Tìm hiểu về nghề luật sư

Trong xã hội phát triển ngày nay, nghề luật sư đã trở lên quen thuộc đối với các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức. Chúng ta vẫn thường được xem các bộ phim có các luật sư xuất hiện trong những bộ quần áo lịch lãm, uy nghi để trong các phiên tòa để biện hộ cho thân chủ. Trong bài viết này sẽ giới thiệu cho các bạn những điều cơ bản về nghề luật sư để các bạn hiểu hơn về nghề này ở Việt Nam.

icon Luật sư là gì?

Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật Luật sư (điều kiện được nêu tại mục 3 dưới đây), thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng) như: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác.

(Điều 2, Điều 4 Luật luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012).

Theo Luật Luật sư của Việt Nam hiện nay, người đã gia nhập Đoàn luật sư phải làm việc theo một trong các hình thức sau:

– Làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư;

– Hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức;

– Hoặc thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư tại địa phương nơi Đoàn luật sư có trụ sở (khi đủ điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư).

(Điều 20 Luật luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012).

Tìm hiểu về nghề luật sư

 

icon Các công việc của nghề luật sư

Ngay từ định nghĩa, pháp luật đã khái quát hóa về công việc mà một luật sư thực hiện. Đó chính là tiến hành các dịch vụ pháp lý theo yêu cầu và mong muốn của những cá nhân hay tổ chức là khách hàng của mình. Theo quy định của Luật Luật sư, luật sư thực hiện các công việc sau:

– Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.

– Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện tư vấn pháp luật.

Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật.

– Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật.

(Điều 22 Luật luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012).

Có nghĩa rằng, một người luật sư (kể từ khi có Thẻ luật sư) thì được thực hiện tất cả các công việc nêu trên. Tuy nhiên, hiện nay theo yêu cầu thực tiễn và công việc, các luật sư đã tự mình đi theo hướng chuyên môn hóa hơn, tức một luật sư hoặc một tổ chức hành nghề luật sư sẽ thực hiện ở một, một số lĩnh vực nhất định để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Trên thị trường pháp lý hiện nay có hai xu hướng hành nghề luật sư dần được định hình là luật sư tư vấnluật sư tranh tụng.

– Đối với luật sư tư vấn:

Những luật sư tư vấn là người chủ yếu thực hiện việc nghiên cứu quy định pháp luật, hồ sơ và vụ việc của khách hàng, dựa vào kinh nghiệm và hiểu biết của mình để nêu các ý kiến pháp lý, đưa ra các lời tư vấn và các giải pháp cho về vấn đề của khách hàng. Luật sư tư vấn chỉ ra đâu là quy định nên, cần, tránh thực hiện và những rủi ro, hậu quả pháp lý. Ngoài ra luật sư tư vấn sẽ thay mặt hoặc đồng hành với khách hàng thực hiện các công việc pháp lý cho khách hàng như xin các giấy phép, soạn thảo đàm phán ký kết hợp đồng với các bên liên quan, thực hiện các phi vụ mua bán sáp nhập (M&A), tư vấn và thực hiện thủ tục pháp lý dự án bất động sản….

– Đối với luật sư tranh tụng:

Luật sư tranh tụng là người tư vấn và tham gia bảo vệ cho khách hàng trong các tranh chấp, kiện tụng tại các cơ quan có thẩm quyền như tòa án, trọng tài, cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, một trong những công việc quan trọng của họ là nghiên cứu quy định pháp luật, hồ sơ vụ án để tìm ra điểm yếu, điểm mạnh từ đó đề xuất các giải pháp nên được áp dụng. Bên cạnh đó, họ cũng phải tiếp xúc trực tiếp khách hàng để nắm bắt được những mong muốn và cũng qua đó hiểu rõ hơn về vụ việc đang thực hiện. Luật sư tranh tụng cũng phải làm việc với các cơ quan pháp luật có liên quan, xuất hiện tại các phiên tòa với trọng trách bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thân chủ, khách hàng.

icon Điều kiện để trở thành luật sư

Luật Luật sư đã nêu rõ, một người chỉ được công nhận là luật sư khi đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn mà Luật này quy định. Về cơ bản, luật sư là cả một quá trình tương đối khó khăn và mất nhiều thời gian. Bởi lẽ các tiêu chuẩn để trở thành luật sư khá phức tạp vì đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau. Căn cứ theo Điều 10 Luật Luật sư hiện hành thì các điều kiện để trở thành một luật sư là:

– Công dân Việt Nam trung thành với tổ quốc

– Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật

– Phẩm chất đạo đức tốt

– Có bằng cử nhân luật

– Đã được đào tạo nghề luật sư

– Đã qua tập sự hành nghề luật sư

– Có sức khỏe bảo đảm để hành nghề

– Sức khỏe bảo đảm để hành nghề

icon Quy trình để trở thành luật sư

Để trở thành luật sư không phải là một điều đơn giản mà là cả một câu chuyện dài. Những ai muốn làm công việc này trong tương lai thì cần có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ những bước đầu tiên.

Bước 1: Có bằng cử nhân luật

Học sinh hoàn thành chương trình trung học phổ thông, cần vào học một trường đại học chuyên ngành luật và tốt nghiệp để lấy bằng Cử nhân luật. Thời gian đào tạo hiện nay vào khoảng 4 năm.

Bước 2: Tham gia khóa đào tạo nghề luật sư

Khi đã hoàn tất chương trình ở bậc đại học và được cấp bằng cử nhân, các cử nhân luật muốn theo con đường luật sư tiếp tục giai đoạn tham gia vào khóa đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào đạo nghề luật sư mà hiện nay là Học viện tư pháp. Thời gian tham gia khóa học này là 12 tháng. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người học sẽ được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề Luật sư.

Riêng những đối tượng dưới đây được quyền miễn khóa đào tạo nghề luật sư bao gồm:

– Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.

– Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sỹ luật.

– Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

– Đã là thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

Bước 3: Tập sự hành nghề luật sư

Sau khi đã được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư hoặc các cá nhân được miễn đào tạo ghề luật sư, cần tập sự hành nghề luật sư tại một tổ chức hành nghề luật sư. Thời gian tập sự hành nghề luật sư là mười hai tháng, trừ những người được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư tại Điều 16 Luật Luật sư. Thời gian tập sự hành nghề luật sư được tính từ ngày đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư.

Người tập sự hành nghề luật sư đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư ở địa phương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư mà mình tập sự và được Đoàn luật sư cấp Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư.

( Điều 14 Luật Luật sư 2006 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012)

Cần lưu ý rằng, chỉ những tổ chức được liệt kê sau đây mới có đủ thẩm quyền nhận và hướng dẫn người tập sự hành nghề luật sư:

– Văn phòng luật sư, công ty luật; chi nhánh của văn phòng luật sư, công ty luật;

– Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam; công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.

Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam được nhận người tập sự hành nghề luật sư khi có ủy quyền bằng văn bản của người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư hoặc Giám đốc công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.

Bước 4: Kiểm tra kết thúc tập sự

– Người hoàn thành khóa tập sự hành nghề luật sư cần tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

– Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi người tập sự hành nghề luật sư xem xét, lập danh sách những người đủ điều kiện tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư gửi Liên đoàn luật sư Việt Nam.

– Liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

– Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư được Hội đồng kiểm tra cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Bước 5: Cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

 Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư. Hồ sơ gồm có:

– Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;

– Phiếu lý lịch tư pháp;

– Giấy chứng nhận sức khỏe;

– Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật;

– Bản sao Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Theo quy định, trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Tuy nhiên trên thực tế cho thấy thời gian để chờ nộp hồ sơ, gửi hồ sơ và được cấp chứng chỉ thường kéo dài hơn quy định, thường kéo dài khoảng 6 tháng.

Bước 6: Gia nhập đoàn luật sư

Người có Chứng chỉ hành nghề luật sư cần lựa chọn và gia nhập một Đoàn luật sư để hành nghề luật sư

Người có Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư đến Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư. Hồ sơ gia gồm có:

– Giấy đề nghị gia nhập Đoàn luật sư theo mẫu do Liên đoàn luật sư Việt Nam ban hành;

– Phiếu lý lịch tư pháp đối với trường hợp nộp hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư quá sáu tháng, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;

– Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xem xét, ra quyết định về việc gia nhập Đoàn luật sư. Sau đó Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam cấp Thẻ luật sư cho luật sư mới gia nhập. Sau khi có Thẻ luật sư thì luật sư đó có thể bắt đầu hành nghề luật sư.

Tuy nhiên trong thời gian 02 năm đầu kể từ có Thẻ luật sư, luật sư chưa đủ điều kiện để thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư, do đó phải hành nghề theo một trong hai hình thức sau:

– Làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư.

Hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức.

Tìm hiểu về nghề luật sư

 

icon Triển vọng và khó khăn của nghề luật sư

Triển vọng:

Từ phân tích ở trên cũng đủ thấy để trở thành luật sư là một điều không đơn giản. Thêm vào đó quá trình hành nghề sau đó lại là cả một đoạn đường dài. Dù phài mất khá nhiều thời gian để có thể hành nghề nhưng nhiều người vẫn chọn trở thành một luật sư một phần là vì đam mêm và cũng một phần là nhìn thấy được những triển vọng phát triển của nghề.

Một thực tế không thể phủ nhận rằng ngành luật là một trong những ngành nghề có thể tạo ra được những cơ hội việc làm đa dạng nhất. Bởi lẽ bất kỳ lĩnh vực nào đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật mà những quy định đó thì không phải người ngoài ngành nào cũng có thể đọc, hiểu và áp dụng. Từ tư nhân cho đến nhà nước, từ lao động bình thường cho đến những ngành nghề xa hoa thì hầu như đều có cơ hội việc làm cho dân luật mà đặc biệt là luật sư – người đã sở hữu một kiến thức luật nền tảng.

Không như những ngành nghề khác, lương của luật sư hầu hết sẽ được phản ánh thông qua uy tín, kiến thức và kinh nghiệm làm việc. Đây cũng là một trong lý do khiến nhiều người có mong muốn được trở thành luật sư. Dựa theo một nghiên cứu thì Luật sư là một trong mười ngành nghề có mức lương cao nhất tại Việt Nam vào năm 2020.

– Với tốc độ hội nhập của Việt Nam hiện nay, việc thay đổi, bổ sung các quy định pháp luật thường xuyên là điều tất yếu, dễ hiểu. Nhưng không phải cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào cũng cập nhật kịp thời và am tường những điểm mới trong hệ thống pháp luật nước nhà. Bởi vậy, họ luôn cần một đội ngũ luật sư nhạy bén và có trình độ chuyên môn cao để tư vấn kịp thời cho những giải pháp pháp lý hiệu quả mà vẫn phù hợp với nguyên tắc “công dân được làm những gì pháp luật cho phép”. Và, một quốc gia dù ở giai đoạn đang phát triển hay đã giàu mạnh vẫn luôn cần có đổi mới trong quy định pháp luật nhằm tương thích với tình hình thực tại của đất nước đó. Chính vì lẽ này mà sẽ không ngoa khi cho rằng luôn có vô vàn cánh cửa nghề nghiệp cùng cơ hội thăng tiến mở ra cho luật sư.

Nếu quá khứ, luật sư chỉ được biết đến như một “thầy cãi” xuất hiện trên các phiên tòa để bảo vệ cho thân chủ trong các vụ tranh tụng về kinh tế hoặc dân sự thì hiện nay, trong điều kiện hội nhập của Việt Nam, đội ngũ luật sư đã được tiếp cận với một thị trường dịch vụ mới mẻ, rộng lớn. Các loại hình kinh doanh trong nước đã và đang phát triển đa dạng và phức tạp hơn làm phát sinh những vấn đề liên quan đến pháp luật vượt ngoài khả năng giải quyết của một doanh nghiệp không có chuyên môn trong lĩnh vực pháp lý. Vì những lý do đó mà sự hiện diện của luật sư đã không còn bị bó hẹp tại các phiên tòa mà được mở rộng ra trở thành một người tư vấn đắc lực cho doanh nghiệp.

Ngoài ra việc hội nhập quốc tế cũng mở ra cho các luật sư của Việt Nam cơ hội được cọ xát, học hỏi, thử thách với các luật sư nước ngoài và môi trường làm việc chuyên nghiệp quốc tế. Hiện nay Việt Nam đã có nhiều luật sư và hãng luật vươn tầm cạnh tranh với các luật sư và hãng luật quốc tế. Thậm chí một số luật sư Việt Nam đã có thể hành nghề ở các nước.

Hiện nay, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc hành nghề luật sư ,… Những văn bản này đã tạo nên một hành lang pháp lý quy định rõ ràng về quyền lợi, nghĩa vụ của người hành nghề luật sư.

Khó khăn:

Tuy nhiên ở một góc độ nào đó, nhiều người nhìn nhận rằng luật sư là một nghề khá cam go và có phần nguy hiểm. Hơn nữa, thực tế đã chứng minh một phần lớn các luật sư đã chuyển hướng sau một thời gian hành nghề vì gặp phải những khó khăn nhất định.

Nguyên nhân trước hết là vì đặc thù của nghề luật sư chính là bảo vệ cho quyền lợi của khách hàng mình trước những bất lợi có thể xảy ra. Điều này vô tình tạo nên những mâu thuẫn nếu trường hợp khách hàng của luật sư đang là một chủ thể bị xã hội lên án. Hay trong quá trình thu thập những chứng cứ, tiếp cận hiện trường, nhân chứng,… có thể khiến cho bản thân của người luật sư thậm chí những người có liên quan gặp nguy hiểm.

Thêm nữa, luật sư luôn phải là người nắm rõ các quy định của pháp luật. Nhưng theo thời gian, luật pháp sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi cho phù hợp với thực tế nên Luật sư luôn luôn phải cập nhật kiến thức và kỹ năng mới để đáp ứng được yêu cầu ngành nghề.

Một trong những khó khăn điển hình của các luật sư ở gia đoạn đầu chính là gánh nặng mang tên “cơm áo gạo tiền”. Như đã nói, mức lương hay thu nhập của luật sư sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố kinh nghiệm. Cho nên ở những giai đoạn đầu thì đây quả thực là một vấn đề nan giải. Do đó một bộ phận lớn các luật sư trẻ đã phải bỏ nghề khi không thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

Tốn nhiều thời gian và công sức. Muốn tiếp cận được hiện trường, nhân chứng hoặc thu thập chứng cứ có giá trị thì đồng nghĩa với việc luật sư phải bỏ không ít thời gian và công sức tìm kiếm và đôi khi còn phải đối mặt với sự cản trở của một số cá nhân hoặc đơn vị chức năng liên quan. Bên cạnh đó, quy định pháp luật thay đổi thường xuyên dẫn đến hệ các luật sư phải cập nhật thường xuyên, nhanh chóng những điểm mới, có như vậy mới đưa ra được sự tư vấn, giải pháp tối ưu nhất cho khách hàng.

Tỷ lệ cạnh tranh cao: Theo một thống kê thì vào thời điểm 2019, nước ta có khoảng hơn 13.000 luật sư và gia tăng qua mỗi năm. Kết quả này cho thấy để có thể trụ lại với nghề luật sư lâu dài, người hành nghề không những cần có chuyên môn cao mà còn phải thường xuyên trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và hoàn thiện những kỹ năng cho mình.

icon Những phẩm chất cử nhân luật cần có để trở thành một luật sư

– Kiến thức: Kiến thức là một trong những yêu cầu không thể thiếu của một người luật sư. Bao gồm kiến thức về pháp luật và kiến thức về xã hội và từng lĩnh vực luật sư hành nghề. Ở một số nước như Mỹ, pháp luật quy định để học luật phải có một bằng đại học ở một lĩnh vực khác. Điều này nhằm giúp người hành nghề luật phải am hiểu về lĩnh vực khác ngoài việc nắm các quy định pháp luật đơn thuần. Hiện nay ở Việt Nam nhiều người cũng đang tự trang bị cho mình kiến thức và học thêm một bằng đại học ở một, một vài lĩnh vực ngoài bằng cử nhân luật của mình. Mặc dù điều này về mặt pháp luật là không bắt buộc.

– Tư duy: Việc hành nghề luật của luật sư không đơn thuần là học hoặc nắm các điều luật, mà  người luật sư để giải quyết tốt cho vụ việc của khách hàng đòi hỏi một tư duy tốt, hay được biết đến là “tư duy pháp lý”. Nghĩa rằng, người luật sư phải biết phân tích và mổ xẻ vụ việc, tìm hiểu, kết nối các thông tin và hồ sơ với nhau, biết đánh giá và tìm ra các giải pháp và hướng giải quyết cho khách hàng…

– Kỹ năng: Luật sư là nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng như khả năng viết lách để soạn các hồ sơ, khả năng giao tiếp để làm việc với khách hàng và các cơ quan liên quan, khả năng tranh luận và phân tích để bảo vệ cho khách hàng tại tòa án, khả năng bình tĩnh và nhanh nhạy trong các tình huống công việc….

– Kiên nhẫn: Luật sư không phải ngành nghề dễ dàng để theo đuổi và thành công mà cần phải có một khoảng thời gian trau dồi, nỗ lực không ngừng nghỉ cả về chuyên môn lẫn kỹ năng mềm. Không giống với những nghề nghiệp khác, chỉ cần hoàn thành chương trình đào tạo bậc đại học, sinh viên liền có thể bắt tay ngay vào công việc chính thức, nghề luật sư đòi hỏi các cử nhân luật trải qua một quá trình vừa học chuyên môn vừa trải nghiệm hành nghề thực tế để tự làm giàu thêm vốn kinh nghiệm của bản thân.

– Sử dụng thành thạo ngoại ngữ: Với thời đại hội nhập nhanh chóng như hiện nay, ngoại ngữ dần trở thành yêu cầu cần có nếu luật sư hành nghề trong lĩnh vực kinh doanh thương mại hoặc muốn có các khách hàng nước ngoài. Hãy thử tưởng tượng làm sao có thể đưa ra tư vấn hay giải quyết vấn đề pháp lý cho một doanh nghiệp đa quốc gia với toàn bộ tài liệu được viết bằng ngoại ngữ và đa số lãnh đạo cấp cao là người nước ngoài nếu chẳng thể giao tiếp thành thạo hay đọc hiểu ngôn ngữ này. Do đó, khi còn là sinh viên, hãy cố gắng trau dồi, rèn luyện khả năng giao tiếp ngoại ngữ sao cho thật lưu loát, thành thạo vừa để đáp ứng điều kiện tốt nghiệp đồng thời cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực về sau. 

– Thành thạo Word, Excel, Powerpoint: Từ lâu, đây đã được xem là các phần mềm tin học văn phòng cơ bản, vậy nên, việc sinh viên bắt buộc phải thành thạo chúng cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, với nghề luật, soạn thảo văn bản, hợp đồng, viết báo cáo,… là chuyện thường xuyên phải thực hiện, do đó, sử dụng nhuần nhuyễn các chức năng, đánh máy nhanh, chuẩn sẽ giúp tiết kiệm được một lượng lớn thời gian, tăng năng suất và hiệu quả công việc. 

 

Scores: 4.1 (10 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Kiến Việt

Chức vụ: Công ty Luật Kiến Việt

Lĩnh vực tư vấn: Công ty Luật Kiến Việt đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ luật sư tư vấn và thực hiện thủ tục pháp lý chuyên nghiệp, uy tín trong các lĩnh vực về đất đai, bất động sản, doanh nghiệp đầu tư, đấu thầu xây dựng, tranh tụng vụ án dân sự, ly hôn, tranh chấp đất đai, tranh chấp thừa kế, dịch vụ luật sư hình sự, luật sư bào chữa, kháng cáo..

Trình độ đào tạo: Đại học Luật TP.HCM, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 458 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *