Đốt pháo nổ, pháo hoa trái phép dịp Tết bị xử lý như thế nào?

Trong những ngày Tết, có rất nhiều trường hợp người dân mua pháo đốt thêm phần không khí. Tuy nhiên, ít ai biết rằng nếu sử dụng không đúng loại pháo được cho phép và thực hiện không nghiêm chỉnh các quy định về đốt pháo, người dân sẽ bị phạt thế nào theo quy định mới nhất. Bài viết sẽ tư vấn xử lý hành vi đốt pháo nổ, pháo hoa trái phép dịp tết, mức xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, cùng tham khảo chi tiết ở nội dung bên dưới.

Đốt pháo nổ, pháo hoa trái phép dịp tết bị xử lý như thế nào

Đốt pháo nổ, pháo hoa trái phép dịp tết bị xử lý như thế nào

Sử dụng, đốt pháo như thế nào là đúng quy định?

Ai là người được sử dụng pháo hoa?

Căn cứ Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, các đối tượng sau đây được phép sử dụng pháo hoa:

  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Theo đó, loại pháo hoa được người dân sử dụng trong dịp Tết là sản phẩm được chế tạo mà có các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc và không gây ra tiếng nổ.

Việc không gây ra tiếng nổ chính là đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt pháo hoa người dân được phép sử dụng với loại pháo hoa nổ người dân không được phép đốt trong ngày Tết.

Mua pháo hoa để sử dụng ở đâu hợp pháp

Hiện nay, tại Việt Nam, người dân chỉ được mua pháo hoa duy nhất tại một địa điểm là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoá chất 21 (hay còn gọi là nhà máy Z121) thông qua website https://21chemical.vn/ và các cửa hàng bán pháo hoa được phép kinh doanh tại đây.

Đặc biệt, người mua khi muốn sử dụng thì phải cung cấp đầy đủ hoá đơn, chứng từ hợp lệ để cơ quan chức năng kiểm tra.

Hành vi nghiêm cấm trong sử dụng pháo

Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định 09 hành vi nghiêm cấm trong sử dụng pháo người dân cần lưu ý, bao gồm:

  • Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.
  • Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.
  • Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
  • Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
  • Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
  • Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo.
  • Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.
  • Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.
  • Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.

Hành vi nghiêm cấm trong sử dụng pháo

Hành vi nghiêm cấm trong sử dụng pháo

Đốt pháo nổ, pháo hoa trái phép bị xử lý thế nào?

Xử phạt vi phạm hành chính

Việc sản xuất, buôn bán, sử dụng pháo nổ là bị cấm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam từ năm 1995. Thậm chí, việc nhập khẩu các nguyên liệu làm pháo, pháo các loại, các loại thuốc pháo từ nước ngoài từ thời điểm cấm đốt pháo nổ là phạm pháp.

Lưu ý rằng, chỉ loại pháo hoa không gây tiếng nổ và được bán tại các cửa hàng được phép kinh doanh pháo hoa nêu trên mới là loại pháo hoa được phép sử dụng trong dịp Tết. Đặc biệt, sau khi mua, người dân cần phải lưu giữ hoá đơn, chứng từ để xuất trình trong trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra.

Nếu khi bị kiểm tra mà người dân không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc sử dụng loại pháo hoa không được phép thì theo điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP sẽ bị phạt từ 05 – 10 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu sử dụng trái phép pháo hoa thì còn bị tịch thu loại pháo hoa không được phép đốt.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định hành vi đốt pháo bị xử lý hình sự nếu thỏa mãn toàn bộ các điều kiện sau đây:

  • Là pháo nổ theo quy định tại Công văn 340/TANDTC-PC ngày 22/2/2017 của Tòa án nhân dân tối cao;
  • Đáp ứng cấu thành tội phạm của tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ tại Điều 305;
  • Loại pháo nổ được sử dụng phải là vật liệu nổ theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ công cụ hỗ trợ 2017 (Điều 2, khoản 2 đến khoản 8 Điều 3 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP);

Cụ thể, mô tả loại tội phạm này được quy định như sau:

Điều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;

c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;

d) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

đ) Làm chết người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

h) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Thuốc nổ các loại từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam;

b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn;

c) Làm chết 02 người;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Thuốc nổ các loại 100 kilôgam trở lên;

b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn;

c) Làm chết 03 người trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm

Nói tóm lại, với trường hợp thỏa mãn cấu thành tội phạm cơ bản sử dụng vật liệu nổ là pháo nổ thì mức phạt được áp dụng là từ 1 đến 5 năm tù. Mức phạt này có thể tăng lên từ 3 – 10 năm nếu thuộc khung hình phạt tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 2, hoặc 7 – 15 năm tại khoản 3, thậm chí là chung thân nếu tại khoản 4 Điều 305.

Việc đốt pháo hoa bị xử lý hình sự nếu như không bị xử phạt hành chính và thỏa mãn các điều kiện của Bộ luật Hình sự tại Điều 305 như:

  • Là loại vật liệu nổ và là pháo nổ: Xác định là vật liệu nổ, pháo nổ phải do cơ quan giám định có thẩm quyền tiến hành giám định trước khi khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án;
  • Thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm của loại tội này;

Luật sư tư vấn hỗ trợ người vi phạm quy định về sử dụng pháo trái phép

Việc sử dụng pháo, đốt pháo nổ trong dịp Tết là điều không hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu người sử dụng không nắm rõ được các kiến thức pháp luật liên quan tới việc đốt pháo bị nghiêm cấm có thể dẫn đến bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để hỗ trợ người vi phạm quy định về sử dụng pháo trái phép, Công ty Luật Kiến Việt cung cấp dịch vụ Luật sư tư vấn hỗ trợ người vi phạm hoặc có liên quan với các nội dung sau:

  • Tư vấn hỗ trợ người vi phạm quy định về sử dụng pháo trái phép
  • Hỗ trợ, tư vấn soạn thảo đơn tố cáo, khởi kiện,…
  • Cung cấp dịch vụ luật sư tranh tụng tại tòa.

Tóm lại, hành vi đốt pháo nổ, pháo hoa trái phép dịp Tết là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức pháp luật, tránh tham gia các hoạt động đốt pháo trái phép, góp phần bảo vệ an ninh trật tự xã hội. Mọi thông tin cần luật sư tư vấn về mức xử phạt, yếu tố bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hướng bào chữa xin giảm nhẹ tội. Vui lòng liên hệ qua Hotline hoặc Zalo theo số 0386.579.303, được luật sư tư vấn hỗ trợ kịp thời.

Scores: 4.5 (19 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Đỗ Thanh Lâm

Chức vụ: Giám Đốc Điều Hành

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Bất Động Sản, Dự Án Đầu Tư, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Dân sự, HNGĐ, Lao Động, Hợp Đồng, Hình Sự, Hành Chính và tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp, tranh tụng...

Trình độ đào tạo: Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 14 năm

Tổng số bài viết: 570 bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *