Tư vấn xác định thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản

Việc xác định thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản sau khi người thân qua đời là một vấn đề thường xuyên xảy ra trong xã hội và được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về quy định pháp luật liên quan đến việc chia di sản, dẫn đến các tranh chấp và mâu thuẫn. Hiểu được tầm quan trọng của vấn đề, bài viết này sẽ tập trung làm sáng tỏ quy định pháp luật về xác định thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản, nhằm giúp các cá nhân có liên quan bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân.

Xác định thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản

Xác định thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản

Quy định pháp luật về xác định thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản

Theo khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) thì thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý những trường hợp mà thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện hoặc bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Theo khoản 3 Điều 150 BLDS thì “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện”. Thời hiệu khởi kiện thừa kế đồng thời là thời hiệu thừa kế theo quy định tại Điều 623 BLDS.

Điều 156 BLDS 2015 quy định về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

  • Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu;
  • Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc;
  • Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:

Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;

Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

Trong một số trường hợp, mặc dù đã hết thời hiệu khởi kiện nhưng pháp luật cho phép được bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự.

Điều 157 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:

  • Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
  • Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
  • Các bên đã tự hòa giải với nhau.

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện nêu trên.

Hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế thì di sản là bất động sản được xử lý thế nào

Hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế di sản là bất động sản

Hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế di sản là bất động sản

Cũng theo Điều 623 BLDS, hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế di sản là bất động sản, tức 30 năm nêu trên thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

  • Người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 BLDS hoặc;
  • Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 BLDS.

Vì vậy, để hạn chế các mâu thuẫn phát sinh từ việc chia thừa kế, các đồng thừa kế và các bên liên quan cần lưu ý:

  • Nên chia di sản thừa kế sớm để tránh tranh chấp, mâu thuẫn về sau.
  • Nếu không thể chia di sản ngay, các đồng thừa kế nên thỏa thuận về cách quản lý, sử dụng di sản và ký hợp đồng bằng văn bản.
  • Nếu có tranh chấp về việc chia di sản thừa kế, các đồng thừa kế nên giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện ra tòa án.

Lưu ý khi xác định thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản

Việc nắm rõ quy định về thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản là vô cùng quan trọng vì:

  • Khi hiểu rõ thời hạn, người thừa kế có thể chủ động thực hiện các thủ tục cần thiết để chia di sản đúng thời hạn, tránh trường hợp mất quyền lợi do hết thời hiệu.
  • Việc chia di sản sớm và rõ ràng sẽ giúp hạn chế tranh chấp, mâu thuẫn giữa các đồng thừa kế, góp phần giữ gìn hòa khí gia đình.
  • Việc chia di sản rõ ràng về mặt pháp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển nhượng, mua bán bất động sản thừa kế, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, khi xác định thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản cần phải lưu ý về thời điểm mở thừa kế vì đây là mốc thời gian để tính thời hạn 30 năm.

Trường hợp mở thừa kế từ ngày 01/01/2017

Đây là thời điểm BLDS 2015 có hiệu lực thi hành. Theo khoản 1 Điều 611 BLDS, thời điểm mở thừa kế là:

  • Thời điểm người có tài sản chết hoặc;
  • Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết.

Ví dụ Ông A mất ngày 1/1/2019, để lại di sản là một căn nhà, thuộc loại tài sản là bất động sản. Con trai ông A là ông B biết về việc cha mình mất và di sản ông để lại ngay sau khi ông A qua đời. Như vậy, thời điểm mở thừa kế đối với di sản của ông A là ngày 1/1/2019. Do đó, ông B có thể yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản của ông A trong thời hạn 30 năm, kể từ ngày 1/1/2019, tức là đến ngày 31/12/2048.

Trường hợp mở thừa kế trước ngày 01/01/2017

Điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS quy định về điều khoản chuyển tiếp: “Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực (01/01/2017) thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau: d) Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”.

Phần I văn bản số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân Tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, hướng dẫn về dân sự, đối với trường hợp người để lại di sản thừa kế chết trước năm 1987 mà hiện nay Tòa án mới thụ lý, giải quyết tranh chấp thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được xác định như sau:

Trong văn bản này đã giải đáp, kể từ ngày BLDS 2015 có hiệu lực thi hành, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS 2015, khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính thì từ ngày 01/01/2017, Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 623 BLDS 2015 về thời hiệu thừa kế để thụ lý, giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp về thừa kế tài sản”. Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Như vậy, có thể tóm tắt lại như sau:

  • Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/9/1990.
  • Khi xác định thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/7/1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia; thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/9/2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.

Thực tiễn khi xác định thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản (Án lệ số 26/2018/AL)

Khi xác định thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản, thực tiễn đã có Án lệ số 26/2018/AL.

Nguồn án lệ

Án lệ này bắt nguồn từ Quyết định giám đốc thẩm số 06/2017/DS-GĐT ngày 27/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “tranh chấp thừa kế tài sản và chia tài sản chung” ở Hà Nội giữa nguyên đơn là ông Cấn Xuân V, bà Cấn Thị N1, bà Cấn Thị T1, bà Cấn Thị H, ông Cấn Xuân T, bà Cấn Thị N2, bà Cấn Thị M1. Người đại diện cho các đồng nguyên đơn là bà Cấn Thị N2 và bị đơn là cụ Nguyễn Thị L, ông Cấn Anh C. Người đại diện cho các đồng bị đơn theo ủy quyền là ông Lê Hồng L. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 07 người.

Tình huống án lệ

Tình huống án lệ là người để lại di sản thừa kế là bất động sản chết trước ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30/8/1990. Tại thời điểm Tòa án xét xử sơ thẩm, Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 đang có hiệu lực pháp luật.

Giải pháp pháp lý

Trường hợp này, phải xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30/8/1990. Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế được xác định theo quy định của BLDS 2015. Các quy định của pháp luật liên quan đến án lệ là khoản 1 Điều 623 BLDS 2015; Khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh thừa kế ngày 30/8/1990.

Qua phân tích về thời hiệu thừa kế như trên, nếu như thời điểm mở thừa kế diễn ra ở thời điểm BLDS 2015 có hiệu lực thì việc xác định thời hiệu không khó khăn, tuy nhiên nếu có thời điểm mở thừa kế mở trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực thì còn tùy thời điểm người quá cố mất, thời hiệu còn có thể kéo dài hơn. Việc vận dụng các quy định pháp luật để xác định thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản đang được quy định rời rạc trong các văn bản khác nhau từ Nghị quyết của UBTVQH, Án lệ, các công văn giải đáp của Tòa án, làm cho việc xác định trở nên rắc rối, tồn tại nhiều bất cập khi giải quyết các vụ việc cụ thể.

Luật sư tư vấn xác định thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản

Luật sư tư vấn thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản

Luật sư tư vấn thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thừa kế, Luật sư có thể tư vấn, giúp các bên xác định các vấn đề liên quan đến thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản, bao gồm một số nội dung như sau:

  • Xác định chính xác thời điểm mở thừa kế.
  • Áp dụng đúng quy định pháp luật để xác định thời hiệu yêu cầu chia di sản.
  • Đề xuất hướng giải quyết phù hợp trong trường hợp hết thời hiệu.
  • Hỗ trợ thủ tục phân chia, thỏa thuận di sản thừa kế
  • Tham gia quá trình tố tụng tại Tòa án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bên một cách tối đa.

Xác định thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản là vấn đề quan trọng trong lĩnh vực thừa kế. Để đảm bảo quyền lợi của bản thân, các chủ thể cần hiểu rõ về thời hiệu yêu cầu chia di sản là bất động sản. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay nhu cầu tư vấn pháp lý liên quan đến vấn đề này, hoặc sử dụng dịch vụ luật sư hãy liên hệ với chúng tôi theo hotline 0386579303 để được hỗ trợ.

Scores: 4.7 (16 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Kiến Việt

Chức vụ: Công ty Luật Kiến Việt

Lĩnh vực tư vấn: Công ty Luật Kiến Việt đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ luật sư tư vấn và thực hiện thủ tục pháp lý chuyên nghiệp, uy tín trong các lĩnh vực về đất đai, bất động sản, doanh nghiệp đầu tư, đấu thầu xây dựng, tranh tụng vụ án dân sự, ly hôn, tranh chấp đất đai, tranh chấp thừa kế, dịch vụ luật sư hình sự, luật sư bào chữa, kháng cáo..

Trình độ đào tạo: Đại học Luật TP.HCM, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 624 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *