Thủ tục thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài

Trong xu thế hội nhập nền kinh tế, Việt Nam đã thực hiện những chính sách để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư cũng có những bước tiến quan trọng trong hoạt động gia nhập, hoạt động tại thị trường Việt Nam thông qua nhiều hình thức trong đó có hình thức thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên khi tiến hành đầu tư, để đảm bảo quyền lợi và tính hợp pháp, nhà đầu tư nước ngoài phải tìm hiểu, nắm rõ thủ tục thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài

Cơ sở pháp lý thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài

Luật đầu tư 2020

Luật Doanh nghiệp 2020

Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn luật đầu tư

Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp

Thế nào là thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài

Theo Điều 21 Luật Đầu tư 2020 ghi nhận có 05 hình thức đầu tư mà nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn khi muốn tiến hành hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Một trong số đó có hình thức thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo khoản 22 Điều 33 Luật Đầu tư 2020 quy định: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.

Về cơ bản, thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài là một hình thức đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cá nhân và pháp nhân) vào Việt Nam thông qua hoạt động thành lập tổ chức kinh tế như công ty liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài,…

Trình tự thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài

Để thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài hợp pháp ở Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài phải tiến hành 2 giai đoạn, gồm hai thủ tục: thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư và thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Giai đoạn 1: Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư

Bước 1: Nhà đầu tư nước ngoài chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nộp tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ đầu tư.

Bước 2: Chuyên viên tại cơ quan tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:

          + Trường hợp phát hiện hồ sơ không hợp lệ, thiếu sót; chuyên viên yêu cầu người nộp sửa chửa, thay đổi, bổ dung theo yêu cầu.

          +Trường hợp xem xét sơ bộ hồ sơ đảm bảo đầy đủ và hợp lệ, cơ quan tiếp nhận ghi biên nhận hồ sơ. Giao cho bộ phận xem xét, thẩm định hồ sơ.

Bước 3: Hồ sơ đăng ký đầu tư được thẩm định bởi bộ phận có thẩm quyền.

          + Trường hợp hồ sơ không đáp ứng điều kiện, không hợp lệ. Cơ quan có thẩm quyền từ chối cấp giấy chứng nhận đầu tư, trả hồ sơ và có văn bản trình bày nguyên nhân.

          + Trường hợp hồ sơ đáp ứng các điều kiện, đảm bảo tính hợp lệ. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Bước 4: Nhận kết quả, nhà đầu tư nước ngoài có thể nhận kết quả trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua hoạt động gửi bưu chính (nếu nhà đầu tư nước ngoài có đăng ký dịch vụ).

Giai đoạn 2: Thủ tục xin giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Bước 1: Người nộp đơn chuẩn bị hồ sơ và đóng phí tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đăng ký trực tuyến trên Cổng thông tin Đăng ký doanh nghiệp quốc gia: https://dangkykinhdoanh.gov.vn.

          Lưu ý người nộp hồ sơ là người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài.

Bước 2: Chuyên viên tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ:

          + Trường hợp phát hiện hồ sơ không hợp lệ, thiếu sót; chuyên viên yêu cầu người nộp hồ sơ sửa chửa, thay đổi, bổ dung theo yêu cầu.

          + Trường hợp xem xét sơ bộ hồ sơ đảm bảo đầy đủ và hợp lệ, cơ quan tiếp nhận ghi biên nhận hồ sơ, trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được tiếp nhận để nhập thông tin vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Có đủ giấy tờ theo quy định tại Nghị định này;
  • Tên doanh nghiệp đã được điền vào Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Giấy đề nghị đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
  • Có địa chỉ liên lạc của người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp;
  • Đã nộp đủ phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

Bước 3: Sau khi trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh nhập đầy đủ, chính xác thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và tải các văn bản đã được số hóa trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

          + Trường hợp hồ sơ không đáp ứng điều kiện, không hợp lệ. Cơ quan từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài, trả hồ sơ và có văn bản trình bày nguyên nhân.

          + Trường hợp hồ sơ đáp ứng các điều kiện, đảm bảo tính hợp lệ. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng đăng ký doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài.

Bước 4: Nhận kết quả, nhà đầu tư có thể nhận kết quả trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua hoạt động gửi bưu chính (nếu nhà đầu tư đăng ký dịch vụ).

Hồ sơ thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài

Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:

          – Đối với nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân – người trực tiếp đầu tư vào Việt Nam.

    • Bản sao có chứng thực chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu công chứng
    • Xác nhận số dư tài khoản của ngân hàng trong nước hoặc nước ngoài ( nhằm mục đích chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư ….)
    • Hợp đồng thuê trụ sở bao gồm: bản phô tô sổ đỏ trụ sở đăng ký và hợp đồng thuê trụ sở.

          – Đối với nhà đầu tư nước ngoài là là tổ chức bao gồm những công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

    • Bản sao giấy phép đăng ký kinh doanh (đối với công ty Việt Nam thì công chứng còn đối với nhà đầu tư là công ty nước ngoài thì dịch công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự)
    • Báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc có xác nhận của cơ quan thuế trong 2 năm gần nhất  (dịch công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự)
    • Bản sao có chứng thực chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện quản lý phần vốn góp tại công ty Việt Nam.
    • Điều lệ của công ty chủ quản (hợp pháp hóa lãnh sự đối với công ty nước ngoài)
    • Văn bản ủy quyền của công ty cho người đại diện (hợp pháp hóa lãnh sự đối với công ty nước ngoài)
    • Hồ sơ kinh nghiệm và năng lực của nhà đầu tư.

Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài:

          Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần:

    • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
    • Điều lệ công ty.
    • Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.
    • Bản sao các giấy tờ sau đây:
  • Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
  • Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
  • Đối với thành viên, cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

          – Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên:

    • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
    • Điều lệ công ty.
    • Bản sao các giấy tờ sau đây:
      • Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
      • Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
      • Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
      • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Cách thức thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài

Đối với thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư:

Theo Điều 38 Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn luật đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài trước khi thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài kê khai trực tuyến các thông tin về dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kê khai hồ sơ trực tuyến, nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư. Trong trường hợp quá thời hạn 15 ngày kể từ ngày khai hồ sơ trực tuyến mà cơ quan đăng ký đầu tư không nhận được hồ sơ thì hồ sơ kê khai trực tuyến không còn hiệu lực.

Đối với thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài: 

Người nộp hồ sơ có thể chọn các cách nộp hồ sơ như sau:

          – Nộp trực tiếp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

          – Nộp trực tuyến, người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ( https://dangkykinhdoanh.gov.vn).

          – Nộp hồ sơ bởi dịch vụ bưu chính thông qua bưu điện.

Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài

Thẩm quyền cho phép thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài

Theo Điều 34 Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn luật đầu tư, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài được xác định như sau:

          – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau:

    • Dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
    • Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế;
    • Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

          – Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư sau:

    • Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế;
    • Dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài

  • Trước khi thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  • Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài mà Việt Nam cam kết khi gia nhập WTO hoặc các Hiệp định song phương với các nước
  • Về tư cách pháp lý: Nhà đầu tư nước ngoài tiến hành thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài là cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài (được thành lập hợp pháp theo quy định của nước sở tại) mà quốc gia đó có tham gia Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO hoặc các quốc gia có Hiệp định với Việt Nam.
  • Lĩnh vực đầu tư kinh doanh: Doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài không được tiến hành đầu tư, kinh doanh những ngành nghề bị cấm theo Điều 6 Luật Đầu tư 2020. Đối với những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải đáp ứng những điều kiện được đặt ra.

Trên đây là nội dung giới thiệu về thủ tục thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài. Mọi thắc mắc hoặc nhu cầu về thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài, Quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi – Công ty Luật Kiến Việt để được tư vấn và hướng dẫn.

>> Có thể bạn quan tâm: Quy trình thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay

>> Dịch vụ thành lập doanh nghiệp tại Lâm Đồng

Scores: 5 (16 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Kiến Việt

Chức vụ: Công ty Luật Kiến Việt

Lĩnh vực tư vấn: Công ty Luật Kiến Việt đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ luật sư tư vấn và thực hiện thủ tục pháp lý chuyên nghiệp, uy tín trong các lĩnh vực về đất đai, bất động sản, doanh nghiệp đầu tư, đấu thầu xây dựng, tranh tụng vụ án dân sự, ly hôn, tranh chấp đất đai, tranh chấp thừa kế, dịch vụ luật sư hình sự, luật sư bào chữa, kháng cáo..

Trình độ đào tạo: Đại học Luật TP.HCM, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 626 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *