Thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao về vụ việc bán chui 74,8 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn FLC. Chắc hẳn một số bạn đọc sẽ thắc mắc bán chui cổ phiếu là gì và hậu quả pháp lý như thế nào. Theo dòng sự kiện, Luật Kiến Việt sẽ giải đáp các thắc mắc trên cho bạn đọc, đồng thời bình luận về vụ việc của FLC trong bài viết dưới đây.
Bán chui cổ phiếu là gì?
Pháp luật không định nghĩa cụ thể khái niệm “bán chui cổ phiếu” mà đây là cụm từ thường được sử dụng để nói về hiện tượng bên bán cổ phiếu không công bố thông tin, báo cáo về giao dịch mua bán theo đúng quy định pháp luật.
Theo khoản 1 Điều 33 Thông tư 96/2020/TT-BTC, trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch tối thiểu 03 ngày làm việc, người nội bộ của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan phải công bố thông tin, báo cáo trước và sau khi thực hiện giao dịch cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán (đối với cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch, chứng chỉ quỹ đại chúng niêm yết). Đồng thời, người nội bộ và người có liên quan phải thực hiện theo thời gian, khối lượng, giá trị do Sở giao dịch chứng khoán đã công bố thông tin và chỉ được thực hiện giao dịch đầu tiên vào ngày giao dịch liền sau ngày có thông tin công bố từ Sở giao dịch chứng khoán.
Người nội bộ, người có liên quan là ai?
Khái niệm người nội bộ
Các quy định bên trên có nhắc đến “người nội bộ” và “người có liên quan”, vậy các chủ thể này là ai?
Khái niệm người nội bộ được định nghĩa tại khoản 45 điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019 là người giữ vị trí quan trọng trong bộ máy quản trị, điều hành của doanh nghiệp, quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng.
Đối với doanh nghiệp, theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 45 Luật chứng khoán 2019, người nội bộ gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng thành viên, người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc), Giám đốc tài chính, Kế toán trưởng và các chức danh quản lý tương đương do Đại hội đồng cổ đông bầu hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm; Trưởng Ban kiểm soát và thành viên Ban kiểm soát (Kiểm soát viên), thành viên Ban kiểm toán nội bộ; thư ký công ty, người phụ trách quản trị công ty, người được ủy quyền công bố thông tin.
Đối với quỹ đại chúng hoặc công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, người nội bộ là thành viên Ban đại diện quỹ đại chúng, thành viên Hội đồng quản trị công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, người điều hành quỹ đại chúng, người điều hành công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, người nội bộ của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
Khái niệm người có liên quan
Người có liên quan là cá nhân hoặc tổ chức có quan hệ với nhau trong các trường hợp tại khoản 46 điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019. Cụ thể gồm các trường hợp:
a) Doanh nghiệp và người nội bộ của doanh nghiệp đó; quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng và người nội bộ của quỹ đại chúng hoặc công ty đầu tư chứng khoán đại chúng đó;
b) Doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân sở hữu trên 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết hoặc vốn góp của doanh nghiệp đó;
c) Tổ chức, cá nhân mà trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân khác trực tiếp, gián tiếp kiểm soát hoặc bị kiểm soát bởi tổ chức, cá nhân đó hoặc cùng với tổ chức, cá nhân đó chịu chung một sự kiểm soát;
d) Cá nhân và bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của cá nhân đó;
đ) Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán do công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán đó quản lý;
e) Quan hệ hợp đồng trong đó một tổ chức, cá nhân là đại diện cho tổ chức, cá nhân kia;
g) Tổ chức, cá nhân khác là người có liên quan theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Hậu quả pháp lý của bán chui cổ phiếu
Theo quy định tại Điều 33 Nghị định 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 27 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP, hành vi không báo cáo giao dịch có mức phạt tiền dựa trên giá trị chứng khoán giao dịch thực tế tính theo mệnh giá (đối với cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ) hoặc theo giá phát hành gần nhất (đối với chứng quyền có bảo đảm) hoặc giá trị chuyển nhượng (đối với quyền mua cổ phiếu, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, quyền mua chứng chỉ quỹ) như sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 400.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 400.000.000 đồng đến dưới 600.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 600.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 10.000.000.000 đồng;
h) Phạt tiền 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10.000.000.000 đồng trở lên.
Đặc biệt, trường hợp mức phạt tiền cao hơn mức phạt tiền tối đa là 3.000.000.000 đồng đối với tổ chức và 1.500.000.000 đồng đối với cá nhân thì áp dụng mức phạt tối đa.
Bình luận vụ việc FLC
Ngày 10/1, ông Trịnh Văn Quyết – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn FLC đã bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong tổng số 175 triệu cổ phiếu đã đăng ký bán cổ phiếu mà không báo cáo, công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Tổng số cổ phiếu đăng ký bán có tổng giá trị là 3.850 tỷ và lượng đã bán chui thu được khoảng 1.650 tỷ đồng.
Ông Quyết là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, theo phân tích bên trên thì ông Quyết là người nội bộ của công ty. Do đó, giao dịch cổ phiếu phải được báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán tối thiểu 03 ngày làm việc trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch và chỉ được thực hiện giao dịch đầu tiên vào ngày giao dịch liền sau ngày có thông tin công bố từ Sở giao dịch chứng khoán theo khoản 1 Điều 33 Thông tư 96/2020/TT-BTC.
Như vậy, hành vi không báo cáo của ông Quyết đã vi phạm khoản 1 Điều 33 Thông tư 96/2020/TT-BTC. Theo quy định tại Điều 33 Nghị định 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 27 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP, mức phạt tối đa mà ông Quyết phải chịu là 1,5 tỷ đồng. Đây được xem là con số nhỏ so với lợi nhuận thu được của số cổ phiếu bán chui (1650 tỷ đồng).
Nhìn chung, có thể nói rằng mức phạt theo quy định pháp luật đối với hành vi bán chui cổ phiếu không đủ sức răn đe đối với hành vi này. Việc bán chui cổ phiếu của ông chủ lớn đầu cơ trục lợi trên thực tế cũng không còn xa lạ. Chính ông Trịnh Văn Quyết cũng từng bị xử phạt về hành vi bán chui cổ phiếu vào cuối năm 2017 với số tiền phạt 65 triệu đồng cho 57 triệu cổ phiếu bán chui và ông Quyết lại tiếp tục tái phạm vào năm 2022 với số lượng cổ phiếu bán chui cao gây rúng động dư luận (74,8 tỷ đồng).
Bán chui cổ phiếu là việc làm vi phạm pháp luật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư, khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng, đồng thời dẫn đến sự minh bạch khi giao dịch trên sàn chứng khoán không được đảm bảo.
Trước sự vi phạm và ảnh hưởng nghiêm trọng của vụ việc ngày 10-1-2022 của ông Trịnh Văn Quyết, lãnh đạo Ủy ban chứng khoán nhà nước đã quyết định hủy toàn bộ giao dịch bán chui của phiếu ngày 10-1 của ông Quyết. Theo đó, ông Quyết sẽ nhận lại 74,8 triệu cổ phiếu đã bán ra ngày 10-1 và trả các nhà đầu tư sẽ không mất tiền mua cổ phiếu. Vụ việc hủy giao dịch của ông Quyết được lãnh đạo VNDIRECT cho rằng chưa từng có tiền lệ trước đây. Tuy nhiên, cách giải quyết nêu trên vẫn chưa đủ để loại bỏ toàn bộ thiệt hại xảy ra cho các nhà đầu tư, bởi lẽ các nhà đầu tư mua vào cổ phiếu ngày 10-1 không khớp với lệnh của 74,8 triệu cổ phiếu được hoàn trả vẫn phải chịu thiệt hại vì giá cổ phiếu đi xuống do ảnh hưởng bởi thông tin.
Kết luận
Thị trường chứng khoán tại Việt Nam chưa bao giờ hết sôi động. Nhiều nhà đầu tư giàu nhanh nhờ chứng khoán nhưng cũng nhiều trường hợp phải “tán gia bại sản” vì chứng khoán, nhất là khi việc giao dịch trên thị trường còn bị thao túng bởi các “ông lớn” không tuân theo quy định pháp luật. Các nhà lập pháp nên xem xét sửa đổi, bổ sung các chế tài xử phạt nặng hơn với hành vi bán chui cổ phiếu nói riêng và các hành vi vi phạm nói chung sao cho đủ sức răn đe, từ đó giảm thiểu rủi ro xảy ra và tạo môi trường giao dịch minh bạch, đồng thời ngăn chặn các hành vi thao túng thị trường.