Cẩn thận khi ký giấy uỷ quyền nhà đất để làm tin

Tác giả: Luật sư Đỗ Thanh Lâm

 Khi cho vay mượn tiền sẽ phát sinh tình huống: Bên cho vay sẽ yêu cầu bên vay hoặc người thân của bên vay giao sổ đỏ và ký giấy ủy quyền nhà đất để làm tin.

Cam kết của bên cho vay là sẽ trả lại sổ đỏ khi bên vay hoàn trả toàn bộ tiền gốc và lãi. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, khi đã trả nợ xong hoặc thậm chí chưa hết hạn trả nợ thì bên vay tá hỏa phát hiện nhà đất của mình đã bị bán cho người khác hoặc bị đem đi thế chấp ở ngân hàng với số tiền rất lớn!

Trong đa số các trường hợp bị kẻ gian lợi dụng và chiếm đoạt nhà đất nói trên, không ít bà con chưa hiểu hết tính chất, hậu quả của việc khi ký giấy ủy quyền.

Hiểu đúng luật khi ký giấy ủy quyền

Theo Luật sư Đỗ Thanh Lâm – Đoàn Luật sư TP.HCM, uỷ quyền là một giao dịch dân sự đã được quy định trong Bộ luật Dân sự, hiểu đơn giản là một người cho phép người khác thay mặt mình thực hiện một số công việc, quyền hạn của mình. Do đó khi người được uỷ quyền thực hiện các hành vi, quyền hạn mà người uỷ quyền đã cho phép (trong thời hạn uỷ quyền, nếu có) thì cũng tương tự như chính người uỷ quyền thực hiện công việc.

Đối với nhà đất, nếu bà con uỷ quyền cho người khác được thay mặt bà con bán, thế chấp, cho thuê…căn nhà, mảnh đất của mình thì khi người đó thực hiện bất kỳ hành vi nào trong những hành vi này, thì cũng tương tự như bà con đang thực hiện, do đó bà con phải gánh chịu những hệ quả từ những hành vi này. Pháp luật quy định về uỷ quyền để giúp người dân thuận tiện trong giao dịch và cuộc sống của mình, bởi không phải lúc nào bà con cũng tự mình thực hiện công việc nên cần có người khác thực hiện thay bà con.

Trong trường hợp khi bà con ký giấy ủy quyền nhà đất cho bên cho vay mà có nội dung mang tính “định đoạt nhà đất” thì rất có thể họ có quyền thế chấp hoặc bán mảnh đất, căn nhà mà bà con đã ủy quyền.

Những lưu ý khi ký giấy ủy quyền

Để bà con không bị kẻ gian lợi dụng, Luật sư Đỗ Thanh Lâm đưa ra những lưu ý khi ký giấy ủy quyền như sau:

Cẩn trọng khi ký giấy ủy quyền cho những cá nhân, tổ chức bên ngoài cho vay lãi .

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều cho vay với thủ tục đơn giản. Vì vậy bà con nên đến trực tiếp ngân hàng để tham khảo, làm thủ tục vay vốn nhằm tránh bị kẻ gian lợi dụng hoặc qua trung gian. Trong trường hợp bà con bắt buộc hoặc có nhu cầu vay vốn của những cá nhân, tổ chức bên ngoài mà có bắt ký ủy quyền nhà đất, thì đặc biệt phải chú ý đến nội dung của giấy ủy quyền.

– Nếu có việc buộc phải uỷ quyền cho người khác đối với nhà đất hoặc tài sản lớn, bà con cần phải xác định trước những nội dung công việc, quyền hạn mà mình sẽ uỷ quyền để tránh cho phép ngoài phạm vi có nhu cầu của mình.

Khi ký giấy ủy quyền, bà con cần phải nói rõ quyền hạn mà người được ủy quyền được phép làm.

– Hiện nay theo quy định của luật đất đai, đối với đất không (không có nhà), hộ gia đình, cá nhân có quyền thế chấp ở ngân hàng, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân theo quy định, do đó bà con có thể dùng đất của mình để thế chấp và lập hợp đồng thế chấp cho khoản vay. Hoặc nếu lập giấy ủy quyền, bà con nên thỏa thuận với bên cho vay rằng giấy ủy quyền chỉ có hiệu lực sau thời hạn vay tiền.

Ví dụ thời hạn vay tiền là 03 tháng thì bà con có thể quy định là giấy ủy quyền này chỉ có hiệu lực sau 03 tháng kể từ ngày ký. Nếu khi đã trả đủ tiền vay mà bên cho vay vẫn không chịu ra công chứng chấm dứt giấy ủy quyền thì bà con cần liên hệ văn phòng công chứng đã ký giấy ủy quyền hoặc văn phòng luật sư để được hướng dẫn thủ tục chấm dứt, hủy giấy ủy quyền hoặc gửi đơn ngăn hạn nhà đất để tránh tình trạng bên cho vay vẫn tiếp tục bán, thế chấp, tặng cho…nhà đất của bà con.

– Nội dung của giấy ủy quyền phải do bên vay và bên cho vay thỏa thuận. Một số trường hợp người được uỷ quyền hoặc văn phòng công chứng lấy lý do phải theo mẫu chung để yêu cầu bà con ký vào nội dung có sẵn, trong đó có dòng chữ “Bên B được toàn quyền đại diện bên A cho thuê, vay, thế chấp, chuyển nhượng (bán), tặng cho”. Trường hợp này, bà con cần yêu cầu người soạn hợp đồng soạn thảo lại theo ý định của mình hoặc tới văn phòng công chứng khác để ký hợp đồng tránh việc thông đồng.

– Đối với hợp đồng uỷ quyền mà có nội dung bên được uỷ quyền “được toàn quyền định đoạt tài sản” thì bà con phải cân nhắc, theo nội dung này thì người được uỷ quyền sẽ có toàn quyền hợp pháp (bao gồm cả bán, thế chấp…) đối với tài sản của bà con. Nếu không có ý định cho phép người được ủy quyền thực hiện quyền hạn như vậy thì bà con không được sử dụng câu từ này.

– Trước khi ký bất cứ hợp đồng uỷ quyền hoặc giấy tờ gì, bà con cần phải đọc kỹ nội dung và hiểu được ý nghĩa, hệ quả có thể xảy ra của văn bản mình sẽ ký. Nếu chưa hiểu được ý nghĩa nội dung mình sẽ ký, bà con cần tham khảo ý kiến của luật sư tin cậy. Bởi trên thực tế đã có những trường hợp bà con “ký đại” mà dẫn đến hệ quả bất lợi.

Mẫu giấy ủy quyền bà con có thể tham khảo, tùy vào từng trường hợp sẽ có từng giấy ủy quyền khác nhau, bà con nên lưu ý

Hi vọng với những thông tin trên, bà con có thêm thông tin và lưu ý để tránh những hậu quả ngoài mong muốn khi thực hiện việc uỷ quyền cho người khác, nhất là đối với những tài sản có giá trị như nhà đất, xe cộ…

Minh Đức (ghi)

Theo Khoeplus

>> Xem thêm: Bà con cho vay mượn tiền: đừng để tiền mất tình tan

Scores: 4.2 (20 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Chức vụ: Giám Đốc Điều Hành

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Bất Động Sản, Dự Án Đầu Tư, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Dân sự, HNGĐ, Lao Động, Hợp Đồng, Hình Sự, Hành Chính và tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp, tranh tụng...

Trình độ đào tạo: Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 559 bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *