Hội đồng trọng tài lao động là gì? là thắc mắc được các bên tranh chấp lao động đặt ra khi muốn giải quyết tranh chấp bằng phương thức ngoài tòa án, tránh kiện tụng. Hội đồng này hoạt động nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, giúp giải quyết các tranh chấp mà các bên không thể tự thương lượng, hòa giải. Bài viết sau đây, Luật Kiến Việt sẽ nêu chi tiết về việc giải quyết tranh chấp qua Hội đồng trọng tài lao động.
Hội đồng trọng tài lao động là gì?
Điều kiện làm trọng tài viên lao động
Theo quy định tại Điều 98 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trọng tài viên lao động phải đạt các điều kiện sau đây:
- Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, công tâm.
- Có trình độ đại học trở lên, hiểu biết pháp luật và có ít nhất 05 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động.
- Không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành bản án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.
- Được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Liên đoàn Lao động cấp tỉnh hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh đề cử làm trọng tài viên lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 185 của Bộ luật Lao động.
- Không phải là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, công chức thuộc Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án.
Quyền và nghĩa vụ của Hội đồng trọng tài lao động
Theo khoản 2 Điều 101 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thì quyền và nghĩa vụ của Hội đồng trọng tài lao động được quy định như sau:
- Giải quyết tranh chấp lao động theo quy định tại các Điều 189, 193 và 197 của Bộ luật Lao động;
- Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích ở nơi sử dụng lao động không được đình công theo quy định tại Mục 3 Chương XI Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
- Giải quyết tranh chấp lao động khác theo quy định của pháp luật;
- Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh theo quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động;
- Định kỳ hằng năm báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thông báo cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh kết quả hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động.
Cơ cấu tổ chức của Hội đồng trọng tài lao động
Cơ cấu tổ chức Hội đồng trọng tài lao động
Theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng trọng tài lao động với nhiệm kỳ 05 năm, bao gồm các trọng tài viên lao động được bổ nhiệm theo quy định tại Điều 99 Nghị định này, trong đó:
- Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội được bổ nhiệm trọng tài viên lao động, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm;
- Thư ký Hội đồng là công chức Sở Lao động – Thương binh và Xã hội được bổ nhiệm trọng tài viên lao động, là thường trực của Hội đồng, làm việc theo chế độ chuyên trách;
- Thành viên khác của Hội đồng là các trọng tài viên lao động còn lại, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm;
Theo khoản 2 Điều 185 Bộ luật lao động 2019, quy định số lượng trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, ít nhất là 15 người, bao gồm số lượng ngang nhau do các bên đề cử, cụ thể như sau:
- Tối thiểu 05 thành viên do cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề cử, trong đó có Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo và thư ký Hội đồng là công chức của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Tối thiểu 05 thành viên do công đoàn cấp tỉnh đề cử;
- Tối thiểu 05 thành viên do các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh thống nhất đề cử.
Tham khảo thêm: Tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với cán bộ công đoàn
Đặc điểm và lợi ích của việc giải quyết tranh chấp qua Hội đồng Trọng tài Lao động
Việc giải quyết tranh chấp qua Hội đồng trọng tài lao động, có một số đặc điểm sau:
- Hội đồng Trọng tài Lao động hoạt động độc lập, không bị ảnh hưởng bởi các bên tranh chấp, điều này giúp đảm bảo tính công bằng trong quá trình giải quyết tranh chấp;
- Quy trình giải quyết tranh chấp qua hội đồng trọng tài lao động có thể linh hoạt hơn so với các phương thức tố tụng tại Tòa án, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí;
- Quyết định của hội đồng trọng tài lao động có giá trị pháp lý và có thể được thi hành, tạo ra sự ràng buộc pháp lý cho các bên.
Lợi ích của việc giải quyết tranh chấp qua Hội đồng trọng tài lao động, bao gồm:
- Hội đồng trọng tài lao động có thể giúp giải quyết tranh chấp nhanh hơn so với các quy trình tố tụng tòa án, giảm thiểu thời gian và chi phí cho các bên;
- Việc được quyền lựa chọn trọng tài viên giải quyết tranh chấp cho phép các bên lựa chọn được các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế;
- Quy trình giải quyết thường ít phức tạp hơn;
- Hội đồng trọng tài lao động có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, đồng thời giúp người sử dụng lao động duy trì quan hệ lao động tốt và tránh được những tranh chấp kéo dài.
Quy trình giải quyết tranh chấp bằng hội đồng trọng tài lao động
Bước 1: Thực hiện tiến hành hòa giải tại hòa giải viên lao động.
Theo nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động thì các tranh chấp lao động trước khi yêu cầu hội đồng trọng tài lao động và toà án giải quyết đều phải giải quyết thông qua hoà giải tại hoà giải viên lao động.
Tuy nhiên, đối với một số loại tranh chấp lao động cá nhân nhất định có ảnh hưởng trực tiếp, xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người lao động, cần giải quyết dứt điểm hay do đặc thù riêng của tranh chấp thì không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải. Cụ thể những tranh chấp sau đây thì không bắt buộc hòa giải:
- Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
- Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
- Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
- Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Bước 2: Các bên đồng thuận yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Hội đồng trọng tài.
Trường hợp tranh chấp không bắt buộc phải qua hoà giải; hết thời hạn hoà giải mà không tiến hành hòa giải; hòa giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hoà giải thì các bên tranh chấp có quyền đồng thuận yêu cầu hội đồng trọng tài lao động giải quyết. Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp được nộp tại Hội đồng trọng tài lao động thuộc tỉnh (thành phố) nơi công ty đặt trụ sở chính.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và đơn yêu cầu, sau đó ra quyết định thành lập Ban trọng tài lao động để giải quyết tranh chấp.
Bước 4: Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
Tham khảo thêm: Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp bằng hội đồng trọng tài lao động
Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp lao động bằng hội đồng trọng tài
Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp bằng hội đồng trọng tài lao động sẽ hỗ trợ bạn:
- Tiếp nhận thông tin và tư vấn chi tiết, cụ thể hơn về giải quyết tranh chấp bằng hội đồng trọng tài lao động;
- Luật sư xem xét thông tin từ khách hàng cung cấp, sau đó trình bày rõ trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hội đồng trọng tài lao động;
- Soạn thảo hồ sơ, các giấy tờ pháp lý cần thiết như đơn yêu cầu, biên bản và các văn bản pháp lý liên quan;
- Cử đại diện theo ủy quyền thay mặt khách hàng tham gia giải quyết tranh chấp, thực hiện công việc pháp lý, làm việc với cơ quan nhà nước, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Trên đây là toàn bộ thông tin về khái niệm và trình tự giải quyết tranh chấp bằng Hội đồng trọng tài lao động. Nếu bạn có bất kỳ vướng mắc nào khác liên quan về tranh chấp lao động, xin vui lòng liên hệ luật sư tư vấn luật lao động thông qua hotline hoặc Zalo số 0386579303 của Luật Kiến Việt để được hỗ trợ một cách nhanh chóng.