Trình tự thủ tục xử lý tài sản thế chấp mới nhất

 

Tài sản thế chấp là một loại tài sản có giá trị mà người vay cam kết làm bảo đảm cho khoản vay. Tài sản được đưa ra thế chấp để đảm bảo cho bên cho vay rằng họ sẽ được trả lại khoản nợ đã cho vay. Trong trường hợp người vay không thể trả nợ hoặc không đáp ứng đủ nghĩa vụ tài chính, bên cho vay có quyền thực hiện xử lý tài sản thế chấp. Công ty Luật Kiến Việt chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc về Trình tự thủ tục xử lý tài sản thế chấp qua bài viết này.

Trình tự thủ tục xử lý tài sản thế chấp mới nhất

Trình tự thủ tục xử lý tài sản thế chấp mới nhất

>> Có thể bạn quan tâm: Có được đặt cọc mua bán nhà đất đang thế chấp không?

Tài sản thế chấp là gì?

Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia. Theo quy định tại Điều 318 Bộ Luật dân sự năm 2015 có 04 trường hợp thế chấp như sau:

– Trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

–  Trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ gắn với tài sản đó thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận thế chấp.

Phương thức xử lý tài sản thế chấp

Theo quy định tại Điều 303 Bộ Luật dân sự năm 2015:

“Điều 303. Phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp

1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:

a) Bán đấu giá tài sản;

b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;

c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;

d) Phương thức khác.

2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.”  

Theo quy định tại Điều 307 Bộ Luật dân sự năm 2015, việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện như sau:

  • Số tiền có được từ việc xử lý tài sản thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản thế chấp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 308 của Bộ luật dân sự.
  • Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản thế chấp lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chênh lệch phải được trả cho bên bảo đảm.
  • Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản thế chấp nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán được xác định là nghĩa vụ không có bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bổ sung tài sản bảo đảm. Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ được bảo đảm phải thực hiện phần nghĩa vụ chưa được thanh toán.

Trình tự thủ tục xử lý tài sản thế chấp mới nhất

Trình tự thủ tục xử lý tài sản thế chấp mới nhất

>> Có thể bạn quan tâm: Nhà đất đang thế chấp có cho thuê được không?

Trình tự thủ tục xử lý tài sản thế chấp mới nhất 

Tiến hành việc thông báo xử lý tài sản thế chấp

Căn cứ theo quy định tại Điều 51 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP, thông báo việc xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện như sau: 

Văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm có nội dung chủ yếu sau đây:

– Lý do xử lý tài sản bảo đảm;

– Tài sản bảo đảm sẽ bị xử lý;

– Thời gian, địa điểm xử lý tài sản bảo đảm.

Phương thức thông báo được thực hiện theo thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận thì bên nhận bảo đảm gửi trực tiếp văn bản thông báo cho bên bảo đảm hoặc thông qua ủy quyền, dịch vụ bưu chính, phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu hoặc phương thức khác đến địa chỉ được bên bảo đảm cung cấp. Trường hợp bên bảo đảm thay đổi địa chỉ mà không thông báo cho bên nhận bảo đảm biết thì địa chỉ của bên bảo đảm được xác định theo địa chỉ đã được bên bảo đảm cung cấp trước đó, theo hợp đồng bảo đảm hoặc theo thông tin được lưu trữ tại cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm.

Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ hoặc được giữ bởi người khác thì văn bản thông báo phải được gửi đồng thời cho bên bảo đảm, các bên cùng nhận bảo đảm khác (nếu có) và người giữ tài sản bảo đảm. Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có nhiều bên cùng nhận bảo đảm thì còn có thể thực hiện bằng phương thức đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Thời hạn thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm phải thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc thỏa thuận khác. Trường hợp không có thỏa thuận thì phải thực hiện trong thời hạn hợp lý, nhưng trước ít nhất 10 ngày đối với động sản hoặc trước ít nhất 15 ngày đối với bất động sản tính đến thời điểm xử lý tài sản bảo đảm, trừ trường hợp tài sản bảo đảm bị xử lý ngay đối với tài sản bảo đảm có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến bị giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị. Trường hợp tài sản bảo đảm là chứng khoán niêm yết, hàng hóa trên sàn giao dịch hàng hóa hoặc động sản khác có thể xác định được giá cụ thể, rõ ràng trên thị trường thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Nghị định Nghị định số 21/2021/NĐ-CP.

Đối với tài sản thế chấp là bất động sản thì bên nhận thế chấp cần gửi Phiếu yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp đến cơ quan có thẩm quyền trước khi tiến hành xử lý tài sản thế chấp.

Tiến hành giao tài sản thế chấp để xử lý

Căn cứ theo quy định tại Điều 52 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP về việc giao tài sản bảo đảm để xử lý tài sản thế chấp được quy định như sau:

Các bên có thể thỏa thuận về việc giao, xử lý một phần hoặc toàn bộ tài sản bảo đảm. Trường hợp một nghĩa vụ được bảo đảm bằng nhiều tài sản mà các bên không có thỏa thuận về việc lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý và pháp luật liên quan không có quy định khác thì bên nhận bảo đảm có quyền lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý hoặc xử lý tất cả các tài sản bảo đảm.

Trường hợp các bên thỏa thuận về xử lý tài sản thế chấp theo phương thức đấu giá và có thỏa thuận riêng về thủ tục đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản thì việc xử lý tài sản thực hiện theo thỏa thuận này. Trường hợp không có thỏa thuận riêng thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.

Trường hợp các bên không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm mà tài sản bảo đảm là chứng khoán niêm yết, hàng hóa trên sàn giao dịch hàng hóa hoặc động sản khác có thể xác định được giá cụ thể, rõ ràng trên thị trường thì bên nhận bảo đảm được bán theo giá tại thị trường giao dịch chứng khoán hoặc tại sàn giao dịch liên quan khác nhưng phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác (nếu có) biết trước khi bán.

Thời hạn xử lý tài sản bảo đảm thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc thỏa thuận khác. Trường hợp không có thỏa thuận thì bên nhận bảo đảm quyết định thời hạn xử lý sau khi thực hiện nghĩa vụ thông báo.

Tiến hành việc thanh toán bảo đảm nghĩa vụ

– Căn cứ theo quy định tại Điều 307, Điều 308 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì số tiền phát sinh từ việc xử lý tài sản thế chấp đầu tiên sẽ được sử dụng vào mục đích thanh toán chi phí bảo quản tài sản là bất động sản, thanh toán chi phí thu giữ và chi phí xử lý tài sản thế chấp. 

– Đối với trường hợp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thanh toán thu giữ và xử lý tài sản thế chấp nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền có được từ việc xử lý tài sản thế chấp thì theo quy định phần nghĩa vụ chưa được thanh toán sẽ được xác định là nghĩa vụ không có đảm bảo. 

– Đối với các trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, chi phí thu giữ và chi phí xử lý tài sản thế chấp lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chênh lệch theo quy định sẽ được trả cho bên thế chấp. 

Liên hệ dịch vụ Xử lý tài sản thế chấp

Trên đây là nội dung giới thiệu Trình tự thủ tục xử lý tài sản thế chấp mới nhất. Mọi nhu cầu tư vấn, sử dụng dịch vụ pháp lý về xử lý tài sản thế chấp vui lòng liên hệ với công ty luật Kiến Việt để được tư vấn và hướng dẫn.

Thông tin liên hệ Công ty Luật Kiến Việt:

Liên hệ qua Website: https://luatkienviet.com/

Liên hệ qua điện thoại: 0386 579 303

Liên hệ qua Email: contact@luatkienviet.com

Liên hệ qua Facebook: https://www.facebook.com/luatkienviet

Liên hệ trực tiếp tại địa chỉ công ty.

 

Scores: 4.6 (19 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Chức vụ: Giám Đốc Điều Hành

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Bất Động Sản, Dự Án Đầu Tư, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Dân sự, HNGĐ, Lao Động, Hợp Đồng, Hình Sự, Hành Chính và tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp, tranh tụng...

Trình độ đào tạo: Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 536 bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *