động sản

Theo khoản 1 Điều 623 BLDS 2015, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản đối với động sản là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế là động sản vẫn giữ nguyên là 10 năm, không thay đổi kể từ khi Pháp lệnh thừa kế năm 1990 được ban hành.

Thời hiệu khởi kiện phân chia thừa kế đối với bất động sản

Thời hiệu khởi kiện phân chia thừa kế đối với bất động sản là 30 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 623 BLDS 2015. Thời hiệu này đã được kéo dài hơn so với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật cũ. Cụ thể, Pháp lệnh thừa kế 1990, Bộ luật dân sự 1995 và Bộ luật dân sự 2005 đều quy định thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 10 năm đối với động sản và bất động sản. Quy định tại BLDS 2015 được xem là hợp lý và phù hợp với phong tục tập quán của người dân Việt Nam và đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho những người được hưởng di sản thừa kế.

Những trường hợp không tính vào thời hiệu khởi kiện phân chia tài sản thừa kế

 

 

Đầu tiên, khởi kiện phân chia di sản thừa kế được áp dụng các quy định về thời gian không tinh vào thời hiệu khởi kiện nói chung đối với thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Điều 156 BLDS 2015 quy định như sau:

Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

1. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;

2. Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

…”

  • Ngoài trường hợp nêu trên, việc thừa kế về nhà ở có thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/07/1991 được áp dụng hai văn bản quy phạm pháp luật là Nghị quyết số 58/1998/ NQ-UBTVQH10 và Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 để xác định thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện phân chia tài sản thừa kế.
  • Khoản 2 Điều 17 Nghị quyết số 58/1998/ NQ-UBTVQH10 quy định: “Thời gian từ ngày 1 tháng 7 năm 1996 đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực không tính vào thời hiệu trong thủ tục giải quyết các vụ án dân sự đối với giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1 tháng 7 năm 1991.” Nghị quyết số 58/1998/ NQ-UBTVQH10 có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1999. Theo đó, đối với các tranh chấp về di sản thừa kế là nhà ở có thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/07/1991, khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 7 năm 1996 đến ngày 1 tháng 1 năm 1999 (2 năm 6 tháng) sẽ không được tính vào thời hiệu khởi kiện yêu cầu phân chia tài sản thừa kế. Cần lưu ý rằng Nghị quyết số 58/1998/ NQ-UBTVQH10 không áp dụng riêng đối với đất đai chưa xây nhà ở trên đất.
  • Khoản 2 Điều 39 Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 quy định: “Thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 1996 đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực không tính vào thời hiệu trong thủ tục giải quyết các vụ án dân sự đối với giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.” Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2006. Như vậy, khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 1996 đến ngày 01 tháng 9 năm 2006 (10 năm 2 tháng) sẽ không được tính vào thời hiệu khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế khi tranh chấp về di sản thừa kế đáp ứng đủ ba điều kiện: (i) có thời điểm mở thừa kế trước ngày 01 tháng 7 năm 1991; (ii) di sản thừa kế là nhà ở; và (iii) tranh chấp có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.

Thời hiệu yêu cầu phân chia di sản thừa kế đối với trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/01/2017 – thời điểm BLDS 2015 có hiệu lực

  • Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.”
  • Do đó, việc nhầm lẫn rằng thời hiệu khởi kiện yêu cầu phân chia di sản áp dụng cho tranh chấp về di sản thừa kế có thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/01/2017 ra khá phổ biến. Cụ thể, nếu không đọc kỹ các quy định pháp luật, người dân có thể hiểu nhầm rằng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này phải được áp dụng theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm mở thừa kế và theo đó, thời hiệu khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/01/2017 đối với động sản và bất động sản đều là 10 năm.
  • Tuy nhiên, văn bản được áp dụng để tính thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này phải là Bộ luật dân sự 2015. Theo điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015, thời hiệu đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực được áp dụng theo quy định của Bộ luật này.
  • Ngoài ra, khoản 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP cũng quy định: “Từ ngày 01/1/2017, Tòa án áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 và luật khác có liên quan về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu để thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
  • Như vậy, dù thời điểm mở thừa kế là trước khi BLDS 2015 có hiệu lực, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản vẫn được áp dụng theo quy định tại Điều 623 BLDS 2015, cụ thể là 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản.

Khi nào áp dụng thời hiệu khởi kiện phân chia di sản thừa kế

áp dụng thời hiệu khởi kiện phân chia di sản thừa kế

Áp dụng thời hiệu khởi kiện phân chia di sản

Khoản 2 Điều 149 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc…”. 

Theo đó, từ ngày BLDS 2015 có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2017) khi thụ lý đơn khởi kiện về việc phân chia di sản thừa kế, Tòa án không chủ động xem xét thời hiệu khởi kiện phân chia di sản để quyết định việc trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp nếu Tòa án đã thụ lý đơn khởi kiên mà thời hiệu này chỉ được áp dụng khi có yêu cầu áp dụng thời hiệu của một hoặc các bên tham gia tranh chấp đối với di sản thừa kế. Như vậy, những cá nhân được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu cần lưu ý yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu trước khi có bản án, quyết định giải quyết tranh chấp di sản thừa kế ở cấp sơ thẩm để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tư vấn thủ tục thừa kế

Luật sư thừa kế sẽ tư vấn cho bạn về các vấn đề sau đây:

  • Tư vấn về thời hiệu thừa kế
  • Tư vấn thủ tục chia thừa kế 
  • Tư vấn thủ tục chia thừa kế theo di chúc
  • Tư vấn thủ tục chia thừa kế theo pháp luật
  • Tư vấn điều kiện lập di chúc
  • Tư vấn điều kiện chia thừa kế
  • Tư vấn những người được hưởng thừa kế theo di chúc
  • Tư vấn những người được hưởng thừa kế theo pháp luật
  • Tư vấn những Người có quyền hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc
  • Tư vấn giải quyết tranh chấp về thừa kế.

Nếu bạn có thắc mắc về cách tính thời hiệu thừa kế, trường hợp không tính vào thời hiệu hay hồ sơ, trình tự thủ tục khởi kiện thừa kế, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 0386579303 để được hỗ trợ.

Scores: 4.7 (20 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Chức vụ: Giám Đốc Điều Hành

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Bất Động Sản, Dự Án Đầu Tư, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Dân sự, HNGĐ, Lao Động, Hợp Đồng, Hình Sự, Hành Chính và tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp, tranh tụng...

Trình độ đào tạo: Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 522 bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *