Thủ tục đăng ký kết hôn của người Việt Nam trong nước

 

1. Ý nghĩa của việc đăng ký kết hôn

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đang có hiệu lực thì “Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn”, “Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân”. Do đó theo quy định pháp luật hiện nay, quan hệ hôn nhân, vợ chồng được phát sinh và tính từ khi hai bên nam nữ đăng ký kết hôn hợp pháp tại cơ quan có thẩm quyền.

Việc đăng ký kết hôn có nhiều ý nghĩa giữa hai bên nam nữ và làm phát sinh nhiều hệ quả pháp lý, ví dụ:  

  • Về mặt nhân thân, do kể từ khi kết hôn được coi là vợ chồng, nên theo Luật Hôn nhân và Gia đình, vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác. Ngược lại vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ…
  • Về con cái, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân được coi là con chung của vợ chồng. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình…
  • Về mặt tài sản: Kể từ khi đăng ký kết hôn, trừ một số trường hợp thì về nguyên tắc chung tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân được coi là tà sản chung của vợ chồng. Khi bán hoặc định đoạt tài sản chung phải có sự đồng ý và ký tên của hai vợ chồng. Khi vợ, chồng qua đời thì người còn lại là một trong những người thừa kế thứ nhất của người qua đời…
  • Và nhiều ý nghĩa, hệ quả khác kể từ khi đăng ký kết hôn. Ví dụ chúng ta hay thấy trước khi lên bàn mổ, vợ hoặc chồng thường được bác sỹ cho ký vào giấy cam kết mổ để quyết định sinh mạng của người vợ, chồng mình.

Do đó có thể nói, với việc đi đăng ký kết hôn, đời sống của hai bên nam nữ yêu nhau đã bước sang một hành trình mới. Khi còn yêu nhau, thì mối quan hệ chỉ dừng lại với tính chất “tự nguyện”, nhưng khi đã trở thành vợ chồng thì ngoài sự tự nguyện còn là sự ràng buộc về quyền, nghĩa vụ theo luật định cũng như chi phối bởi đạo đức, mối quan hệ hai bên gia đình và xã hội.

Thủ tục đăng ký kết hôn của người Việt Nam trong nước

 

2. Thủ tục đăng ký kết hôn hiện nay

2.1 Điều kiện đăng ký kết hôn

Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình, điều kiện đăng ký kết hôn như sau:

– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

– Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định

* Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính

Ngoài ra để trở thành vợ chồng, về mặt hình thức hai bên phải tiến hành đăng ký kết hôn. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định thì không có giá trị pháp lý

2.2 Nơi đăng ký kết hôn

Đối với công dân Việt Nam trong nước, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú (thường trú) của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.

Do đó, trường hợp nếu đăng ký ở phường, xã của người vợ thì người chồng phải làm trước Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình thường trú và ngược lại, để chứng minh điều kiện đang không có vợ hoặc chồng. Trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn đang công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện) cấp.

Nơi tiếp nhận: Bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ Tư pháp nếu Ủy ban chưa bố trí một phận một cửa.

2.3 Thành phần hồ sơ đăng ký kết hôn

  • Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu (do Ủy ban nhân dân cung cấp mẫu)
  • Giấy tờ tùy thân của hai bên nam nữ: Chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ Căn cước công dân. Lưu ý, những loại giấy tờ này đều phải đang còn thời hạn sử dụng.
  • Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người vợ hoặc chồng cư trú ở xã khác
  • Quyết định hoặc bản án ly hôn của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu trước đó đã từng kết hôn và ly hôn.

Người yêu cầu đăng ký có thể nộp bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc (sau đây gọi là bản sao) hoặc bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ để đối chiếu. Trường hợp người yêu cầu nộp bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ thì người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu bản chụp với bản chính và ký xác nhận, không được yêu cầu nộp bản sao giấy tờ đó.

Đối với giấy tờ xuất trình khi đăng ký hộ tịch, người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu với thông tin trong tờ khai, chụp lại hoặc ghi lại thông tin để lưu trong hồ sơ và trả lại cho người xuất trình, không được yêu cầu nộp bản sao hoặc bản chụp giấy tờ đó.

2.4 Hình thức, trình tự thực hiện thủ tục

– Hai bên nam nữ có mặt tại ủy ban nhân dân có thẩm quyền và xuất trình các giấy tờ nêu tại 2.3. Việc đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện.

– Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình.

– Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả; nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn ngay để người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định; trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì người tiếp nhận phải lập văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, tên của người tiếp nhận.

– Ngay sau khi tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định, công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đồng ý giải quyết thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ đăng ký kết hôn. Khi trả kết quả đăng ký kết hôn, công chức tư pháp – hộ tịch hướng dẫn hai bên nam, nữ kiểm tra nội dung trong Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Nếu các bên thấy nội dung đúng, phù hợp với hồ sơ đăng ký kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ và hướng dẫn các bên cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ, mỗi bên được nhận 01 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn; số lượng bản sao Trích lục kết hôn được cấp theo yêu cầu.

2.5 Thời hạn thực hiện thủ tục và lệ phí đăng ký kết hôn

– Thời hạn thực hiện: Ngay trong ngày tiếp nhận hồ sơ; trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.

– Lệ phí: Miễn phí

3. Căn cứ pháp lý

– Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;

– Luật Hộ tịch năm 2014;

– NĐ 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch

– TT Số: 04/2020/TT-BTP ngày 28 tháng 5 năm 2020 hướng dẫn Luật Hộ tịch và NĐ 123/2015

Scores: 4.3 (14 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Chức vụ: Giám Đốc Điều Hành

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Bất Động Sản, Dự Án Đầu Tư, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Dân sự, HNGĐ, Lao Động, Hợp Đồng, Hình Sự, Hành Chính và tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp, tranh tụng...

Trình độ đào tạo: Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 520 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *