Giải quyết tranh chấp góp vốn thành lập công ty hiệu quả giúp các bên góp vốn giữ được mối quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững. Tuy nhiên, đây là một vấn đề phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Bài viết này sẽ tập trung phân tích những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, đồng thời trình bày các phương thức, trình tự, thủ tục giải quyết theo quy định pháp luật và những điều cần lưu ý khi khởi kiện đối với loại tranh chấp này.
Giải quyết tranh chấp góp vốn thành lập công ty
Những tranh chấp có thể phát sinh giữa thành viên công ty góp vốn
Những tranh chấp cơ bản, thường thấy giữa các thành viên trong công ty:
- Tranh chấp về tư cách thành viên công ty. Tranh chấp này phát sinh trong trường hợp thành viên không góp tiền cho số vốn cam kết góp; thành viên góp không đủ số vốn góp đã đăng ký.
- Tranh chấp phát sinh từ quyết định của Hội đồng thành viên có thể kể đến như quyết định không hợp pháp, không tuân thủ theo quy định.
- Tranh chấp về định giá tài sản góp vốn, tài sản đem góp vốn phải được các thành viên thống nhất về giá trị, trừ tài sản là tiền, vàng thì các loại tài sản khác trước khi được đưa vào thành tài sản công ty đều phải được định giá.
- Tranh chấp về hợp đồng trước kinh doanh (hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp), thường xuất hiện trong quá trình thành lập công ty.
Phương thức giải quyết tranh chấp góp vốn lập công ty
Phương thức giải quyết tranh chấp góp vốn
Thương lượng, hòa giải
Thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp không cần có sự tham gia của bên thứ ba. Đặc điểm cơ bản của thương lượng là các bên cùng nhau trình bày quan điểm và ý kiến của mình, thảo luận các giải pháp và đạt được thỏa thuận về cách giải quyết xung đột. Phương pháp này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, giữ gìn mối quan hệ hòa hợp của các bên, tạo điều kiện để các bên có thể cùng nhau tìm ra phương án giải quyết phù hợp. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có thể mang lại lại hiệu quả nếu các bên tự nguyện.
Hòa giải là hình thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba độc lập được hai bên cùng chấp nhận hoặc chỉ định. Bên thứ ba này sẽ đóng vai trò trung gian, hỗ trợ các bên trong việc tìm kiếm giải pháp. Tương tự như thương lượng, phương pháp này cũng giúp tiết kiệm chi phí và thời gian nhưng cũng chỉ có hiệu quả nếu các bên có thiện chí hợp tác.
Trọng tài
Giải quyết trọng tài cũng bắt nguồn từ sự thỏa thuận của các bên trên cơ sở tự nguyện. Các bên được quyền thỏa thuận lựa chọn một Trọng tài phù hợp, chỉ định trọng tài viên để thành lập Hội đồng Trọng tài giải quyết tranh chấp. Khác với thương lượng hòa giải, trọng tài là một cơ quan tài phán. Tính tài phán của trọng tài thể hiện ở quyết định trọng tài có giá trị cưỡng chế thi hành.
Tòa án
Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của cơ quan tài phán nhà nước, nhân danh quyền lực nhà nước để đưa ra phán quyết buộc các bên có nghĩa vụ thi hành, kể cả bằng sức mạnh cưỡng chế. Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án thường tốn nhiều thời gian, chi phí và đánh mất quan hệ hợp tác giữa các bên tham gia góp vốn.
Thủ tục giải quyết tranh chấp góp vốn thành lập công ty
Căn cứ theo quy định của BLTTDS 2015, việc giải quyết tranh chấp góp vốn thành lập công ty cần trải qua các bước sau:
Bước 1: Khởi kiện và thụ lý vụ án.
Thành viên công ty là cá nhân, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện cùng với tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng cách:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí, đương sự nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án. Tòa án sẽ thụ lý vụ án dân sự kể từ khi nhận được biên lai này.
Bước 2: Hòa giải và chuẩn bị xét xử.
Trường hợp khi thông qua hòa giải, các bên tham gia hòa giải tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần vụ việc dân sự mà phần này không liên quan đến những phần khác của vụ việc dân sự đó và không có đương sự thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận thì Tòa án sẽ ra quyết định hòa giải thành đối với toàn bộ hoặc một phần vụ việc đó. Trong trường hợp hòa giải không thành Thẩm phán chủ toạ phiên hòa giải lập biên bản hòa giải không thành và thực hiện các thủ tục tiếp theo để đưa vụ án ra xét xử.
Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án là 02 tháng. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 01 tháng.
Bước 3: Chuẩn bị xét xử.
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:
- Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;
- Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
- Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
- Đưa vụ án ra xét xử.
Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
Bước 4: Xét xử sơ thẩm
Sau khi xét xử sơ thẩm vụ án, trường hợp các bên đương sự không đồng ý với bản án mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên thì có quyền nộp đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại nội dung bản án.
Bước 5: Xét xử phúc thẩm
Toà án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Lưu ý khi khởi kiện tranh chấp giữa các thành viên công ty
Khi xảy ra tranh chấp giữa các thành viên công ty, bạn cần cân nhắc một số lưu ý quan trọng để đảm bảo quá trình diễn ra suôn sẻ và tuân thủ pháp luật:
- Xác định rõ bản chất và nguyên nhân tranh chấp, xem xét cẩn thận các thỏa thuận hợp tác, điều lệ công ty và các quy định nội bộ khác. Các tài liệu này có thể chứa đựng các quy định cụ thể để giải quyết tranh chấp.
- Cân nhắc các biện pháp giải quyết tranh chấp như thương lượng, hòa giải để có thể tiết kiệm thời gian và chi phí.
- Thu thập đầy đủ bằng chứng liên quan đến tranh chấp như hợp đồng, biên bản họp, thư từ và các tài liệu khác để chứng minh quan điểm của mình.
- Nếu phải giải quyết tranh chấp bằng con đường tố tụng thì cần chuẩn bị hồ sơ khởi kiện đầy đủ. Tuân thủ đúng thủ tục tố tụng (như thời hiệu khởi kiện, thẩm quyền giải quyết).
- Hãy xem xét những rủi ro và chi phí khi tiến hành khởi kiện, vì con đường tố tụng là một quá trình tốn kém thời gian và chi phí pháp lý.
Việc giải quyết tranh chấp một cách hợp lý không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của các bên mà còn giữ vững uy tín và sự ổn định của công ty. Chuẩn bị kỹ lưỡng và tìm kiếm tư vấn chuyên môn là chìa khóa để giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả.
Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp góp vốn lập công ty
Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp góp vốn thành lập công ty
Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp góp vốn lập công ty là cầu nối để giúp các bên tham gia góp vốn vượt qua mọi tranh chấp trong quá trình lập công ty:
- Luật sư hỗ trợ khách hàng hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc góp vốn, tư vấn các biện pháp bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong trường hợp có tranh chấp.
- Luật sư giúp khách hàng thu thập, chuẩn bị hồ sơ, các giấy tờ pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền lợi của khách hàng
- Luật sư có thể tham gia đại diện ngoài tố tụng để đàm phán, hòa giải với các bên liên quan khác để tìm ra giải pháp mà các bên cùng chấp nhận và tránh phải khởi kiện.
- Soạn thảo đơn khởi kiện và các đơn từ cần thiết liên quan.
- Đại diện theo ủy quyền, thay mặt khách hàng tham gia tố tụng, thực hiện các công việc pháp lý, làm việc với cơ quan có thẩm quyền, để thực hiện việc giải quyết tranh chấp hợp đồng góp vốn lập công ty.
- Giúp bạn thực hiện các thủ tục thi hành án, phối hợp với cơ quan thi hành án để đảm bảo bản án được thi hành đúng theo quy định của pháp luật
Tranh chấp trong quá trình góp vốn lập công ty có thể trở thành trở ngại lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Để xử lý tranh chấp góp vốn lập công ty cần người có chuyên môn, kinh nghiệm, nắm rõ những nguyên nhân xảy ra tranh chấp, thủ tục giải quyết và đề xuất những phương pháp giải quyết hiệu quả nhất. Nếu Quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào về giải quyết tranh chấp trong quá trình góp vốn thành lập công ty hãy liên hệ với công ty Luật Kiến Việt qua số hotline 0386579303 để được luật sư tư vấn cụ thể.
Bài viết liên quan có thể bạn đọc quan tâm:
- Tư vấn giải quyết tranh chấp về định giá tài sản góp vốn vào công ty
- Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư
- Tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất