Việc ký kết hợp đồng là hoạt động thường xuyên trong quá trình sản xuất kinh doanh của các công ty. Mỗi loại hình công ty sẽ quy định các chủ thể có thẩm quyền ký kết hợp đồng khác nhau theo luật định, việc ký kết không đúng thẩm quyền sẽ gây ra nhiều hậu quả. Đối với công ty TNHH một thành viên, người có thẩm quyền ký kết hợp đồng là chủ sở hữu công ty, chủ tịch công ty, người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền…
Người có thẩm quyền ký kết hợp đồng trong công ty TNHH MTV
Cơ cấu của công ty TNHH một thành viên
- Công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu có cơ cấu tổ chức theo hai mô hình như sau:
Mô hình 1: Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trong đó, chủ tịch công ty do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm. Chủ tịch công ty nhân danh chủ sở hữu công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu của công ty.
Mô hình 2: Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trong đó, hội đồng thành viên bao gồm tất cả thành viên công ty là cá nhân và người đại diện theo ủy quyền của thành viên công ty là tổ chức. Hội đồng thành viên có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của công ty.
- Công ty TNHH một thành viên do cá nhân là chủ sở hữu có cơ cấu tổ chức như sau: Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, chủ sở hữu công ty là Chủ tịch công ty và có thể kiêm hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Thẩm quyền ký kết hợp đồng trong công ty TNHH một thành viên
Thẩm quyền ký kết hợp đồng trong công ty
Thẩm quyền của chủ sở hữu công ty
- Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên có thể là cá nhân hoặc tổ chức.
- Chủ sở hữu công ty có quyền thông qua những hợp đồng như: Thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản và các hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; Hợp đồng chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác; Hợp đồng lao động với quản lý, Kiểm sát viên công ty; Những hợp đồng khác mà Điều lệ công ty có quy định.
>>> Xem thêm: Thẩm quyền ký hợp đồng của người đại diện theo pháp luật công ty TNHH
Thẩm quyền của chủ tịch công ty
- Đối với chủ tịch của công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu thì chủ tịch nhân danh công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; nhân danh công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ quyền và nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao theo quy định của Điều lệ công ty, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Đối với chủ tịch công ty TNHH một thành viên do cá nhân là chủ sở hữu thì chủ tịch có thẩm quyền thông qua hợp đồng như thẩm quyền của chủ sở hữu công ty.
Thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật
- Công ty TNHH một thành viên có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.
- Công ty có một đại diện theo pháp luật thì người đại diện theo pháp luật có thẩm quyền ký các hợp đồng thuộc lĩnh vực và giới hạn được Điều lệ công ty quy định.
- Công ty có nhiều đại diện theo pháp luật thì trong trường hợp này Điều lệ công ty quy định cụ thể thẩm quyền ký hợp đồng của từng người đại diện theo pháp luật. Nếu việc phân chia thẩm quyền ký hợp đồng của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba.
Thẩm quyền ký kết hợp đồng của người đại diện theo ủy quyền
- Thẩm quyền ký hợp đồng của người được ủy quyền phải dựa trên cơ sở phạm vi được ủy quyền và người ủy quyền có được đại diện công ty ký kết hợp đồng trong giới hạn và lĩnh vực mà pháp luật quy định, Điều lệ công ty cho phép hay không.
- Hợp đồng ủy quyền, giấy ủy quyền phải phù hợp với quy định của pháp luật, Điều lệ công ty nếu có.
Hậu quả khi ký hợp đồng không đúng thẩm quyền
- Hợp đồng vô hiệu toàn bộ, hợp đồng sẽ không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết.
- Các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng tiền thì hoàn trả bằng hiện vật trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Bên có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm có quyền đòi bồi thường thiệt hại do hợp đồng vô hiệu.
- Tuy nhiên có một số ngoại lệ làm cho hợp đồng ký không đúng thẩm quyền sẽ không bị vô hiệu là: người đại diện đã công nhận giao dịch; người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý; người đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện.
>>>Xem thêm: Hậu quả pháp lý của hợp đồng do người không có thẩm quyền không đúng
Luật sư tư vấn người có thẩm quyền ký kết hợp đồng trong công ty TNHH một thành viên
tư vấn người có thẩm quyền ký kết hợp đồng trong công ty TNHH MTV
- Hỗ trợ, xác định thẩm quyền ký kết hợp đồng trong công ty TNHH một thành viên.
- Soạn thảo các văn bản liên quan đến hợp đồng thuộc thẩm quyền ký kết của các chủ thể trong công ty.
- Tư vấn soạn thảo, đàm phán giao kết hợp đồng.
- Nghiên cứu, hỗ trợ xử lý hậu quả trong trường hợp ký hợp đồng không đúng thẩm quyền.
- Tư vấn giải quyết tranh chấp về việc ký kết hợp đồng.
Luật Kiến Việt là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn luật doanh nghiệp, được nhiều công ty lựa chọn trong việc hỗ trợ xác định người có thẩm quyền ký kết hợp đồng trong công ty TNHH một thành viên, đưa ra các phương hướng giải quyết khi có tranh chấp về thẩm quyền ký kết hợp đồng. Hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 0386579303 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể nhất.