Khái niệm quy hoạch
Quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định.
Sơ đồ, bản đồ quy hoạch là bản vẽ thể hiện nội dung quy hoạch. Tất cả các loại quy hoạch trên có thể được thể hiện chung trong 1 bản vẽ, cũng có thể được thể hiện trên nhiều bản vẽ khác nhau.
Tỷ lệ quy hoạch
Khái niệm tỷ lệ quy hoạch
Tỷ lệ quy hoạch là tỷ lệ giữa khoảng cách đo trên bản đồ và khoảng cách ngoài thực tế. Trên bản đồ nó sẽ thể hiện rõ tỷ lệ của khoảng cách đã được đo trong thực tế để chúng ta có thể dễ dàng hình dung được đất chỗ đó to hay bé, rộng hay hẹp. Tỷ lệ bản đồ càng lớn thì mức chính xác và cụ thể trên bản đồ càng thấp và ngược lại.
Các loại tỷ lệ quy hoạch
Tỷ lệ 1/5.000, 1/10.000, 1/25.000 là các quy hoạch mang tính định hướng để người dân biết được nơi này sẽ làm gì và độ chính xác không cao nghĩa là đối với các tỷ lệ quy hoạch với số càng lớn thì sai số lên tới hàng trăm mét so với thực tế. Vì vậy, tỷ lệ quy hoạch càng lớn chỉ mang tính tham khảo và định hướng được khu vực đó sẽ làm những gì. Ví dụ, như bản vẽ đồ án quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương được thể hiện theo tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/50.000 hay đồ án quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã thể hiện theo tỷ lệ 1/10.000 hay 1/25.000. Ngược lại, tỷ lệ quy hoạch càng thấp như 1/500 hay 1/2.000 là những loại quy hoạch có tỷ lệ thấp thì độ chính xác lại càng cao và cụ thể và khi xây dựng cho một dự án cụ thể thì họ sẽ chọn loại quy hoạch 1/500. Ví dụ như bản vẽ đồ án quy hoạch phân khu được thể hiện theo tỷ lệ 1/500 hay 1/2.000, hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng dự án tỷ lệ 1/500.
Quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 là do nhà nước lập, được cập nhật theo định kỳ 05 năm 1 lần. Ngoài ra, quy hoạch này cũng có thể cập nhật không định kỳ khi có một sự thay đổi nào đó. Tỷ lệ 1/2.000 là một tài liệu pháp quy có tính pháp lý và loại quy hoạch này được dùng đến khu vực, khu phố hay các tuyến đường liên kết.
Quy hoạch tỷ lệ 1/500 được gọi là quy hoạch chi tiết. Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thường là do doanh nghiệp lập cho dự án của mình hoặc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập ở một số khu vực nhà nước có kế hoạch xây dựng cụ thể. Việc lập tỷ lệ quy hoạch 1/500 phải phù hợp với tỷ lệ quy hoạch 1/2.000 có nghĩa là tỷ lệ 1/500 sẽ chi tiết và cụ thể hóa quy hoạch 1/2.000. Quy hoạch 1/500 tham chiếu đến từng lô đất, từng con hẻm ngõ ngách với độ chính xác cao. Bản vẽ của đồ án quy hoạch chi tiết được thể hiện theo tỷ lệ này.
Vì vậy, nói về tính pháp lý thì tỷ lệ 1/500 và 1/2.000 là có tính pháp lý cụ thể nhất. Còn các tỷ lệ còn lại chỉ mang tính tham khảo và định hướng quy hoạch. Trên thực tế có những nơi chưa có quy hoạch với tỷ lệ 1/2.000 vì vậy đã làm cản trở hoặc gây khó khan cho các doanh nghiệp thực hiện dự án trong việc chọn địa điểm và dự kiến triển khai dự án. Tại những khu vực chưa có quy hoạch 1/2.000, doanh thường phải vận động và xúc tiến để cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập và phê duyệt quy hoạch 1/2.000.
Bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 khu trung tâm TP Đà Lạt
Phân loại quy hoạch
Các dữ liệu ở trên là các tỷ lệ quy hoạch thì liệu với mỗi cấp quy hoạch như vậy có bao nhiêu loại quy hoạch. Có nhiều loại quy hoạch cho các mục đích khác nhau tuy nhiên quan trọng và thường gặp nhất là các loại quy hoạch sau:
1) Nếu xét theo địa giới hành chính: thì chúng ta có Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh.
2) Nếu xét theo địa bàn thì chúng ta có: Quy hoạch đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn.
3) Nếu xét theo quy mô quy hoạch, chúng ta có Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu, Quy hoạch chi tiết.
- Quy hoạch chung là việc tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở cho một đô thị phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của đô thị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.
- Quy hoạch phân khu là việc phân chia và xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị của các khu đất, mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội trong một khu vực đô thị nhằm cụ thể hóa nội dung quy hoạch chung.
- Quy hoạch chi tiết là việc phân chia và xác định chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, yêu cầu quản lý kiến trúc, cảnh quan của từng lô đất; bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội nhằm cụ thể hóa nội dung của quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung.
(Khoản 7, 8 , 9 Điều 3 Luật Quy hoạch Đô thị)
4) Nếu xét theo lĩnh vực thì chúng ta có: Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sân bay, quy hoạch công viên…
- Quy hoạch sử dụng đất: là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định. Đây là quy hoạch quan trọng cho việc lập dự án đầu tư.
- Quy hoạch giao thông: Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ là quy hoạch lĩnh vực chuyên ngành, gồm quy hoạch kết cấu hạ tầng, quy hoạch phương tiện giao thông và vận tải đường bộ. Đối với dự án cụ thể, quy hoạch giao thông là việc quy hoạch các con đường, lô giới, đường nội bộ, hẻm, diện tích, vị trí để làm đường giao thông.
Bản đồ quy hoạch giao thông tỉnh Lâm Đồng
- Quy hoạch xây dựng: là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quy hoạch xây dựng được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch xây dựng gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh.
- Quy hoạch phân lô: Quy hoạch chi tiết về ô phố ra từng lô đất nhỏ làm cơ sở cho việc quản lý xây dựng, quản lý giao đất.
Hình thức thể hiện quy hoạch
Đối với một phê duyệt quy hoạch đô thị, quy trình phê duyệt gồm hai bước: Nhiệm vụ quy hoạch và Đồ án quy hoạch.
- Nhiệm vụ quy hoạch là các yêu cầu về nội dung nghiên cứu và tổ chức thực hiện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở để lập đồ án quy hoạch đô thị.
- Đồ án quy hoạch đô thị là tài liệu thể hiện nội dung của quy hoạch đô thị, bao gồm các bản vẽ, mô hình, thuyết minh và quy định quản lý theo quy hoạch đô thị.
Phê quyệt quy hoạch 1/500 gồm phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch và phê duyệt đồ án quy hoạch
Quy hoạch khi được cơ quan nhà nước phê duyệt ban hành gồm 2 loại chính: Quyết định phê duyệt quy hoạch và Sơ đồ, bản đồ quy hoạch.
- Quyết định phê duyệt quy hoạch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Quốc hội, Chính phủ, UBND cấp tỉnh ban hành, thể hiện việc thông qua và nội dung của quy hoạch.
- Sơ đồ, bản đồ quy hoạch là bản vẽ thể hiện nội dung quy hoạch. Tất cả các loại quy hoạch trên có thể được thể hiện chung trong 1 bản vẽ, cũng có thể được thể hiện trên nhiều bản vẽ khác nhau.
Trên đây là những thông tin giới thiệu cơ bản về quy hoạch của Luật Kiến Việt, hi vọng đem tới cho các bạn những thông tin về quy hoạch hữu ích.