Xác định cha, mẹ, con khi sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo quy định pháp luật

Sinh con bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản là gì?

Theo Khoản 21, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:“Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm”.

Sinh con bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật y học hiện đại để can thiệp vào quá trình thụ thai của người phụ nữ nhằm mục đích giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh hoặc phụ nữ độc thân có thể mang thai và có những đứa con như họ mong muốn.

Những trường hợp được áp dụng sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP: “Cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa”. Như vậy, pháp luật cho phép áp dụng biện pháp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong hai trường hợp: Đối với cặp vợ chồng vô sinh (Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP) và đối với người phụ nữ độc thân (Khoản 6, Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP).

Xác định cha, mẹ, con khi sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo quy định pháp luật

Quy định hiện hành về việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản

Xác định cha mẹ đối với trường hợp cặp vợ chồng vô sinh

“Vô sinh” được hiểu là “tình trạng vợ chồng sau 1 năm chung sống có quan hệ tình dục trung bình 2-3/tuần, không sử dụng biện pháp tránh thai mà người vợ vẫn không có thai”

Cơ sở pháp lí: Khoản 1 Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 của Luật này”.

Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, việc xác định cha mẹ trong trường hợp này căn cứ vào thời kỳ hôn nhân của cặp vợ chồng:

  • Trong trường hợp con sinh ra trước ngày vợ, chồng đăng ký kết hôn và được vợ, chồng thừa nhận là con chung sẽ không được áp dụng đối với trường hợp con sinh ra bằng hỗ trợ kỹ thuật sinh sản.
  • Để đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh được xác định là mẹ của đứa trẻ trong mọi trường hợp, kể cả khi người mẹ là người nhận tinh trùng, nhận noãn hay nhận phôi của người khác và người chồng hợp pháp của người mẹ đó cũng chính là cha đứa trẻ, ngay kể cả chồng không phải là người cho tinh trùng.

Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, hoặc cho phôi với đứa trẻ sinh ra (Khoản 3, Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014)

  • Ví dụ: anh A và chị B là cặp vợ chồng hiến muộn do tinh trùng quá ít, yếu nên không thể có con. C là người đã cho vợ chồng A tinh trùng của mình, các bác sĩ đã tiến hành và cấy thành công cho người vợ là B. B mang thai sinh ra D, lúc này D là con của A và B, và là con hợp pháp của B, không phải là con của người cho tinh trùng đó là C.

Xác định cha mẹ đối với phụ nữ độc thân

Theo Khoản 6, điều 2 Nghị định số 10/2015 NĐ-CP quy định Phụ nữ độc thân là phụ nữ không có quan hệ hôn nhân hợp pháp theo quy định của pháp luật. Tại thời điểm đó người phụ nữ không có quan hệ hôn nhân với bất kì ai và họ không muốn ràng buộc bởi hôn nhân; tuy nhiên họ vẫn muốn có một đứa con để yêu thương, quan tâm, chăm sóc, nương tựa lúc tuổi già.

Theo đó, việc xác định cha mẹ trong trường hợp này được Luật quy định cụ thể. Theo khoản 2 Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra”. Tức là, người phụ nữ độc thân này đương nhiên là mẹ của đứa trẻ được sinh ra đó.

Xác định cha mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

 “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con (Khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014).

Đánh giá về việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản theo pháp luật hiện hành

Điểm tích cực của quy định pháp luật về sinh con bằng nhân tạo

Hiện nay vấn đề sinh con bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản được quy định khá cụ thể, chi tiết trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và Nghị định số 10/2015 NĐ-CP tạo điều kiện thuận lợi cho các cặp vợ chồng và tạo cơ sở pháp lí quan trọng cho việc thực hiện, áp dụng, theo em có được những điểm tích cực như sau:

Thứ nhất, khoản 1 Điều 93 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định việc xác định cha mẹ con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cũng xuất phát từ nguyên tắc chung đó là xác định cha, mẹ, con khi cha mẹ có hôn nhân hợp pháp. Quy định này nhằm  đảm bảo mọi quyền lợi cho cặp vợ chồng, người phụ nữ độc thân và đặc biệt là đứa trẻ. Đối với trường hợp người phụ nữ độc thân khi sinh con thì áp dụng tương tự như trường hợp xác định cha, mẹ, con khi cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp, trong trường hợp này chỉ có quan hệ giữa mẹ và con.

 

Thứ hai, khoản 2 Điều 93, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định “ Trong trường hợp người phụ nữ độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra”. Pháp luật hiện nay ngoài việc cho phép người phụ nữ độc thân được nhận tinh trùng từ người khác còn cho phép họ được nhận phôi trong trường hơp họ không có noãn hoặc noãn không bảo đảm chất lượng để thụ thai. Việc quy định cho người phụ nữ đơn thân được phép nhận phôi thể hiện được tính chất nhân đạo của pháp luật, bởi khi người phụ nữ độc thân khát khao được làm mẹ nhưng do không có noãn hay noãn không đảm bảo chất lượng để thụ thai, do đó dù có nhận tinh trùng của người khác thì họ cũng không thể thụ thai được nên lúc này họ có thể nhận phôi để được sinh con.

Thứ ba, theo khoản 3, Điều 93, Luật HN&GĐ năm 2004 còn quy định: “Việc sinh con kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ, con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra”. Lý do mà pháp luật quy định như vậy xuất phát từ việc chính cặp vợ chồng vô sinh và người phụ nữ độc thân là người đem lại sự sống cho đứa trẻ và họ cũng là người mong muốn có đứa trẻ chứ không phải là người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi. Quy định trên cũng nhằm tránh những tranh chấp về quan hệ cha, mẹ, con của các chủ thể liên quan, là cơ sở đảm bảo ổn định mối quan hệ cha, mẹ, con, giúp cặp vợ chồng, người phụ nữ độc thân yên tâm nuôi dạy đứa trẻ trong điều kiện tốt nhất.

Thứ tư, việc phổ biến sinh con theo phương pháp khoa học sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng “mang thai hộ, đẻ thuê” đang diễn ra rất phổ biến và là một trong những vấn đề nóng hổi, đáng bàn luận hiện nay. Một tình trạng đang bị xã hội ra sức phản đối bởi tính vô đạo, vi phạm đạo đức nghiêm trọng của nó. Ngoài một số ưu điểm của việc sinh sản theo phương pháp khoa học mà đã nêu ở trên thì còn nhiều nguyên nhân khác khiến chúng ta phải ngày một phổ biến,lan rộng trong toàn dân phương pháp sinh sản theo phương pháp khoa học.

Thứ năm, việc sinh con theo phương pháp khoa học đã thể hiện tính nhân bản cao đẹp, thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc. Việc sinh con theo phương pháp khoa học thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kĩ thuật và y học, nó đã tạo ra cơ hội cho những cặp vợ chồng vô sinh có thể có con, góp phần thực hiện được cái niềm mong mỏi tha thiết của họ đã lâu.

Xác định cha, mẹ, con khi sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo quy định pháp luật

Một số điểm hạn chế của quy định pháp luật về sinh con bằng nhân tạo

Thứ nhấtviệc xác định cha, mẹ, con khi sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cũng xuất phát từ nguyên tắc chung đó là xác định cha, mẹ, con khi cha mẹ có hôn nhân hợp pháp (Điều 88, Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014).

  • Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho cặp vợ chồng, người phụ nữ độc thân và đặc biệt là đứa trẻ. Đối với trường hợp người phụ nữ độc thân khi sinh con thì áp dụng tương tự như trường hợp xác định cha, mẹ, con khi cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp, trong trường hợp này chỉ có quan hệ giữa mẹ và con
  • Ngoài ra, trong trường hợp xác định cha, mẹ, con cần quy định rõ sau khi đứa trẻ được sinh ra nếu người cha, mẹ không muốn thừa nhận con thì cũng không được yêu cầu xác định lại. Bởi vì họ là người yêu cầu thực hiện việc sinh con bằng biện pháp hỗ trợ sinh sản, quan hệ cha, mẹ và con là tất yếu, không thể phủ nhận. Điều này khác với trường hợp sinh con tự nhiên vì người chồng có quyền yêu cầu xác định lại quan hệ cha con khi không tin tưởng đứa con là con ruột của mình. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt nếu cặp vợ chồng, người phụ nữ độc thân nghi ngờ cơ sở y tế và có thể có sự nhầm lẫn trong quá trình thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì nên chăng cho phép họ được quyền yêu cầu xem xét lại.
  • Pháp luật đã cho phép sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với tinh trùng của người chồng lưu giữ trước khi chết thì cũng nên cho phép xác lập quan hệ cha mẹ con dựa trên căn cứ huyết thống, con là người có chung huyết thống với cha mẹ mà không dựa trên căn cứ thời kỳ hôn nhân để bảo vệ quyền và lợi ích của bà mẹ và trẻ em.

Thứ hai, cần bổ sung các trường hợp được phép thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cụ thể:

  • Cho phép thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đối với trường hợp chồng bị bất lực về sinh lý hoặc họ không phải là cặp vợ chồng vô sinh nhưng người chồng bị nhiễm chất độc màu da cam, bị nhiễm HIV,… Trong các trường hợp này, nếu thực hiện sinh con bằng biện pháp hỗ trợ sinh sản có thể hạn chế việc lây truyền các bệnh nguy hiểm cho đứa trẻ được sinh ra.
  • Cho phép thực hiện việc mang thai hộ đối với những cặp vợ chồng không vô sinh nhưng người vợ không có đủ sức khỏe để đảm bảo việc mang thai và sinh con, phổ biến là bệnh tim. Với trường hợp này đồng thời sẽ quy định thêm điều kiện về giấy khám sức khỏe, chỉ định của cơ sở y tế,… để tránh tình trạng lợi dụng pháp luật để tránh trường hợp đẻ thuê, mang thai hộ bừa bãi.

Thứ ba, nên bổ sung quy định kết hôn giữa những người ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Bởi việc cho nhận trứng, tinh trùng, phôi được tuân thủ theo nguyên tắc bí mật, cha, mẹ pháp lý và cha, mẹ sinh học của đứa trẻ được sinh ra là khác nhau nên có thể dẫn đến trường hợp đứa trẻ được sinh ra khác nhau dẫn đến trường hợp đứa trẻ đó lớn lên, kết hôn với người có cũng huyết thống về mặt sinh học với mình, gây hậu quả xấu cho xã hội.

Luật sư tư vấn về sinh con bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản

Trên đây là nội dung giới thiệu về Đánh giá việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Mọi nhu cầu về pháp luật, Quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi – Công ty Luật Kiến Việt để được tư vấn và hướng dẫn.

Thông tin liên hệ Công ty Luật Kiến Việt để được tư vấn các vấn đề pháp lý:

Liên hệ qua Website: https://luatkienviet.com/

Liên hệ qua điện thoại: 0386 579 303

Liên hệ qua Email: contact@luatkienviet.com

Liên hệ qua Facebook: https://www.facebook.com/luatkienviet

Liên hệ trực tiếp tại địa chỉ công ty.

Scores: 4.4 (10 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Chức vụ: Giám Đốc Điều Hành

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Bất Động Sản, Dự Án Đầu Tư, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Dân sự, HNGĐ, Lao Động, Hợp Đồng, Hình Sự, Hành Chính và tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp, tranh tụng...

Trình độ đào tạo: Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 526 bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *