Thủ tục đóng mã số thuế doanh nghiệp là thủ tục quan trọng khi doanh nghiệp quyết định ngừng hoạt động kinh doanh. Việc thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về hồ sơ, quy trình sẽ giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro pháp lý không đáng có và đảm bảo việc chấm dứt hoạt động diễn ra suôn sẻ. Để hiểu rõ hơn các quy định về thủ tục đóng mã số thuế doanh nghiệp theo quy định của luật doanh nghiệp, mời quý khách hàng theo dõi bài viết sau.
Thủ tục đóng mã số thuế doanh nghiệp
Các trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đóng mã số thuế
Theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 39 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về chấm dứt hiệu lực mã số thuế như sau:
Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc giải thể, phá sản;
- Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất.
Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chấm dứt hoạt động kinh doanh, không còn phát sinh nghĩa vụ thuế đối với tổ chức không kinh doanh;
- Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép tương đương;
- Bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất;
- Bị cơ quan thuế ra thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký;
- Cá nhân chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;
- Nhà thầu nước ngoài khi kết thúc hợp đồng;
- Nhà thầu, nhà đầu tư tham gia hợp đồng dầu khí khi kết thúc hợp đồng hoặc chuyển nhượng toàn bộ quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí.
Nguyên tắc đóng mã số thuế doanh nghiệp
Khoản 3 Điều 39 Luật Quản lý thuế 2019 quy định nguyên tắc chấm dứt hiệu lực mã số thuế được quy định như sau:
- Mã số thuế không được sử dụng trong các giao dịch kinh tế kể từ ngày cơ quan thuế thông báo chấm dứt hiệu lực;
- Mã số thuế của tổ chức khi đã chấm dứt hiệu lực không được sử dụng lại, trừ trường hợp quy định tại Điều 40 của Luật này;
- Mã số thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khi chấm dứt hiệu lực thì mã số thuế của người đại diện hộ kinh doanh không bị chấm dứt hiệu lực và được sử dụng để thực hiện nghĩa vụ thuế khác của cá nhân đó;
- Khi doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác và cá nhân chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì đồng thời phải thực hiện chấm dứt hiệu lực đối với mã số thuế nộp thay;
- Người nộp thuế là đơn vị chủ quản chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì các đơn vị phụ thuộc phải bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
Thủ tục đóng mã số thuế doanh nghiệp theo quy định
Hồ sơ đóng mã số thuế
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư 86/2024/TT-BTC, Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế bao gồm:
- Mẫu số 24/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư Thông tư 86/2024/TT-BTC.
- Các giấy tờ liên quan khác:
(i) Đối với tổ chức kinh tế, tổ chức đăng ký thuế trực tiếp
- Đối với đơn vị chủ quản, hồ sơ là một trong các giấy tờ sau: Bản sao quyết định giải thể, bản sao quyết định chia, bản sao hợp đồng hợp nhất, bản sao hợp đồng sáp nhập, bản sao quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ quan có thẩm quyền, bản sao thông báo chấm dứt hoạt động, bản sao quyết định chuyển đổi.
- Đối với đơn vị phụ thuộc, hồ sơ là một trong các giấy tờ sau: Bản sao quyết định hoặc thông báo chấm dứt hoạt động đơn vị phụ thuộc, bản sao quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đối với đơn vị phụ thuộc của cơ quan có thẩm quyền.
- Đối với nhà thầu, nhà đầu tư tham gia hợp đồng dầu khí, công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đại diện nước chủ nhà nhận phần lãi được chia từ các hợp đồng dầu khí; nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài, hồ sơ là: Bản sao bản thanh lý hợp đồng, hoặc bản sao văn bản về việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tham gia hợp đồng dầu khí đối với nhà đầu tư tham gia hợp đồng dầu khí.
(ii) Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị phụ thuộc trước khi chấm dứt hoạt động do chia, sáp nhập, hợp nhất
- Doanh nghiệp, hợp tác xã bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất là một trong các giấy tờ sau: Bản sao quyết định chia, bản sao hợp đồng hợp nhất, bản sao hợp đồng sáp nhập.
- Đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, đơn vị phụ thuộc của hợp tác xã là một trong các giấy tờ sau: Bản sao quyết định hoặc thông báo của doanh nghiệp, hợp tác xã về chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện; bản sao quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(iii) Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, đơn vị phụ thuộc đang bị thông báo không hoạt động
- Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế của doanh nghiệp, hợp tác xã giải thể là một trong các giấy tờ: Bản sao nghị quyết hoặc quyết định giải thể doanh nghiệp, nghị quyết giải thể hợp tác xã, quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã của cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế của đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, đơn vị phụ thuộc của hợp tác xã là một trong các giấy tờ: Bản sao quyết định hoặc thông báo của doanh nghiệp, hợp tác xã về chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện; bản sao quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế của tổ hợp tác là một trong các giấy tờ: Biên bản họp thành viên tổ hợp tác về việc chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác, Bản sao quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký tổ hợp tác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(iv) Trường hợp chấm dứt theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Hồ sơ bao gồm các giao dịch thông tin từ cơ quan đăng ký kinh doanh, quyết định thu hồi giấy phép, quyết định phá sản của tòa án, hoặc thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đăng ký.
Quy trình thực hiện
Thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế online
Bước 1: Truy cập vào trang Thuế điện tử tại website https://thuedientu.gdt.gov.vn/;
Bước 2: Đăng nhập tài khoản hoặc nếu chưa có tài khoản thì đăng ký tài khoản theo hướng dẫn tại Công văn 377/TCT-DNNCN năm 2021;
Bước 3: Chọn “Đăng ký thuế” và chọn “Kê khai và nộp hồ sơ đăng ký thuế”;
Bước 4: Chọn “Chấm dứt hiệu lực MST”
Bước 5: Chọn điền tờ khai chấm dứt hiệu lực mã số thuế – Mẫu 24/ĐK-TCT Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế;
Bước 6: Điền tờ khai theo mẫu và đính kèm các tài liệu tương ứng với từng trường hợp;
Bước 7: Gửi hồ sơ bằng chữ ký số và chờ xác nhận của cơ quan thuế.
Trình tự thủ tục khi đóng mã số thuế doanh nghiệp
Sau khi nộp hồ sơ giải thể trực tiếp tại Chi cục Thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp, Cơ quan Thuế sẽ thông báo cho doanh nghiệp về việc ngừng hoạt động và thực hiện các thủ tục chấm dứt mã số thuế liên quan theo quy định tại Điều 16 Thông tư 86/2024/TT-BTC như sau:
- Ban hành Thông báo về việc người nộp thuế ngừng hoạt động và đang làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế mẫu số 17/TB-ĐKT ban hành kèm theo Thông tư này gửi cho người nộp thuế trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế nhận đủ hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định.
- Ban hành Thông báo về việc người nộp thuế chấm dứt hiệu lực mã số thuế mẫu số 18/TB-ĐKT ban hành kèm theo Thông tư này trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với cơ quan quản lý thuế.
- Cơ quan thuế quản lý trực tiếp cập nhật thông tin và chuyển trạng thái mã số thuế của người nộp thuế về trạng thái 03 “NNT ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế” lý do tương ứng ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất là đầu giờ ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày ban hành Thông báo về việc người nộp thuế ngừng hoạt động và đang làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế mẫu số 17/TB-ĐKT ban hành kèm theo Thông tư này và trạng thái 01 “NNT ngừng hoạt động và đã hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực MST” lý do tương ứng ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất vào đầu giờ ngày làm việc tiếp theo ngày ban hành Thông báo về việc người nộp thuế chấm dứt hiệu lực mã số thuế mẫu số 18/TB-ĐKT ban hành kèm theo Thông tư này.
- Trường hợp người nộp thuế đã có hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế nhưng không hoàn thành nghĩa vụ thuế, sau đó nếu cơ quan thuế thực hiện xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đã đăng ký và có kết quả là người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, cơ quan thuế cập nhật trạng thái mã số thuế là 06, lý do tương ứng với hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế của người nộp thuế.
Luật sư tư vấn thủ tục đóng mã số thuế doanh nghiệp
Luật sư hỗ trợ, tư vấn thủ tục đóng mã số thuế doanh nghiệp
Luật sư đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp thực hiện quy trình đóng mã số thuế một cách chính xác, hiệu quả. Theo đó, luật sư sẽ thực hiện các công việc sau:
- Phân tích, đánh giá thông tin liên quan đến tình trạng hoạt động doanh nghiệp
- Tư vấn về các điều kiện, hồ sơ cần thiết, quy trình thực hiện tại cơ quan thuế
- Hỗ trợ soạn thảo các văn bản pháp lý cần thiết cho thủ tục đóng mã số thuế
- Tư vấn về các nghĩa vụ còn lại sau khi đóng mã số thuế
Thủ tục đóng mã số thuế doanh nghiệp là một quy trình pháp lý quan trọng, đòi hỏi sự cẩn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho quý khách hàng đang có nhu cầu tìm hiểu và thực hiện thủ tục này một cách thuận lợi và hiệu quả. Nếu có các thắc mắc liên quan đến việc chấm dứt hoạt động kinh doanh, các nghĩa vụ thuế,.. Vui lòng liên hệ qua số điện thoại 0386579303 của chúng tôi để được cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý toàn diện nhất.