Quyền lợi của người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động

Học nghề, tập nghề là gì?

Học nghề được hiểu là quá trình trang bị kiến thức, thái độ và kỹ năng nghiệp vụ cần thiết cho công việc. Học nghề được chia thành hai nhóm chính:

(i) Được tiến hành tại cơ sở đào tạo nghề chuyên nghiệp, hay còn gọi là trường nghề. Hoạt động học nghề này không thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật lao động (BLLĐ) mà thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật giáo dục nghề nghiệp (LGDNN). Điều 3 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định: “Đào tạo nghề nghiệp là hoạt động dạy và học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học để có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khóa học hoặc để nâng cao trình độ nghề nghiệp.” 

(ii) Được tiến hành tại nơi làm việc khi người lao động được đào tạo nghề bởi chính người sử dụng lao động. Đây là hoạt động học nghề được điều chỉnh bởi BLLĐ và LGDNN. Khoản 1 Điều 61 BLLĐ 2019 quy định: “Học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc.”

Khoản 2 Điều 61 BLLĐ 2019 quy định: “Tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc.”

Bài viết này chỉ đưa ra và phân tích các quy định pháp luật về điều kiện tham gia và quyền lợi của người học nghề, tập nghề khi tham gia học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động, được điều chỉnh bởi BLLĐ 2019.

Quyền lợi của người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động

 

>> Xem thêm: Thời hạn báo trước khi thôi việc

Điều kiện tham gia học nghề, tập nghề

Thứ nhất, về độ tuổi của người lao động tham gia học nghề, tập nghề

Theo quy định tại khoản 4 Điều 61 BLLĐ 2019, người học nghề, tập nghề phải đủ 14 tuổi trở lên đối với những nghề, công việc bình thường và phải từ đủ 18 tuổi trở lên đối với những nghề, công việc đặc biệt thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao.

Từ ngày 01/03/2021, danh mục nghề có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được áp dụng theo Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH (“Thông Tư”). Thông Tư này đưa ra danh sách gồm tên nghề hoặc công việc được coi là nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kèm theo đặc điểm điều kiện lao động của nghề, công việc đó. Đồng thời, Thông Tư cũng cũng chia các điều kiện lao động thành ba loại gồm: loại IV, loại V, loại IV tương ứng với mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tăng dần. So với Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH (đã hết hiệu lực), Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH bổ sung thêm nhiều nghề, công việc trong danh sách hơn nhưng lại không phân chia rõ ràng giữa nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Thứ hai, về yếu tố sức khỏe tham gia học nghề, tập nghề

Theo khoản 4, Điều 61 BLLĐ 2019, người học nghề, tập nghề phải có sức khỏe phù hợp với yêu cầu của nghề, công việc. Việc đánh giá sức khỏe của người lao động đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cả người lao động và người sử dụng lao động. Sức khỏe phù hợp với công việc không những giúp bảo vệ chính người lao động mà còn góp phần ổn định năng lực sản xuất, nhân sự của doanh nghiệp. Mặc dù chưa trở thành lao động chính thức nhưng sức khỏe của người học nghề, tập nghề cũng cần được xem trọng như người lao động. Tuy nhiên, BLLĐ 2019 lại lược bỏ quy định có lợi cho người học nghề, tập nghề về vấn đề chăm sóc sức khỏe so với BLLĐ 2012. Cụ thể, Khoản 2, Điều 152  Bộ luật lao động năm 2012 quy định: “Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề…”. BLLĐ 2019 đã bỏ quy định như trên mà chỉ quy định cụ thể về vấn đề chăm sóc sức khỏe đối với người lao động. Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 cũng chỉ yêu cầu doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe hằng năm cho người lao động tại Điều 21 mà không đề cập đến người học nghề. Như vậy, theo pháp luật hiện hành về lao động thì doanh nghiệp không bắt buộc phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người học nghề, tập nghề như trước đây.

Thứ ba, về hợp đồng học nghề

Khoản 3 Điều 61 BLLĐ 2019 yêu cầu hai bên phải ký hợp đồng đào tạo nghề theo quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp. Theo Điều 39 LGDNN 2014, hợp đồng đào tạo có thể được giao kết bằng lời nói hoặc bằng văn bản và  nội dung của hợp đồng đào tạo nghề tại doanh nghiệp phải bao gồm những nội dung sau đây:

  1. Tên nghề đào tạo hoặc các kỹ năng nghề đạt được;
  2. Địa điểm đào tạo;
  3. Thời gian hoàn thành khóa học;
  4. Mức học phí và phương thức thanh toán học phí;
  5. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng;
  6. Thanh lý hợp đồng;
  7. Cam kết của người học về thời hạn làm việc cho doanh nghiệp;
  8. Cam kết của doanh nghiệp về việc sử dụng lao động sau khi học xong;
  9. Thỏa thuận về thời gian và mức tiền công cho người học trực tiếp hoặc tham gia làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp trong thời gian đào tạo.
  10. Các thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
  11. Ngoài ra, nếu ký Hợp đồng đào tạo theo hình thức kèm cặp nghề tại doanh nghiệp thì hai bên phải thỏa thuận thêm về thời gian bắt đầu được trả công và mức tiền công trả cho người học theo từng thời gian.

Nếu người học nghề đang trong mối quan hệ lao động với người sử dụng lao động (có hợp đồng lao động) mà học nghề để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động thì phải ký ký kết hợp đồng đào tạo nghề bằng văn bản theo Điều 62 BLLĐ 2019. Hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp này phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản. Hợp đồng gồm các nội dung:

  1. Nghề đào tạo;
  2. Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo;
  3. Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;
  4. Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
  5. Trách nhiệm của người sử dụng lao động;
  6. Trách nhiệm của người lao động.

>> Xem thêm: Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng lao động

Quyền lợi của người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động

Để ngăn việc người sử dụng lao động cố tình kéo dài thời gian học nghề, khoản 1 Điều 61 BLLĐ 2019 quy định rằng thời gian học nghề phải tuân theo chương trình đào tạo của từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp; khoản 2 Điều 61 quy định thời gian tập nghề không được quá 03 tháng. Khi hết thời hạn học nghề, tập nghề, người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động với người học nghề, tập nghề khi thỏa mãn các điều kiện quy định tại BLLĐ 2019.

Người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động thì không phải trả học phí theo khoản 3 Điều 61 BLLĐ 2019. Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 61 BLLĐ 2019 quy định rằng nếu người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động thì được người sử dụng lao động trả lương, mức lương này do hai bên thỏa thuận.

Việc trả lương trong hoạt động học nghề được quy định trong BLLĐ 2019 có sự khác biệt so với quy định của Bộ luật năm 2012. Cụ thể BLLĐ 2012 quy định: “Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận.” Việc loại bỏ cụm từ “làm ra sản phẩm hợp quy cách” giúp cho BLLĐ 2019 có góc nhìn bao quát và rộng mở hơn về thành quả lao động của người học việc vì kết quả của quá trình lao động không phải lúc nào cũng đúc kết ra vật chất cụ thể, đo lường hay định lượng được chính xác. Hay trong một số trường hợp sản phẩm của người học việc tạo ra không phù hợp với quy cách nhưng đã tạo ra được những bước tiến mới cho sản phẩm, đem lại giá trị cao cho sản phẩm đó thì nên là một kết quả đáng tuyên dương và được đền đáp thích hợp thông qua việc trả lương. 

>> Có thể bạn quan tâm: Những điều cần biết về Thỏa ước lao động tập thể

Quyền lợi của người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động

 

Tư vấn pháp luật về học nghề, tập nghề

Trên đây là nội dung giới thiệu về “ Quyền lợi của người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động”. Mọi thắc mắc hoặc nhu cầu tư vấn pháp luật lao động, Quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi – Công ty Luật Kiến Việt để được tư vấn về các vấn đề:

  • Tư vấn về điều kiện học việc, tập việc
  • Tư vấn về hợp đồng học việc, tập việc
  • Tư vấn về lương học việc, tập việc
  • Tư vấn về thời hạn học việc, tập việc
  • Tư vấn về trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo nghề
  • Tư vấn pháp luật về lao động, đào tạo nghề
  • Tư vấn tranh chấp về lao động, đào tạo nghề

Để nhận tư vấn, Quý khách vui lòng liên hệ Công ty Luật Kiến Việt theo thông tin dưới đây:

Scores: 4.6 (10 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Chức vụ: Giám Đốc Điều Hành

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Bất Động Sản, Dự Án Đầu Tư, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Dân sự, HNGĐ, Lao Động, Hợp Đồng, Hình Sự, Hành Chính và tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp, tranh tụng...

Trình độ đào tạo: Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 521 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *