Thủ tục hải quan đối với hàng hoá qua hệ thống ACTS

Hệ thống ACTS có lẽ vẫn đang khá xa lạ đối với chúng ta nhưng đây ắt hẳn là một sự thuận lợi đối với hoạt động thương mại trong khối ASEAN. Việc thiết lập hệ thống ACTS làm rút ngắn thủ tục trong hoạt động vận chuyển hàng hoá qua biên giới và đem đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Vậy thủ tục hải quan đối với hàng hoá qua hệ thống ACTS hiện nay như thế nào? Hãy cùng Luật Kiến Việt tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Thủ tục hải quan đối với hàng hoá qua hệ thống ACTS

Thủ tục hải quan với hàng hoá quá cảnh qua hệ thống ACTS

Hệ thống ACTS là gì?

Hệ thống ACTS theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 46/2020/NĐ-CP được hiểu là hệ thống công nghệ thông tin tích hợp do các nước thành viên ASEAN thiết lập và kết nối, trao đổi thông tin với nhau để thực hiện thủ tục quá cảnh điện tử, kiểm soát sự vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ của các nước thành viên ASEAN, hỗ trợ cơ quan hải quan các nước thành viên ASEAN tính tiền thuế hải quan, tiền bảo lãnh và trao đổi thông tin thu hồi nợ thuế hải quan trên cơ sở quy định tại Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan.

Các giao dịch điện tử thực hiện thông qua Hệ thống ACTS bao gồm:

  • Khai, nhận, phản hồi thông tin về thực hiện thủ tục quá cảnh hàng hóa;
  • Chuyển kết quả xử lý tờ khai quá cảnh hải quan tới người khai hải quan;
  • Trao đổi thông tin liên quan đến hàng hóa quá cảnh với Hệ thống ACTS tương ứng của các nước ASEAN trong hành trình quá cảnh của hàng hóa;
  • Kết nối thông tin với Hệ thống ACTS tương ứng của các nước ASEAN để phục vụ theo dõi giao dịch, thống kê số liệu liên quan đến quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống ACTS.

Ngoài ra, cơ quan hải quan thực hiện xử lý tờ khai quá cảnh hải quan và ra quyết định về việc thông quan hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS.

>> Có thể bạn quan tâm: Thủ tục người nước ngoài xin nhập quốc tịch Việt Nam

Hàng hoá quá cảnh qua hệ thống ACTS

Hàng hoá quá cảnh qua hệ thống ACTS bao gồm các loại hàng hoá được quy định tại Điều 6 Nghị định 46/2020/NĐ-CP:

  • Hàng hoá xuất phát từ Việt Nam, quá cảnh qua các nước thành viên ASEAN khác phải tuân thủ chính sách quản lý đối với hàng hóa quá cảnh của nước quá cảnh.
  • Hàng hóa qua các nước thành viên ASEAN khác và nhập khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ chính sách quản lý đối với hàng hóa quá cảnh của các nước thành viên khác và chính sách quản lý đối với hàng hóa nhập khẩu của pháp luật có liên quan của Việt Nam.
  • Hàng hóa qua Việt Nam phải tuân thủ chính sách quản lý đối với hàng hóa quá cảnh theo quy định của pháp luật có liên quan.

Chi cục trưởng Chi cục hải quan căn cứ kết quả phân luồng của Hệ thống ACTS và các thông tin liên quan đến hàng hóa quá cảnh (nếu có) để quyết định kiểm tra hồ sơ hải quan và/hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa. Việc này được thực hiện bằng máy móc, thiết bị kỹ thuật. Nếu Chi cục hải quan chưa được trang bị máy móc, thiết bị kỹ thuật hoặc việc kiểm tra bằng máy móc, thiết bị kỹ thuật chưa đủ cơ sở xác định được thực tế hàng hóa hoặc hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì công chức hải quan trực tiếp thực hiện kiểm tra thực tế.

Ngoài ra, hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS qua lãnh thổ Việt Nam chuyển tiêu thụ nội địa tại Việt Nam thì thực hiện thủ tục theo quy định hiện hành của pháp luật về hải quan.

Thủ tục hải quan đối với hàng hoá quá cảnh qua hệ thống ACTS

Thủ tục hải quan với hàng hoá quá cảnh qua hệ thống ACTS bao gồm:

  • Thủ tục đối với hàng hoá xuất phát từ Việt Nam quá cảnh qua các nước thành viên ASEAN khác; 
  • Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS từ các nước ngoài ASEAN qua lãnh thổ Việt Nam đến các nước thành viên ASEAN; 
  • Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh qua các nước thành viên ASEAN và nhập khẩu vào Việt Nam hoặc hàng hóa quá cảnh từ các nước thành viên ASEAN qua lãnh thổ Việt Nam đến các nước ngoài ASEAN; 
  • Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh từ các nước thành viên ASEAN qua lãnh thổ Việt Nam đến các nước thành viên ASEAN khác.

Trong khuôn khổ bài chia sẻ này, chúng tôi sẽ chia sẻ về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất phát từ Việt Nam quá cảnh qua các nước thành viên ASEAN khác. Điều này được quy định cụ thể tại Điều 8 Nghị định 46/2020/NĐ-CP

Hồ sơ hải quan

Hồ sơ hải quan trong trường hợp này bao gồm các loại giấy tờ sau:

  • Tờ khai quá cảnh hải quan theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại Phụ lục II Thông tư 42/2020/TT-BTC;
  • Giấy phép quá cảnh hàng hóa hoặc chứng từ tương đương trong trường hợp pháp luật của các nước thành viên ASEAN trong hành trình quá cảnh quy định phải có giấy phép quá cảnh hàng hóa hoặc chứng từ tương đương: 01 bản chụp;
  • Thư bảo lãnh hoặc chứng từ đặt cọc tiền thuế: 01 bản chính. Trong trường hợp bảo lãnh nhiều hành trình, người khai hải quan nộp bản chính khi đăng ký tờ khai quá cảnh hải quan lần đầu có sử dụng bảo lãnh đó;
  • Tờ khai xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu: 01 bản chụp.

Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS thực hiện tại Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu

  • Thực hiện niêm phong container, cập nhật số niêm phong hải quan hoặc ghi nhận thông tin trên biên bản chứng nhận đối với trường hợp hàng hóa không thể niêm phong được thông qua Hệ thống ACTS.
  • Trường hợp doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên, người khai hải quan thực hiện cập nhật số niêm phong đặc biệt thông qua Hệ thống ACTS trước khi hàng hóa được phê duyệt vận chuyển quá cảnh;
  • Phê duyệt hàng hóa được vận chuyển quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS;
  • Giao người khai hải quan 01 bản chứng từ đi kèm hàng hóa quá cảnh (Viết tắt là TAD) in từ Hệ thống ACTS để sử dụng làm chứng từ đi kèm hàng hóa quá cảnh;
  • Theo dõi, phối hợp với các cơ quan liên quan (cơ quan bảo lãnh, hải quan cửa khẩu xuất, hải quan nước quá cảnh và hải quan nước đến) để xử lý những bất thường xảy ra trong quá trình quá cảnh hàng hóa theo quy định.

Trách nhiệm của người khai hải quan

Ngoài nghĩa vụ phải kê khai đầy đủ, chính xác tờ khai quá cảnh hải quan, tuân thủ quy định pháp luật cũng như các quy định khác tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 46/2020/NĐ-CP, người khai hải quan còn phải thực hiện các trách nhiệm sau:

  • Khai đầy đủ thông tin tờ khai hải quan quá cảnh và gửi kèm các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định khi đăng ký tờ khai quá cảnh hải quan thông qua Hệ thống ACTS. Trường hợp Hệ thống ACTS chưa có chức năng đính kèm chứng từ thuộc hồ sơ hải quan thì người khai hải quan nộp bản giấy cho cơ quan hải quan;
  • Xuất trình hàng hóa để cơ quan hải quan thực hiện niêm phong hoặc lập biên bản chứng nhận đối với trường hợp hàng hóa không thể niêm phong được;
  • Xuất trình hồ sơ, hàng hóa để kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan hải quan;
  • Khai bổ sung tờ khai quá cảnh hải quan theo quy định khi phát hiện có sai sót;
  • Trường hợp xảy ra bất thường trong hành trình quá cảnh, người khai hải quan áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế thiệt hại xảy ra và thông báo cho cơ quan hải quan theo số điện thoại đường dây nóng trên Cổng thông tin điện tử hải quan. Nếu không thể thông báo ngay thì tùy theo địa bàn thích hợp, người khai hải quan thông báo ngay với chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an hoặc bộ đội biên phòng nơi bất thường xảy ra để thực hiện xác nhận bất thường theo tình hình thực tế, ký tên, đóng dấu trên TAD và thông báo cho cơ quan hải quan để xử lý theo quy định.

Trách nhiệm của Chi cục hải quan điểm đi và điểm đến

Thủ tục hải quan đối với hàng hoá qua hệ thống ACTS

Trách nhiệm của Chi cục hải quan

Trách nhiệm của Chi cục hải quan trong trường hợp thực hiện thủ tục hải quan thông qua Hệ thống ACTS tại Chi cục hải quan:

  • Trường hợp lô hàng không phải kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, Chi cục hải quan điểm đi thực hiện thủ tục hải quan được nêu bên trên.
  • Trường hợp lô hàng phải kiểm tra hồ sơ hải quan: Chi cục hải quan điểm đi kiểm tra, đối chiếu các thông tin của tờ khai quá cảnh hải quan đã được Hệ thống ACTS chấp nhận khai báo, cấp số tham chiếu tờ khai quá cảnh hải quan với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan.

Trường hợp kết quả kiểm tra đầy đủ, phù hợp thì cơ quan hải quan thực hiện các hoạt động như trường hợp lô hàng không phải kiểm tra hồ sơ hải quan.

Trường hợp kiểm tra kết quả chưa đầy đủ, phù hợp thì Chi cục hải quan điểm đi hướng dẫn người khai hải quan khai bổ sung các thông tin còn thiếu, chưa đầy đủ thông qua Hệ thống ACTS theo quy định.

Trường hợp kiểm tra có dấu hiệu nghi vấn, yêu cầu người khai hải quan xuất trình hàng hóa để kiểm tra thực tế như sau: Chi cục hải quan điểm đi kiểm tra, đối chiếu thông tin của tờ khai quá cảnh đã được Hệ thống ACTS chấp nhận khai báo, cấp số ARN và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan với thực tế hàng hóa. Nếu kết quả kiểm tra thực tế phù hợp với nội dung khai báo, hồ sơ hải quan thì Chi cục hải quan điểm đi thực hiện thủ tục hải quan theo quy định đã nêu. Ngược lại, nếu không phù hợp thì giao Chi cục trưởng Chi cục hải quan điểm đi xem xét, quyết định việc tiếp tục thủ tục quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS hoặc dừng làm thủ tục quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS.

>> Xem thêm: Hồ sơ cấp thẻ thường trú tại Việt Nam cho người nước ngoài 

Trách nhiệm của Chi cục hải quan cửa xuất khẩu

Trách nhiệm của Chi cục hải quan cửa khẩu xuất (Chi cục hải quan quá cảnh) trong trường hợp thủ tục quá cảnh hàng hóa được thực hiện tại Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu:

  • Kiểm tra, đối chiếu thông tin trên TAD do người khai hải quan xuất trình với thông tin tờ khai quá cảnh hải quan trên Hệ thống ACTS;
  • Kiểm tra nguyên trạng hàng hóa, niêm phong hải quan hoặc niêm phong đặc biệt đối với trường hợp hàng hóa quá cảnh của doanh nghiệp quá cảnh được ưu tiên.

Trường hợp kết quả kiểm tra không phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì Chi cục hải quan quá cảnh phê duyệt hàng hóa được tiếp tục hành trình quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS.

Trường hợp kết quả kiểm tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm về niêm phong, hàng hóa không còn nguyên trạng thì Chi cục hải quan quá cảnh thực hiện lập biên bản xác nhận tình trạng hàng hóa và thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa, ghi nhận kết quả kiểm tra thông qua Hệ thống ACTS.

  • Xác nhận hàng hóa đã qua biên giới thông qua Hệ thống ACTS;

Dịch vụ luật sư tư vấn thủ tục hải quan

Trên đây là bài viết chia sẻ về thủ tục hải quan với hàng hoá qua hệ thống ACTS của Công ty Luật Kiến Việt. Quý bạn đọc nếu có bất kỳ vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan, hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin bên dưới để được giải đáp. Xin cảm ơn.

Thông tin liên hệ Công ty Luật Kiến Việt:

Liên hệ qua Website: https://luatkienviet.com/

Liên hệ qua điện thoại: 0386 579 303

Liên hệ qua Email: contact@luatkienviet.com

Liên hệ qua Facebook: https://www.facebook.com/luatkienviet

Liên hệ trực tiếp tại địa chỉ công ty.

Scores: 5 (14 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Chức vụ: Giám Đốc Điều Hành

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Bất Động Sản, Dự Án Đầu Tư, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Dân sự, HNGĐ, Lao Động, Hợp Đồng, Hình Sự, Hành Chính và tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp, tranh tụng...

Trình độ đào tạo: Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 536 bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *