Ai có quyền ký hợp đồng lao động?

Rất nhiều hợp đồng lao động sau khi ký kết, thực hiện hoặc khi có tranh chấp ra tòa án mới phát hiện ra người giao kết hợp đồng không đúng thẩm quyền. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi các bên tham gia ký kết, đặc biệt là người lao động. Như vậy, ai là người có thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động với người lao động, trong trường hợp hợp đồng lao động ký kết sai thẩm quyền vậy phải xử lý như thế nào, bài viết dưới đây Luật Kiến Việt sẽ hỗ trợ bạn về mặt pháp lý.

Giao kết hợp đồng lao động

Theo quy định tại Điều 13, Bộ luật lao động 2019 có quy định về hợp đồng lao động:

“1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.”

Như vậy, hợp đồng là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương về điều kiện lao động đồng thời quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, người sử dụng lao động ở đây có thể hiểu theo nghĩa như thế nào khi người lao động làm việc với Công ty có nhiều quản lý trực tiếp cấp trên của mình hay người sử dụng lao động ở đây có thể hiểu là “cá nhân” trực tiếp quản lý trực tiếp mình trong một quán ăn, hay cửa hàng?

Để làm rõ về thẩm quyền ký kết hợp đồng và định nghĩa về “người sử dụng lao động” Bộ luật lao động 2019 đã quy định cụ thể như sau:

Tại khoản 2, Điều 3, Bộ luật lao động 2019: “Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.”

>> Xem thêm: Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng lao động

Ai có quyền ký hợp đồng lao động?

Ai là người có thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động?

Thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

“1. Người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động.

Hợp đồng lao động do người được ủy quyền ký kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của từng người lao động.

3. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

b) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

c) Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

d) Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.

4. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;

c) Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;

d) Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.

5. Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người khác giao kết hợp đồng lao động.”

>> Có thể bạn quan tâm: Hợp đồng lao động bằng lời nói có giá trị không?

Ai có quyền ký hợp đồng lao động?

Người ký kết hợp đồng lao động

Theo quy định trên, pháp luật đã liệt kê cụ thể những người có thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động như sau:

  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng thành viên có thể kiêm nhiệm giám đốc/tổng giám đốc,…)
  • Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được uỷ quyền theo quy định của pháp luật (có thể là phó giám đốc, chủ tịch,…)
  • Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được uỷ quyền theo quy định của pháp luật (là chủ cửa hàng kinh doanh, cửa hàng ăn uống, người được uỷ quyền của chủ cá nhân, đại diện của tổ hợp tác, giám đốc chi nhánh, văn phòng đại diện, giám đốc quỹ chứng khoán, giám đốc/tổng giám đốc của văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài,…)
  • Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động (chủ cửa hàng quần áo, chủ cửa hàng thức ăn, đồ uống, chủ vựa trái cây, tàu đóng thuyền, …)

Người lao động ký kết hợp đồng lao động

Pháp luật cũng quy định cụ thể về năng lực pháp luật của cá nhân người lao động khi giao kết hợp đồng lao động

  • Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên
  • Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;
  • Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó (ba, mẹ, người giám hộ trong trường hợp không có ba mẹ)
  • Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.

Như vậy, khi thực hiện ký kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động người lao động phải cần cân nhắc kỹ lưỡng, mình sẽ ký kết hợp đồng và làm việc cho tổ chức, doanh nghiệp hay là một cá nhân làm chủ để xem xét được thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động. Trường hợp ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền thì hậu quả pháp lý như sau:

Hậu quả pháp lý của việc hợp đồng lao động ký kết sai thẩm quyền

Theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 49, Bộ Luật lao động về các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu khi: “Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật này”

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 10, Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì việc xử lý hợp đồng lao động bị vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động như sau:

  • Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ, người lao động và người sử dụng lao động ký lại hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật;
  • Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi hợp đồng lao động được ký lại thực hiện như sau:

    • Nếu quyền, lợi ích của mỗi bên trong hợp đồng lao động không thấp hơn quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động được thực hiện theo nội dung hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu
    • Nếu hợp đồng lao động có nội dung về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của mỗi bên vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến phần nội dung khác của hợp đồng lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động thực hiện theo:

      • Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên trong thời gian từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần đến khi hợp đồng lao động được sửa đổi, bổ sung thì được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng, trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
      • Trường hợp hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu có tiền lương thấp hơn so với quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì hai bên phải thỏa thuận lại mức lương cho đúng quy định và người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định phần chênh lệch giữa tiền lương đã thỏa thuận lại so với tiền lương trong hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để hoàn trả cho người lao động tương ứng với thời gian làm việc thực tế theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu.
  • Thời gian người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian làm việc của người lao động cho người sử dụng lao động để làm căn cứ thực hiện chế độ theo quy định của pháp luật về lao động
  • Trường hợp không ký lại hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì:

    • Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động
    • Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10, Nghị định 145/2020/NĐ-CP
    • Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
  • Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Do đó, để chuẩn bị tốt nhất cho công việc ngoài những kiến thức chuyên môn, người lao động cần phải tìm hiểu và xem xét kỹ lưỡng về các điều khoản của hợp đồng lao động, nội quy lao động của tổ chức, cá nhân mà mình sắp làm để bảo vệ được quyền lợi của mình một cách chính đáng.

Trên đây là nội dung giới thiệu về người có thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động. Mọi nhu cầu dịch vụ pháp lý về tư vấn hợp đồng lao động, các vấn đề về lao động vui lòng liên hệ với công ty luật Kiến Việt để được cung cấp.

Thông tin liên hệ Công ty Luật Kiến Việt:

Liên hệ qua Website: https://luatkienviet.com/

Liên hệ qua điện thoại: 0386 579 303

Liên hệ qua Email: contact@luatkienviet.com

Liên hệ qua Facebook: https://www.facebook.com/luatkienviet

Liên hệ trực tiếp tại địa chỉ công ty.  

 

Scores: 4 (13 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Chức vụ: Giám Đốc Điều Hành

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Bất Động Sản, Dự Án Đầu Tư, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Dân sự, HNGĐ, Lao Động, Hợp Đồng, Hình Sự, Hành Chính và tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp, tranh tụng...

Trình độ đào tạo: Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 557 bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *